
Một ngày khó quên
Ngày 25/4/1955, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử Vùng mỏ Quảng Ninh khi khu Hồng Quảng chính thức được chính quyền ta tiếp quản từ tay thực dân Pháp. Không khí ngày tiếp quản tràn ngập niềm vui, thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm của bộ đội và nhân dân địa phương.
Tôi may mắn nhiều lần được trò chuyện cùng ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, từng là chiến sĩ Đại đội Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp. Giờ ông đã 93 tuổi, có những chuyện ông đã quên, nhưng ông vẫn nhớ về không khí ngày tiếp quản ở Hòn Gai (nay là TP Hạ Long).
Ông kể lại rằng vào ngày 30/10/1954, đơn vị của ông đã về tiếp quản thị trấn Đông Triều, một khu vực nằm trong vùng tập kết 100 ngày của Pháp. Sau một thời gian tập huấn về tình hình nhiệm vụ mới và nghiệp vụ tiếp quản, ông được phân công về nhận bàn giao từ Pháp tại thị xã Cửa Ông. Biên bản bàn giao với Pháp được ký vào tối ngày 21/4/1955. Sáng hôm sau, Ủy ban Quân chính khu Hồng Quảng tập kết tại Mông Dương chính thức tiếp quản Cửa Ông, sau đó qua Cẩm Phả về Hòn Gai.

Lực lượng tiếp quản Hòn Gai lúc đó bao gồm 2 tiểu đoàn bộ binh và 4 đại đội trợ chiến. Lực lượng tiếp quản tiến vào Hòn Gai theo lộ trình từ phà Bãi Cháy đến Loong Toòng, Lán Đạo, dốc Bồ Hòn, Phố Chợ và cuối cùng tập kết tại sân vận động. Khi con tàu há mồm chở lính Pháp rời bến, tàu thuyền trên bến đều treo cờ đỏ, không khí vui mừng tràn ngập. Tiếng loa phát thanh vang lên những bài hát cách mạng, hòa cùng tiếng nói cười rộn ràng của nhân dân.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thực (90 tuổi), tổ 12, khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, kể: Ngày bộ đội ta tiếp quản Hòn Gai, lúc đó tôi mới 20 tuổi, vẫn đang sinh sống ở Cao Xanh. Ngày ấy, không khí thật tưng bừng. Người dân ùa ra với cờ đỏ sao vàng, hô vang ủng hộ Việt Minh. Niềm vui sướng và tự hào hiện rõ trên từng khuôn mặt. Nhiều người không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh bộ đội ta tiến vào tiếp quản. Họ tặng hoa, bắt tay và ôm chầm lấy những người lính, như muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh và cống hiến của họ.

Khoảng 11 giờ trưa ngày 25/4/1955, tại sân vận động trung tâm Hòn Gai, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức. Chủ tịch Ủy ban Quân chính khu Hồng Quảng Nông Quang Dũng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định của Ủy ban Quân chính, khẳng định sự kiện trọng đại này và kêu gọi toàn thể nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương.
Sau khi tiếp quản, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là bảo vệ máy móc, không cho địch phá hoại hoặc mang đi, nhằm đảm bảo việc sản xuất than không bị tê liệt. Công nhân mỏ đã khắc phục mọi khó khăn, khôi phục lại các tầng mỏ và công trường. Tại Hà Tu, những ngày sau tiếp quản, chỉ có Công trường Bàng Danh A còn hoạt động với trên 400 công nhân lao động thủ công. Cán bộ, công nhân đã khắc phục mọi khó khăn, khôi phục lại tầng mỏ và công trường. Công nhân các công trường đã sôi nổi ra quân với khí thế hào hùng của những người làm chủ, đi vào sản xuất những tấn than đầu tiên, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Những ký ức hào hùng về ngày tiếp quản Hòn Gai là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và lòng yêu nước của nhân dân Vùng mỏ. Đó cũng là nền tảng vững chắc, là nguồn động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và thịnh vượng của TP Hạ Long ngày nay.
Ý kiến ()