
Huyền thoại Trung đội nữ Minh Vương
“Cả trung đội có 72 người tất cả. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ lắm, toàn chị em phụ nữ… nhưng đâu cần là chúng tôi có mặt. Từ bắn máy bay địch đến gác chốt tuần tra, gia tăng sản xuất… không nề hà, quản ngại bất cứ việc gì. Mà hình như chẳng ai nghĩ đến cái chết chứ sợ gì vất vả gian lao. Tất cả chỉ chung một chí hướng, hết lòng hết sức bảo vệ, xây dựng quê hương”… Những tháng ngày gian khó mà kiên gan, bền chí dường như vẫn còn nguyên trong ký ức của nữ dân quân Hoàng Thị Bèo (xã Liên Hòa, TX Quảng Yên) khi nói về Trung đội nữ Minh Vương năm nào.
Giỏi tay cày
Từ năm 1958, Hải Ninh, Hồng Quảng bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong điều kiện mới. Đất đai của Hồng Quảng - Hải Ninh phần lớn khô cằn, bạc màu, bị xói mòn, độ dốc cao lại chua mặn, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng vào loại thấp nhất miền Bắc.

Việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng bảo vệ quê hương đã ra đời một đội ngũ dân quân tự vệ được rèn luyện thử thách. Đó là một trong những lực lượng vũ trang nhân dân địa phương phát triển từ tiểu đội đến đại đội, được trang bị vũ khí và làm xung kích trong sản xuất, tuần tra canh gác, bảo vệ bản làng, nhà máy. Ở huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), nổi lên trung đội nữ Minh Vương thuộc xã Liên Hòa, là đơn vị tỏ rõ sự bền gan, quyết chí, đảm đang, giỏi tay cày hay tay súng.
Hồi tưởng lại quá khứ, bà Hà Thị Thái, sinh năm 1940 - một trong những đội viên thời kỳ đầu của Trung đội nữ Minh Vương nhớ lại: Khoảng cuối năm 1959, ở xã Liên Hòa, Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), dưới sự vận động của bà Trần Thị Cóp, Xã đội phó, Trung đội nữ Minh Vương đã được thành lập. Ban đầu chỉ có 5 chị em, nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, Trung đội đã lớn dần lên, đến năm 1973 thì có tất cả 72 người. Nhiệm vụ chủ yếu khi ấy là chống biệt kích phá hoại đê, cầu cống và gia tăng sản xuất. Tôi thì nằm trong lực lượng sản xuất, là một trong 2 tiểu đội được giao nhiệm vụ đi khai hoang phục hóa ở vùng Yên Cư (nay là khu Yên Lập - Uông Bí) và Đại Thành (khu Hà Nam - Quảng Yên).

“Thời chúng tôi, sáng ăn cơm nhà - mà thật ra là chẳng có cơm đâu. Hầu hết chỉ là củ khoai, củ sắn hay miếng rau cho chắc bụng rồi đi dân quân. Ở đâu có việc cần làm là chúng tôi tham gia. Những năm 1960-1961 là giai đoạn vất vả nhất, khi tham gia khoanh đầm ở Yên Cư. Đây là vùng thấp, trũng. Nước lúc nào cũng ngập, khi thủy triều xuống thấp thì cũng ngang đầu gối. Lúc thủy triều lên cao thì có khi nửa thân trên. Chúng tôi cứ làm theo con nước, nước rút thì tranh thủ đắp đất be bờ, nước lên cao thì nghỉ. Có khi đêm tối mà đúng lúc triều xuống, thì cũng tranh thủ làm tối. Nhờ đó mà đã biến 300 mẫu sú thành ruộng cày cấy được, để có đất đai cho mấy chục hộ dân trong xã di cư ra khu vực này sản xuất, sinh sống” - bà Thái nói.
Ký ức về những ngày tham gia sản xuất ở Trung đội nữ Minh Vương cũng còn đọng sâu trong trí nhớ của người cựu nữ dân quân Hà Thị Kiêm, sinh năm 1939. Bà Kiêm kể lại: Lúc bấy giờ, cả làng, cả xã làm gì có đàn ông… Hầu hết trai tráng sức vóc thì góp sức cho chiến trường miền Nam, những ai ở nhà thì hoặc ra khơi đánh cá, hoặc kiếm ăn ở khắp mọi miền. Đàn ông xông pha trận mạc rồi thì phụ nữ chúng tôi ở nhà, vững chắc hậu phương, tập trung bảo vệ làng mạc, thôn xóm rồi thi đua sản xuất… Từ làm đường sá, thủy lợi, gia cố đê hay đào thông hào, đắp ụ súng chúng tôi đều có mặt. Khi giặc Mỹ gia tăng ném bom, phá hoại miền Bắc thì chúng tôi đào hào, đắp ụ súng phục vụ chiến đấu. Tuyến đê Hà Nam khi ấy hay bị biệt kích phá hoại, chúng tôi làm nhiệm vụ khắc phục. Những năm 1967-1968, các chị em trong Trung đội còn tham gia mở một con đường từ Chùa Biểu sang Hoàng Tân cho bộ đội đóng quân… Cứ có lệnh là chị em đi. Không quản ngày đêm, mưa nắng. Trang phục tất thảy đều giống nhau, đầu đội mũ rơm, lưng đeo cành, lá cây, vừa chống nắng, vừa ngụy trang: “Đầu đội mũ rơm, lưng đeo nọn rác, sợ gì Giôn-Xơn”.

Hay tay súng
Sau khi gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ cho máy bay và tàu chiến ra bắn phá miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Với khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, nhân dân Quảng Ninh đã vừa sản xuất tốt, vừa chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ và ổn định đời sống nhân dân.
Nhớ lại thời gian chiến đấu ác liệt khi ấy, bà Hoàng Thị Bèo bồi hồi: Năm 1967, khi đó tôi 18 tuổi thì bắt đầu tham gia vào Trung đội nữ Minh Vương. Những năm này (1965-1968) cũng là thời điểm giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc ác liệt. Ngày nào bọn giặc cũng cho máy bay lượn ra lượn vào vùng trời khu vực Uông Bí - Quảng Yên - Hải Phòng. Chúng ném bom vào Nhà máy điện Uông Bí nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế của ta, hòng không cho chúng ta tập trung sản xuất. Ở đường biển, chúng thả thủy lôi và người nhái để phá đê, thuyền bè của ngư dân. Với tinh thần giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh, các chị em Trung đội nữ Minh Vương cũng cầm súng chiến đấu đến cùng bảo vệ quê hương.
Vừa kể về những ngày chiến đấu cùng chị em, bà Hoàng Thị Bèo lại cẩn thận lấy ra từ trong túi những kỷ niệm về một thời tham gia học bắn máy bay địch: Đây là mô hình máy bay B52, đây là F-105… còn đây là tiêm kích không quân của ta, không được bắn nhầm. Chúng tôi được học cách để nhận biết máy bay địch, cách ngắm bắn, vào đạn, xác định hướng bay… Một tiểu đội gồm 12 chị em sẽ được phân công bám chốt trận địa để đón lõng, bắn máy bay địch vào/ra khu vực Uông Bí, Quảng Yên, Hải Phòng. Thường thì chúng sẽ tập trung bắn phá vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều mỗi ngày. 3 người đảm nhiệm một ụ súng. Một đồng chí sẽ nghe ngóng tiếng động cơ để xác định hướng đi/đến của máy bay, một đồng chí sẽ có nhiệm vụ tiếp đạn, người còn lại thì sẵn sàng ngắm bắn khi có hiệu lệnh.

Trung đội cũng có 1 lực lượng đảm nhiệm tuần tra gác chốt. Tiểu đội này sẽ ngủ tập trung, “có lệnh là đi, có địch là đánh”, mỗi tối tuần phòng một quãng đê chạy sát biển 8km từ Cống Quỳnh đến cột mốc 16, giáp kênh Cái Cháp đề phòng địch đi vào đường biển phá hoại đê, kè cống.
Ngoài thời gian tham gia trực chiến, các chị em của Trung đội nữ Minh Vương tiếp tục chuẩn bị trận địa phục vụ chiến đấu. Đã có hàng trăm ụ súng, công sự và đường hào đã được xây nên từ những đôi bàn tay nhỏ bé nhưng rắn rỏi của chị em. Bà Bèo nhớ lại: Gian khổ lắm, vất vả cũng nhiều, những ngày nắng cháy đầu, những ngày mưa rét buốt, bụng chẳng đủ no, thân không đủ ấm… nhưng tất cả chúng tôi đều mang trong mình một trái tim nhiệt huyết, một tinh thần chiến đấu bền chí, vì quê hương bản quán, vì hòa bình ngày mai. Những câu hát giữa trận địa vẫn vang lên mỗi ngày, vừa là niềm vui, vừa thúc giục mỗi người hăng hái hơn, quyết tâm hơn:
“Ta lại đào công sự cho trận chiến đấu ngày mai,
Nào bên gái, ấy nào bên trai… ta đào mau, dân làng ơi (dô ta).
Tranh thủ lúc trời chưa sáng, ta đào, ta khoan,
Ta lèn cho thật chắc, cắm thêm cành ngụy trang.
Nay mai pháo của ta nòng vươn cao trên trận địa,
Bắn gục bọn xâm lăng tàn ác, bảo vệ đất nước làng quê (dô ta)” .
Trung đội Minh Vương là niềm tự hào của đảng bộ và nhân dân xã Liên Hòa (TX Quảng Yên). Nhiều năm liền, trung đội được tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng. Những đóng góp của chị em trong lĩnh vực chiến đấu, sản xuất không chỉ xây dựng, bảo vệ hậu phương vững chắc mà còn tiếp thêm sức mạnh để những người anh, người chồng yên tâm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Ý kiến ()