20
18
/
1064061
Du lịch an toàn
longform
Du lịch an toàn

 

Sau một thời gian dừng các hoạt động du lịch trên địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19, các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Quảng Ninh bắt đầu mở cửa đón khách trở lại từ ngày 2/3. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Du lịch và của tỉnh, hoạt động trở lại của ngành du lịch sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Thực hiện mục tiêu kép, trong đó yêu cầu phải kiên quyết giữ vững địa bàn an toàn, nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội trong trạng thái bình thường mới, ngày 2/3, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1180/UBND-DL1 về việc triển khai mở lại một số hoạt động KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Trong đó nêu rõ, kể từ 0h00 ngày 2/3, thí điểm mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. Văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định về việc thí điểm cho phép cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và các cơ sở dịch vụ khác trên địa bàn hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, chỉ tổ chức đón du khách nội tỉnh là người sinh sống làm việc trên địa bàn Quảng Ninh.

Ngay khi có văn bản thí điểm mở cửa trở lại các cơ sở dịch vụ, du lịch, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, việc thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch đã được đặt lên hàng đầu, đảm bảo tối đa an toàn cho người dân và du khách.

Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Để chuẩn bị cho người dân du xuân, chiêm bái, Công ty đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử và Trung tâm Y tế TP Uông Bí triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho du khách, như: Trang bị máy đo nhiệt độ để kiểm soát tất cả du khách; kiểm tra thân nhiệt từ xa; trang bị dung dịch xịt tay sát khuẩn, bổ sung thêm tủ thuốc đặt tại các điểm thường trực trên dọc tuyến hành hương; các trạm sơ cấp cứu được tăng cường bác sĩ, y tá, bổ sung thuốc, dụng cụ y tế, nhằm đảm bảo điều kiện để phòng, chống dịch.

Các điểm chùa, bến xe, nhà ga, hệ thống cabin cáp treo, nơi ở và làm việc của người lao động các đơn vị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh tại di tích được phun thuốc khử trùng. Công ty cũng yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp người dân, du khách đến chiêm bái, từ trước khi dịch bệnh bùng phát, các điểm di tích trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, nhiều nơi đã trang bị thiết bị đo thân nhiệt từ xa và cầm tay để kiểm tra y tế cho người dân khi đến tham quan; cung cấp miễn phí khẩu trang, dung dịch rửa tay cho du khách; phun tiêu độc, khử trùng toàn vùng di tích, in thông tin cảnh báo du khách về dịch bệnh.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) thu hút khá đông người dân, du khách đi lễ đầu năm, vì thế, công tác phòng, chống dịch bệnh ở đây đã được TP Cẩm Phả và các nhân viên Ban Quản lý đền Cửa Ông đề cao. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo liên tục trên hệ thống loa truyền thanh của đền về các biện pháp phòng chống dịch. Ban Quản lý đền luôn có một tổ túc trực mỗi ngày, phát miễn phí khẩu trang cho những du khách nào quên không mang; đồng thời, tổ chức họp, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch.

Không chỉ ở các cơ sở thờ tự, các điểm du lịch khác như Vịnh Hạ Long cũng thực hiện việc giãn cách đảm bảo số lượng an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu giữa các hành khách và có các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Các phương tiện tham quan thực hiện việc bố trí tối đa không quá 50% số ghế trên chuyến. Tàu lưu trú được phép chở số lượng khách theo đăng ký phù hợp với thực tiễn của tàu, nhưng phải triển khai các biện pháp không tập trung đông người tại những khu vực công cộng trên tàu, thực hiện việc bố trí lệch giờ ăn, giờ sinh hoạt chung...

Trường hợp phương tiện vận chuyển, lưu trú không có không gian hoặc giải pháp đảm bảo giãn cách, thì phải thực hiện giảm số người cho phù hợp. Tất cả các phương tiện phải thực hiện tiêu độc, khử trùng theo đúng quy định trước khi hoạt động trở lại và thực hiện thường xuyên.

Ông Trần Ngọc Tú, Phó Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thuỷ nội địa Quảng Ninh tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cho biết: Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tại cảng đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, người dân và du khách đến tham quan. Đồng thời tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong cảng thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế, các văn bản của tỉnh. Nếu phát hiện trường hợp cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm khắc.

Cùng với sự chủ động phòng chống dịch của các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo động lực cho ngành du lịch đảm bảo tăng trưởng. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã ban hành 4 gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng, duy trì các chính sách ưu tiên, miễn giảm vé tham quan, lưu trú vịnh Hạ Long, Bảo tàng, Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị liên quan. Điển hình như ngành Điện đã giảm cho các cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất trong 6 tháng. Chi cục Thuế TP Hạ Long đã thực hiện giảm từ 50% trở lên so với mức đã khoán hoặc miễn thuế khoán đối với các hộ kinh doanh, tàu du lịch trong một số thời gian dịch bệnh bùng phát, phải tạm ngừng hoạt động để giãn cách xã hội...

