
Động lực phát triển mới từ chuyển đổi số
Sau gần 3 năm triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả, phù hợp, Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về "Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã lan tỏa, tạo lực phát triển mới.

Chính quyền số là một trong 3 trụ cột chính của chuyển đổi số toàn diện, thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh triển khai một số nội dung và mang lại hiệu quả tích cực. Hiện các địa phương, ban, ngành đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản tại 100% các phòng chuyên môn; 100% các cơ quan, đơn vị được cấp hộp thư công vụ, các lãnh đạo được cấp hộp thư công vụ và chữ ký số. Các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh tiếp tục tăng cường sử dụng văn bản điện tử và hộp thư công vụ, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp...
Giải quyết TTHC là nội dung quan trọng trong chính quyền số, trung tâm hành chính công các cấp đẩy mạnh số hóa hồ sơ và dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% kết quả xử lý hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và công bố, công khai đúng hạn, công tác số hóa, ký số hồ sơ TTHC được thực hiện bảo đảm quy định. Năm 2024, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, cấp tỉnh thực hiện số hóa 57.877 hồ sơ đầu vào (đạt 99,1%); cấp huyện thực hiện số hoá 134.139 hồ sơ đầu vào (đạt 99,3%), cấp xã đã thực hiện số hoá 201.881 hồ sơ (đạt 98,3%). Đến nay 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC tại trung tâm hành chính công các cấp không dùng tiền mặt; tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt 97,1%.
Kinh tế số là trụ cột quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, được tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện, mang lại hiệu quả cao. Hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phổ cập chữ ký số. Quảng Ninh hiện có 432 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều bán hàng qua các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok, qua hình thức livestream..., qua đó mở rộng tiếp cận khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng doanh thu cho đơn vị.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 208 cửa hàng xăng dầu hoàn thành lắp đặt camera để đảm bảo an ninh và quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh, mua bán xăng dầu (đạt 100%); 19 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 13 chợ hạng III thực hiện mô hình Chợ 4.0; 100% các chợ trung tâm thanh toán các khoản phí, hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt.
Toàn tỉnh đã thu nhận, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho 880.889 công dân đủ điều kiện, đạt tỷ lệ 100%. Hơn 1,3 triệu nhân khẩu tỉnh được quản lý sức khỏe, đồng bộ tích hợp ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”; 100% dữ liệu khám, chữa bệnh được liên thông dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử; ngành Y tế có 18/21 đơn vị khám, chữa bệnh ứng dụng thành công bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ.
100% các cơ sở giáo dục ứng dụng, triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến; 11/13 địa phương thực hiện phương thức tuyển sinh đầu cấp trực tuyến lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025; 100% các trường từ tiểu học đến THPT triển khai sổ điểm, học bạ điện tử; hoàn thành thí điểm triển khai Học bạ số cấp tiểu học.

Đối với xã hội số, hiện đạt tỷ lệ 112,8% thuê bao băng rộng di động/100 dân; 97,14% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 100% cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số; 50% người dân trưởng thành tham gia và sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% người dân được cập nhật thông tin sức khỏe và dữ liệu khám chữa bệnh...
Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030" (Đề án 06), Quảng Ninh đẩy mạnh đưa các tiện ích số để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các tiện ích của thẻ căn cước và tài khoản ĐDĐT như: CCCD thay cho thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh; rút tiền bằng thẻ căn cước tại ngân hàng; triển khai phần mềm thông báo lưu trú tự động qua quét mã QRcode trên thẻ căn cước; xác thực hành khách đi máy bay bằng tài khoản ĐDĐT trên ứng dụng VNeID thay thế cho thẻ căn cước… đều hết sức thuận tiện.
Chuyển đổi số đã tạo đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của tỉnh, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số.
Ý kiến ()