20
18
/
1016197
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ: Bài 1: Đảng mạnh từ chi bộ mạnh
longform
ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ: Bài 1: Đảng mạnh từ chi bộ mạnh

 

 

 

Ngày 5/1/2020 Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước và cũng là lần đầu tiên tại tỉnh đồng loạt các thôn, bản, khu phố tổ chức bầu trưởng thôn trong một ngày và 13 ngày sau (ngày 18/1/2020), tất cả các chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh đồng loạt tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020-2022 theo đúng tinh thần “dân tin, đảng cử” thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, gốc rễ trong toàn hệ thống chính trị mà là bầu không khí thực sự dân chủ, đổi mới của Đảng bộ tỉnh trên nguyên tắc gắn bó mật thiết với nhân dân. Đồng thời đây là kết quả của quyết tâm chính trị lớn Quảng Ninh – xây dựng Đảng mạnh từ những hạt nhân nhỏ nhất.

Thời điểm năm 2016, toàn tỉnh có 513/1.565 trưởng thôn chưa là đảng viên, 336 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (21,5%). Thực tế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết và qua kiểm tra, giám sát, khảo sát dư luận thấy rằng, vai trò của chi bộ ở thôn, bản, khu dân cư chưa rõ nét, việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự của chi bộ thiếu toàn diện, lúng túng trong cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện thực tế của thôn, bản, khu phố mình. Nhất là ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa nơi số lượng đảng viên trong chi bộ ít thì vị trí, vai trò của cấp ủy đảng nơi đó càng mờ nhạt. Trình độ, năng lực thực tiễn của một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí ở một số nơi, trưởng thôn, phó trưởng thôn chưa là đảng viên, thì việc tham gia học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là việc cụ thể hóa thành nội dung công tác ở chi bộ còn có những bất cập, việc nắm bắt tình hình còn nhiều hạn chế, từ đó định hướng về tư tưởng, nhiệm vụ ở thôn hiệu quả không cao…

Cũng giống như tất cả các địa phương khác trong cả nước, ở mỗi thôn, bản, khu phố đều có bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu, trong đó, bí thư chi bộ do cán bộ, đảng viên bầu, còn trưởng thôn, khu là do nhân dân bầu. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của 2 cá nhân khác nhau, không có được sự thống nhất, tiếng nói chung nên đã có tình trạng chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung nhưng không triển khai được hoặc triển khai nửa vời, không hiệu quả trong quá trình thực hiện. Đặc biệt ở các chi bộ miền núi, vùng sâu, vùng xa do số lượng Đảng viên ít, chi bộ không phát huy được vai trò lãnh đạo, vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể trong thôn nên việc phát hiện, xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư chậm, thậm chí xa rời… Từ đó nhân dân không thấy được vai trò của cấp ủy lãnh đạo.

Cùng với những bất cập trên, từ thực tiễn cũng cho thấy, công tác phối hợp giữa một số chi ủy bí thư chi bộ với trưởng thôn có nơi, có thời điểm chưa thống nhất cao, nên kết quả thực hiện nhiệm vụ của thôn thấp; chưa duy trì thường xuyên nền nếp giao ban giữa bí thư chi bộ với trưởng thôn; chi bộ ban hành nghị quyết lãnh đạo chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ chính trị để trưởng thôn tổ chức thực hiện. Một số chi bộ lúng túng về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ hoặc đùn đẩy trách nhiệm lên cấp uỷ, chính quyền cấp trên… Đối với những nơi trưởng thôn chưa là đảng viên, thì quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ thiếu hiệu quả; sự thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ, của trưởng thôn chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết của chi bộ, của cấp uỷ cấp trên và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gặp trở ngại…


 

Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, đặt trong bối cảnh, tình hình mới, trước yêu cầu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh xác định phải bắt đầu từ chi bộ, từ những hạt nhân nhỏ nhất của Đảng. Ngày 28-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về "Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020". Trong đó, đặt mục tiêu thực hiện 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn. Để thực sự dân chủ, minh bạch trong quá trình thực hiện mô hình này, tỉnh Quảng Ninh quyết định triển khai theo phương pháp “dân tin, Đảng cử” (Đảng giới thiệu đảng viên để nhân dân lựa chọn bầu trưởng thôn, sau đó cấp ủy giới thiệu để đảng viên bầu bí thư chi bộ). Các bước giới thiệu nhân sự đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến người dân, đảng viên. Bên cạnh cấp ủy lựa chọn, giới thiệu, thì nhân dân, đảng viên có quyền giới thiệu người mình tín nhiệm cho thôn, cho chi bộ.

Như luồng gió mới trong việc thực hiện dân chủ hóa từ hạt nhân nhỏ nhất trong hệ thống chính trị là cấp thôn, bản, khu phố, chủ trương này đã được nhân dân toàn tỉnh đón nhận trong niềm vui được tôn trọng, quyền quyết định của dân đã thực sự có trọng lượng trong xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh nhà. Ông Nguyễn Văn Phức, thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) cho rằng: “Dân biết, dân bàn, dân làm chủ” nội dung này đã được các cấp chính quyền thực hiện trong những năm qua nhưng để người dân thấy được việc mình biết, mình bàn, mình tham gia một cách chủ động thì trong thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố với bầu Bí thư Chi bộ thôn là rõ nhất. Cán bộ cấp thôn những người gần dân, sát dân nhất, lãnh đạo hoạt động của thôn là chi bộ, vậy nên vai trò của người đứng đầu là bí thư chi bộ, trưởng thôn rất quan trọng. Với mô hình này, dân chúng tôi tin tưởng bầu trưởng thôn, trưởng thôn được Đảng tín nhiệm mới giới thiệu để bầu bí thư chi bộ, như vậy cùng một cán bộ, một con người đó nhưng họ nhận được niềm tin của cả người dân và Đảng. Kết quả không chỉ chúng ta có được một lãnh đạo trọn vẹn niềm tin của nhân dân, đảng viên mà quan trọng hơn nữa chúng ta đã phát huy được dân chủ, phát huy được quyền tham gia của người dân ở cơ sở.

3 năm thực hiện nhiệm vụ tạo cơ chế để người dân tham gia vào các quy trình quản trị của hệ thống chính trị từ cơ sở, họ hài lòng với chất lượng bầu cử vị trí trưởng thôn, bản, khu phố gắn với chức danh bí thư chi bộ đã cho Quảng Ninh những trái ngọt rất tự hào. Ngày 5/1/2020, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai đồng loạt việc bầu trưởng thôn, bản, khu phố, chỉ trong buổi sáng, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt gần 100%, số ứng cử viên trúng cử đạt số phiếu tuyệt đối chiếm tỷ lệ lớn. 13 ngày sau (18/1/2020) tổ chức đại hội chi bộ cấp cơ sở theo quy trình “dân tin, Đảng cử”, đến ngày 5/2/2020, 1.542/1.542 thôn, khu  trên toàn tỉnh đã hoàn thành công tác đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2020-2022. Kết quả, 100% trưởng các thôn, khu đều được bầu làm bí thư chi bộ với số phiếu bầu cao tuyệt đối. 1.542 bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố của tỉnh Quảng Ninh được bầu theo đúng quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn vào chức danh trưởng thôn, khu; sau đó cấp ủy giới thiệu để bầu chức danh trong chi bộ, hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh của Đảng là sức mạnh của tổ chức, sức mạnh của hệ thống chính trị trong tổ chức từ Đảng, từ trung ương đến cơ sở, từ các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể, quần chúng. Theo Bác, xây dựng Đảng về tổ chức phải có sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. Thấu suốt quan điểm, tư tưởng của Bác, vận từ thực tiễn với mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu, Quảng Ninh đã chứng minh đây là một trong những cách làm rất hiệu quả trong việc xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, góp phần quan trọng trong việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ đảng ở khu dân cư; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Hiệu quả, vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo nhiệm vụ của chi bộ đối với toàn diện hoạt động ở thôn, khu phố được nâng lên rõ rệt, gắn kết nhiệm vụ của bí thư chi bộ và trưởng thôn; giảm các khâu trung gian, tránh sự trùng chéo, đùn đẩy, né tránh hoặc có khoảng trống trong sự lãnh đạo của chi bộ và điều hành của trưởng thôn.