Sở Du lịch đã phối hợp các đơn vị có liên quan lên phương án thu hút lượng khách du lịch trong nước, khách du lịch từ các thị trường khác bù đắp lượng khách thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó, xây dựng, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn; tăng cường hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch tại các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh liên kết, mở rộng không gian và thị trường khách du lịch trên cơ sở gắn kết chính quyền - điểm đến - doanh nghiệp...

Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch cũng “sát cánh” cùng ngành du lịch, tập trung các kiến nghị của doanh nghiệp về việc mong muốn tiếp cận gói vay ưu đãi của ngân hàng chính sách để giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh doanh. Nhờ vậy, mặc dù khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng rất sâu, song đến hết năm 2020, Quảng Ninh vẫn đón gần 10 triệu lượt khách và là địa phương duy nhất có khu vực dịch vụ chiếm chủ đạo, nhưng vẫn đạt tăng trưởng hai con số, với 10,05%.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch ngay từ đầu năm, khiến ngành bị lỡ một trong những "thời điểm vàng” quý giá để thu hút du khách, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, với các biện pháp phòng, chống dịch cương quyết, nghiêm túc và hiệu quả, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

Ngày 2/3, ngay khi UBND tỉnh ban hành công văn về việc triển khai mở lại một số hoạt động KT-XH trong trạng thái bình thường mới, trong đó, thí điểm mở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ, tỉnh đã tổ chức hội nghị làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh về tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã kiến nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ cho doanh nghiệp vấn đề liên quan tới giá đất, tiền thuê đất, giãn, gia hạn nợ; hỗ trợ truyền thông; tháo gỡ bài toán về nguồn lao động cho ngành du lịch, dịch vụ sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, kể cả những vấn đề nhỏ nhất. Bên cạnh việc các đơn vị du lịch chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch, về phía tỉnh sẽ cho rà soát lại các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để sớm có giải pháp hỗ trợ, đồng hành hiệu quả với doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.

Tỉnh cũng sẽ cùng với các hiệp hội khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, hàng không, từng giờ từng phút tận dụng cơ hội an toàn trong dịch bệnh để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi nhanh trong quý I và cả năm 2021; phối hợp với doanh nghiệp xử lý thỏa đáng và kịp thời các vướng mắc về nguồn lao động cho các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2021, thị trường nội địa vẫn là “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành du lịch chưa thể đón khách quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là vào các tháng mùa hè - khoảng thời gian du lịch Quảng Ninh bước vào mùa cao điểm. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chung tay của tỉnh, các doanh nghiệp du lịch cần chủ động xây dựng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chương trình kích cầu, khuyến mại phù hợp với điều kiện thực tế.

Năm 2021, Du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón 10 triệu lượt du khách; tổng thu từ du lịch đạt 20.000 tỷ đồng. Vì vậy, ngành Du lịch cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết kích cầu du lịch của tỉnh, coi đó là động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến kích cầu du lịch Quảng Ninh để khai thác thị trường nội địa ngay khi các tỉnh, thành trong cả nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Trong đó, duy trì và đẩy mạnh hiệu quả của các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong nước trong năm 2020 như: Kích cầu du lịch nội địa tại Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... triển khai các liên minh kích cầu du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng Đông Bắc; liên minh kích cầu Du lịch Quảng Ninh với sự tham gia của 62 tàu du lịch tù các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long; 17 khách sạn và 2 điểm du lịch là Yên Tử và Công viên Sun World Hạ Long Complex.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, năm nay Sở sẽ chủ trì tổ chức các chương trình, hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch như: Xây dựng các gói kích cầu du lịch và yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021; triển khai Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, hội thi tay nghề, ngày hội du lịch Hạ Long với chuỗi hoạt động văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật đường phố... xuyên suốt năm 2021; tham gia các hội chợ và chương trình xúc tiến du lịch; triển khai các hoạt động tiếp thị, truyền thông về những chính sách ưu đãi của tỉnh dành cho khách du lịch đến Quảng Ninh nói chung và qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn nói riêng...

Cùng với đó, nghiên cứu mô hình chuyển đổi số cho ngành du lịch nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, chú trọng tăng cường phối hợp sớm hoàn thiện đề án Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả hoạt động trong ngành du lịch Quảng Ninh để đưa vào sử dụng. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin cho khách du lịch qua tổng đài du lịch, website và fanpage do Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch quản lý; khai thác tối đa hiệu quả của các trang mạng xã hội để quảng bá, truyền thông du lịch Quảng Ninh.

Với các biện pháp chống dịch hiệu quả và chính sách kích cầu kịp thời, sự hỗ trợ đồng hành của các đơn vị liên quan, ngành Du lịch sẽ có một bước đệm chắc chắn củng cố niềm tin, tạo đà cho một năm du lịch khởi sắc trong trạng thái bình thường mới. Từ đó, khẳng định vị thế, tăng trưởng của ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Bài: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu