20
18
/
817579
Đơn xin thoát nghèo: Niềm vui của Ba Chẽ
longform
Đơn xin thoát nghèo: Niềm vui của Ba Chẽ

 


Khởi đầu bằng những lá đơn xin thoát nghèo của người dân ở xã Đồn Đạc, đến nay, phong trào này lan tỏa tới 6/8 xã vùng cao Ba Chẽ, với gần 100 lá đơn xin thoát nghèo. Kết quả này khẳng định những nỗ lực của chính quyền địa phương và quyết tâm của người dân trong công cuộc giảm nghèo...

Bước qua ranh giới nghèo

Những ngày qua, hơn 40 hộ ở xã Nam Sơn (Ba Chẽ) tự nguyện ký đơn thoát nghèo đã khẳng định những nỗ lực không nhỏ của chính quyền và người dân địa phương.

Tại xã Nam Sơn, chúng tôi cùng anh Hoàng Văn Cảnh, cán bộ văn hóa xã mang những lá thư mời đến tận nhà những hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo để dự buổi gặp mặt tuyên dương, tặng quà.

Đại diện các đơn vị trao quà cho 41 hộ tự nguyện thoát nghèo năm 2018 tại xã Nam Sơn.
Đại diện các đơn vị trao quà cho 41 hộ tự nguyện thoát nghèo năm 2018 tại xã Nam Sơn.

Đến thăm gia đình chị Choóng Tài Múi (thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn), dù còn ngại ngần, nhưng nhắc đến chương trình thoát nghèo, chị Múi hồ hởi khoe với chúng tôi về ngôi nhà mới làm của gia đình. Từ nguồn thu nhập của 5ha keo cộng thêm nguồn vốn vay chương trình xây nhà 167, vợ chồng chị Múi chắt chiu được 100 triệu đồng để xây ngôi nhà này. "Ở thôn Nam Hả Trong, nhiều nhà cấp 4 đã thay thế cho nhà tranh vách đất; nhiều nhà đã có tivi, tủ lạnh, cuộc sống cũng cải thiện nhiều..." - chị Múi tâm sự.

Với quyết tâm thoát nghèo, bà con còn cùng nhau xây dựng đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp, văn minh. Thôn Nam Hả Trong được xã thí điểm xây dựng thôn kiểu mẫu, cả chính quyền và người dân đang đồng lòng, cùng nhau xây dựng chương trình Thắp sáng đèn đường với chiều dài hơn 3km, tổng kinh phí 60 triệu. Sắp tới, nơi đây còn có những con đường sim tím, góp phần tô điểm cho bộ mặt nông thôn thêm khang trang.

Không chỉ ở Nam Sơn, giữa tháng 7/2018, lần đầu tiên xã Thanh Lâm tiếp nhận 10 lá đơn xin thoát khỏi diện nghèo (5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo). Tuy rằng con số này chưa phải là nhiều so với thực tế nhưng những lá đơn đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, khẳng định ý chí thoát nghèo của một bộ phận bà con nơi đây. Anh Phùn Văn Long, thôn Đồng Thầm - một trong số 10 hộ vừa viết đơn tự nguyện thoát khỏi diện nghèo ở xã Thanh Lâm chia sẻ: 4 năm qua, cái nghèo đeo bám, khiến cuộc sống gia đình tôi luôn trong cảnh thiếu thốn đủ thứ. Trước đây, cũng có thời gian chúng tôi rất sợ thoát nghèo vì những khoản trợ cấp sẽ không còn, nhưng bây giờ gia đình tôi đã nhận ra những điều kiện, cơ hội thoát nghèo thành công. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung vốn đầu tư phát triển mô hình trồng keo để tăng thu nhập.

Cán bộ xã Thanh Sơn kiểm tra hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại các hộ gia đình trên địa bàn xã

Cán bộ xã Thanh Sơn kiểm tra hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại các hộ gia đình trên địa bàn xã.

Ông Hoàng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm phấn khởi khoe: Lần đầu tiên xã nhận được đơn của người dân xin thoát khỏi diện nghèo. Đây thực sự là động lực để xã tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động để những lá đơn tự nguyện sẽ lan rộng ra nhiều hộ nghèo trong xã. Tin rằng, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và ý thức vươn lên thoát nghèo của bà con, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong thời gian tới.


