
Các chính sách về bình đẳng giới đi vào đời sống
Những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Những chuyển biến rõ rệt ngay từ cơ sở là khi cả nam và nữ giới đều có cơ hội bình đẳng để nâng cao năng lực bản thân, tham gia hiệu quả hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội, an sinh của địa phương.
Ngày 29/11/2006, Quốc hội ban hành Luật Bình đẳng giới quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Trong đó, Luật nêu rõ, mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đồng thời xác định, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới là: Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới...

Tại Quảng Ninh những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; cụ thể hóa các mục tiêu bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển KT-XH. Các sở, ngành, cơ quan, địa phương, MTTQ và các tổ chức CT-XH đoàn thể các cấp... nghiêm túc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, huy động sự vào cuộc đồng bộ để thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều mô hình tại cộng đồng được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả trong việc giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên, phát triển bản thân.
Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” do Hội LHPN chủ trì thực hiện, là 1 trong nhóm 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tại Quảng Ninh, với sự vào cuộc đầy tích cực, trách nhiệm của các cấp Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở, các nội dung của Dự án 8 đã thực sự đi nhanh vào đời sống. Đặc biệt là góp phần vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới; phát huy vai trò chủ động của chính chị em phụ nữ, kết hợp với sự vào cuộc của các các cấp, các ngành và người dân trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ thông qua các buổi họp, sinh hoạt câu lạc bộ...

Việc làm tốt ngay từ công tác tuyên truyền, vận động đã giúp cho các nội dung của Dự án 8 đi nhanh vào đời sống, đạt một số kết quả nổi bật tại nhiều địa phương trong tỉnh. Các mô hình, hoạt động được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm phối hợp, được người dân đón nhận, ủng hộ nên đã có được sức lan tỏa lớn. Đặc biệt là những mô hình về tư vấn, chia sẻ, trợ giúp pháp lý, để phụ nữ và trẻ em gái được yên tâm bộc bạch, chia sẻ tâm tư và nhận về sự quan tâm kịp thời, hỗ trợ hữu ích. Qua đó tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em được sống, thụ hưởng và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển KT-XH và đời sống gia đình.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cũng là một nội dung rất được chú trọng. Thực tế những năm qua, công tác quy hoạch cán bộ nữ được Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Có cơ hội ngang bằng với nam giới trong công việc, đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh. Trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Quảng Ninh đều có cơ cấu cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh. Từ 2021 đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan thuộc UBND tỉnh cũng tăng lên. Cụ thể, 100% cơ quan chủ chốt tại chính quyền cấp tỉnh hiện đều có lãnh đạo là nữ giới. Cơ quan chủ chốt tại chính quyền cấp huyện có lãnh đạo nữ chiếm tỷ lệ 15,38%; HĐND huyện có lãnh đạo là nữ chiếm tỷ lệ 46,15%; cấp xã lãnh đạo là nữ chiếm tỷ lệ 45,76%. Cơ quan MTTQ và tổ chức CT-XH các cấp có lãnh đạo quản lý là nữ cũng đạt gần 84%.
Xóa bỏ định kiến, thực hiện bình đẳng giới là một nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải tiến hành kiên trì, liên tục, đồng bộ, nhưng là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu của một xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ. Vì vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân; nhất là xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong quá trình đó, phải đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Ý kiến ()