5 năm qua nhìn thấy rằng, tại Quảng Ninh giá trị niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đó không phải là những lá phiếu điều tra xã hội học được thực hiện hàng năm, mà đó là sự đồng thuận, ủng hộ với các chủ trương mới, lớn của tỉnh, của huyện, của xã, là sự tham gia một cách chủ động của người dân để góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Minh chứng rõ nét, điển hình như thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Dù rằng đây là việc không hề nhỏ, bởi đó không chỉ là quyền lợi mà là truyền thống, lịch sử, là sự tự tôn của người dân sở tại của địa phương đó, là tính cục bộ địa phương luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ của mỗi người. Khó, chắc chắc rồi, rất khó nhưng Quảng Ninh đã làm được, làm một cách tròn trịa, thành công, nhân dân phấn khởi đồng thuận. Cụ thể, trong việc thực hiện sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, tính từ khi chủ trương sáp nhập được Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng Đề án đến khi Đề án đươc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua là 77 ngày. Những con số 98% cử tri nhân dân đồng thuận, 100% đại biểu HĐND cấp xã, 100% đại biểu HĐND cấp huyện, 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết sáp nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đó chính là con số của sức mạnh niềm tin!

Hay như việc thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm như tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (sau điều chỉnh), một vấn đề vô cùng phức tạp, liên quan rất lớn đến quyền lợi của người dân, lĩnh vực nhạy cảm nhất rất dễ phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo. Thế nhưng cũng chỉ trong khoảng thời gian 15 ngày, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng dự án với tổng số hộ dân tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng là 1.186/1.186 hộ, đạt 100%.

Từ những thành công này, tỉnh Quảng Ninh thấy rằng nhờ niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được nâng lên, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân được bền chặt nên mọi vấn đề đều được tháo gỡ, giải quyết thuận lợi hơn rất nhiều. Và cầu nối gần gũi nhất, thiết thực nhất, tuyệt vời nhất giữa dân với Đảng, Đảng với dân chính là từ đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố này. Họ nắm chủ trương của Đảng, biến thành quyết sách hành động của nhân dân, được nhân dân đồng thuận, tín nhiệm, ủng hộ. Sâu xa hơn nữa đó là Đảng đã ngày càng gần dân hơn nữa.

Đặc biệt với mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu, Quảng Ninh đã thực hiện được triệt để việc đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị gắn với tái cấu trúc bộ máy bắt đầu từ các thôn, bản, khu phố theo hướng gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu đã phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý điều hành của thôn, khu trên tất cả các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, phát huy được năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại, né tránh, nể nang trong công việc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân... Nghị quyết của các chi bộ đã sát thực, hiệu quả và đi vào đời sống xã hội ở cộng đồng dân cư; phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên nhất là người đứng đầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư. Chi ủy, chi bộ và nhất là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân hơn... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao.

Bằng sự hoạt động, điều hành hiệu quả của mình, các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố của Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát và phát triển đảng viên ở các chi bộ thôn, bản, khu phố đều có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các chi bộ đã làm tốt việc tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở thôn, bản có ít đảng viên. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến về "chất", bảo đảm tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở.

Những hiệu quả từ mô hình bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn, bản, khu phố chính là lý do để Quảng Ninh đảm bảo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu như chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị số 35-CT/TW. Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Ngọc Lan – Bảo Bình

Trình bày: Tất Đạt

Bài 2: Hợp nhất các cơ quan song trùng chức năng, nhiệm vụ: Gọn bộ máy, rõ trách nhiệm, hiệu quả lớn

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu