
TP Cẩm Phả: Những bước tiến trong chuyển đổi số
Để triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS), Thành ủy, UBND TP Cẩm Phả đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố về CĐS được triển khai kịp thời.
Đẩy nhanh kinh tế số
Với sự đầu tư mạnh mẽ, hiện nay, hạ tầng số của thành phố và các phường, xã đều kết nối ổn định, bảo đảm an toàn, thông suốt và bảo mật thông tin. Nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, phòng họp trực tuyến tại UBND thành phố và UBND các phường, xã được bảo trì, kết nối thông suốt đáp ứng các phiên họp trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Xác định CĐS là nhiệm vụ mục tiêu quan trọng giúp thành phố bứt phá, nhất là phát triển kinh tế số. Đối với phát triển kinh tế số, hiện TP Cẩm Phả có 100% các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, giải pháp số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Nhất là bộ phận quản lý, kế toán đã sử dụng toàn bộ phần mềm để áp dụng trong công việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp phục vụ về điện, nước, viễn thông đã sử dụng hợp đồng điện tử; các hộ kinh doanh cá thể, HTX sử dụng thương mại điện tử đã đạt trên 50%. Qua số liệu khảo sát của Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TP Cẩm Phả, năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận có 81 HTX, 1.031 hộ kinh doanh cá thể đã tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm qua trang thương mại điện tử tiktok, zalo, facebook...

Tại Cẩm Phả, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên tham gia và đưa lên các sàn thương mại điện tử; 80% sản phẩm nông sản, thủy sản của thành phố được truy xuất nguồn gốc; có 99% doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn thành phố nộp thuế điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nộp thuế điện tử đạt trên 98%; tỷ lệ hộ kê khai nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử đạt 99%...
Cùng với đó, 100% giao dịch giải quyết TTHC ở cấp thành phố và cấp xã, phường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng nhà nước, ngân hàng TMCP trên địa bàn đã triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử trong việc thanh toán hóa đơn dịch vụ thông qua các hình thức như: Thanh toán qua điện thoại di động; qua mạng Internet; thanh toán POS; thanh toán qua mã VietQR và các hình thức không dùng tiền mặt khác...
Toàn bộ các hệ thống thuộc Điện lực Cẩm Phả; Bưu điện Cẩm Phả; BHXH TP Cẩm Phả; Chi cục Thuế khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô; Xí nghiệp nước Cẩm Phả; các trường học, bệnh viện trên địa bàn triển khai thu dịch vụ công đối với các giao dịch về dịch vụ, hàng hóa như: Tiền điện, tiền nước, tiền học phí, viện phí, dịch vụ hành chính công, chi trả tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội theo hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 100% giao dịch giải quyết thủ tục hành chính ở cấp huyện và cấp xã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, mô hình chợ 4.0 được triển khai tại 18/18 chợ trên địa bàn thành phố, phần lớn các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Xây dựng xã hội số
Nhằm giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ và các tiến bộ khoa học xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống. TP Cẩm Phả đã triển khai 7/8 chỉ tiêu về xã hội số, trong đó có 6 chỉ tiêu hoàn thành, 1 chỉ tiêu đang tiếp tục triển khai. Ghi nhận tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân hiện đạt 189.595 hộ, đạt 99% tổng số thuê bao.
Số hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng 53.197/54.570 đạt 97,48%; toàn thành phố có 100% cơ sở y tế thực hiện CĐS, triển khai bệnh án điện tử theo quy định về hồ sơ bệnh án điện tử. Tỷ lệ người dân trên địa bàn thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân đạt 94,25% và tỷ lệ đăng ký tài khoản KCB từ xa của người dân đạt 48,6%.

Cẩm Phả đã đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin KCB của người dân trên địa bàn với các hệ thống thông tin Quốc gia (BHXH Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Y tế) và các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương phục vụ nhu cầu giải quyết công việc, thủ tục hành chính. Đến nay, trên địa bàn thành phố 100% người bệnh khi được chuyển viện hoặc chuyển tuyến được tra cứu, xem, sử dụng lại các kết quả, dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh trước đó của mình. Thành phố có 95% người dân từ 15 tuổi trở lên có điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng VNeID, định danh điện tử mức độ 2.
Trên địa bàn thành phố hiện nay có hệ thống truyền thanh cơ sở của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa đã ứng dụng CNTT và viễn thông hiện đại triển khai đến 15 phường, xã và 100% thôn, khu dân cư quản trị tập trung đảm bảo kết nối với hệ thống quản lý thông tin nguồn cấp thành phố. CĐS toàn diện ở thành phố mỏ đã bắt nhịp được xu hướng chung của tỉnh, của đất nước, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Ý kiến ()