Thay tư duy, đổi cách làm

Nhiều năm trước, nhiều người dân Ba Chẽ còn tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cho rằng “còn nghèo là còn lợi”. Thậm chí, thông qua các đợt rà soát hộ nghèo, nhiều gia đình đã đủ điều kiện song vẫn kiên quyết không thoát nghèo, thế nhưng hiện nay, tư tưởng ấy đã dần bị loại bỏ. Trong những cuộc họp thôn, xã, nhiều người dân đã hăng hái viết đơn tự nguyện thoát nghèo; nhiều người còn thẳng thắn phê bình những hộ đã đủ điều kiện thoát nghèo nhưng cố tình giấu tài sản để tạo sự “thiếu điểm”. Điều này chứng tỏ sự thay đổi nhận thức không hề nhỏ của một bộ phận người dân trong diện nghèo tại các xã vùng cao huyện Ba Chẽ.

Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Vi Thanh Vinh khẳng định: “Nếu không đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, thì người dân khó có thể nắm, hiểu và làm theo được. Từ thực tế ấy, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về những chủ trương, định hướng của địa phương theo cách "đến từng ngõ, gõ từng nhà". Nhất là, phát huy tối đa vai trò của các đoàn thể, trong đó có vai trò của những người cao tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động, chia sẻ, lắng nghe nguyện vọng của người dân. Từ đó, chính quyền có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Đến nay, hầu như người dân đã hiểu và nắm những nội dung cơ bản của chương trình 135, 167.

Ngay từ đầu năm 2018, các xã đã rà soát từng tiêu chí của các hộ nghèo để có phương hướng hỗ trợ; phân loại các nhóm đối tượng nghèo để có chính sách trợ giúp phù hợp. Xã cũng tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, có chính sách đối với các hộ thoát nghèo để mua phương tiện, cây, con giống, khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bền vững và giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không đối với một số nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, vay vốn sau khi thoát nghèo cũng là một trong những động lực để người dân thêm tự tin thoát nghèo bền vững.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồn Đạc Triệu Việt Dũng (áo trắng) và trưởng thôn Pắc Cáy Triệu A tiến vận động tuyên truyền xóa nghèo cho người dân trong thôn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồn Đạc Triệu Việt Dũng (áo trắng) và trưởng thôn Pắc Cáy Triệu A Tiến vận động tuyên truyền xóa nghèo cho người dân trong thôn.

Ngoài ra, xã Đồn Đạc còn thực hiện một số cách làm cụ thể, sát sao, đồng hành cùng các hộ để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh hình thức tuyên truyền, xã tập trung nâng cao các chỉ tiêu đa chiều, nhất là tiêu chí về nhà ở, vệ sinh, với việc gắn bắt buộc xây dựng nhà ở phải có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà ở đảm bảo đạt chuẩn. Đây cũng là địa phương đầu tiên sáng tạo và đề ra mục tiêu này. Từ đó, toàn xã có 241 hộ được thụ hưởng hỗ trợ nhà ở, như chương trình 167 giai đoạn 2, khi hoàn thành, mỗi hộ sẽ tăng thêm ít nhất 20 điểm so với năm 2017, cơ bản sẽ đủ điểm để thoát khỏi diện nghèo. 

Theo kết quả rà soát của huyện Ba Chẽ, tính đến hết ngày 8/8/2018, cả huyện có 6/8 địa phương với gần 100 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện nghèo. Được biết, hiện huyện Ba Chẽ còn 1.052 hộ nghèo. Kế hoạch năm 2018, huyện phấn đấu đưa 370 hộ thoát nghèo.

Cùng với huy động xã hội hóa, xã Đồn Đạc cũng đề xuất các cấp, các ngành giúp đỡ, tư vấn các hộ thoát nghèo như hằng năm mỗi biên chế của xã đóng góp 500.000 đồng xung quỹ người nghèo để xã có thêm nguồn lực hỗ trợ, biểu dương hộ thoát nghèo. Đặc biệt, xã đã đổi mới phương thức rà soát hộ nghèo cuối năm, phân công cán bộ công chức xã làm tổ trưởng, cán bộ thôn là thành viên. Từ đó, đảm bảo tính chính xác, khách quan, thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, giảm áp lực cho thôn, khắc phục tình trạng nể nang, khó xử, cục bộ, vướng mắc về gia đình, họ hàng, bà con lối xóm...

Có thể thấy, trong năm 2018, phong trào tự lực vươn lên thoát nghèo của các hộ được thể hiện rõ nét, những lá đơn xin thoát nghèo chính là tiếng nói, minh chứng cho sự thay đổi nhận thức của người dân. Chặng đường xóa nghèo còn ở phía trước với nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, công cuộc xóa nghèo và những chương trình lớn mà huyện Ba Chẽ đang triển khai sẽ sớm về đích.

Hoàng Quỳnh - Phạm Tăng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu