20
18
/
1100329
Đổi mới, cải cách để phát triển
longform
Đổi mới, cải cách để phát triển

 

Đổi mới, cải cách để phát triển

 Trong năm 2020, bằng các giải pháp hiệu quả và nỗ lực không ngừng tỉnh đã vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình khi lần đầu tiên cả 4 chỉ số (PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI) đều đứng vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, chỉ số PAR Index và chỉ số PCI 4 năm (2017-2020) liên tiếp đứng vị trí thứ nhất; chỉ số SIPAS 2 năm (2019-2020) liên tiếp dẫn đầu vị trí xếp hạng; chỉ số ICT 2 năm (2019-2020) giữ vị trí thứ 3 và lần đầu tiên chỉ số PAPI vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố.  

Những năm gần đây, Quảng Ninh đã và đang trở thành “ngôi sao sáng” trong cải cách hành chính (CCHC) của cả nước khi liên tiếp dẫn đầu cuộc đua về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều chỉ số khác. Trong năm 2020, bằng các giải pháp hiệu quả và nỗ lực không ngừng tỉnh đã vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình khi lần đầu tiên cả 4 chỉ số (PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI) đều đứng vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, chỉ số PAR Index và chỉ số PCI 4 năm (2017-2020) liên tiếp đứng vị trí thứ nhất; chỉ số SIPAS 2 năm (2019-2020) liên tiếp dẫn đầu vị trí xếp hạng; chỉ số ICT 2 năm (2019-2020) giữ vị trí thứ 3 và lần đầu tiên chỉ số PAPI vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố.

Ảnh với chú thích
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trò chuyện cùng cán bộ, công nhân Tập đoàn Foxconn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tháng 6/2021.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khẳng định: Việc đi đầu trong cả 4 chỉ số của Quảng Ninh đã khẳng định đẳng cấp của một nhà vô địch, đã được xác lập trong suốt hành trình phát triển của Quảng Ninh. Thành công này bắt đầu tầm nhìn chiến lược từ nâu sang xanh, từ những quy hoạch, chương trình, mô hình cải cách quyết liệt, truyền lửa qua nhiều thế hệ. Những thành tựu trong CCHC của Quảng Ninh ngày hôm nay cũng xuất phát từ chiến lược cán bộ, tầm nhìn, phong cách lãnh đạo của tỉnh luôn năng động, quyết liệt, hiệu quả. Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI về cấp huyện, sở, ban, ngành, đã thực sự truyền lửa và đưa áp lực cải cách về các địa phương, cơ sở. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ tạo nên thành công của Quảng Ninh trong công tác CCHC.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song qua kết quả của các chỉ số thành phần, các chuyên gia đầu ngành và những người đứng đầu tỉnh đều cho rằng, dư địa cải cách tại Quảng Ninh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Gợi mở nhiều giải pháp để tỉnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, nâng cao các điểm thành phần, duy trì vị trí dẫn đầu, Trưởng Ban Pháp chế-VCCI, Giám đốc dự án PCI, Đậu Anh Tuấn, cho rằng: Qua nhiều kết quả điều tra doanh nghiệp mà VCCI tiến hành, Quảng Ninh đã không còn là một hiện tượng, mà đã thực sự chứng minh được vị thế của mình trong việc trở thành một địa bàn năng động, hiệu quả và thân thiện, là điểm sáng trong thu hút đầu tư. Cùng với những chỉ số tăng điểm, qua bảng xếp hạng 10 chỉ số thành phần PCI 2020 cho thấy, Quảng Ninh có 3 chỉ số giảm điểm dẫn đến giảm hạng gồm: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng và Tính năng động. Do đó, để cải thiện các chỉ số này, tỉnh  cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; chú trọng giải quyết, giảm tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động; tiếp tục tăng tỷ lệ doanh nghiệp dùng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, tìm cách giải pháp đột phá trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong giải quyết thủ tục hành chính; giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra…

Ảnh với chú thích
Trưởng Ban Pháp chế-VCCI, Giám đốc dự án PCI, Đậu Anh Tuấn phân tích các chỉ số thành phần PCI.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, các "tư lệnh ngành" của Quảng Ninh đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến giảm điểm của các chỉ số thành phần. Giám đốc Sở TN&MT Trần Như Long, cho biết: Ngành TN&MT được phân công là đầu mối chịu trách nhiệm chỉ số Tiếp cận đất đai trong Bộ Chỉ số PCI. Thực hiện nhiệm vụ này, năm 2020 ngành TN&MT mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân dẫn đến việc giảm bậc, giảm điểm ở các chỉ tiêu thành phần phải kể đến quy hoạch xây dựng chưa ổn định, các đồ án quy hoạch xây dựng phải điều chỉnh, bổ sung nhiều; công tác quản lý sử dụng đất vẫn còn hạn chế; chính quyền địa phương có nơi còn chưa thực sự quyết liệt vào cuộc đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư... Do đó, Sở TN&MT xác định tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới và quyết tâm phấn đấu tiếp tục tăng điểm và cải thiện thứ hạng chỉ số tiếp cận đất đai đứng trong top 1- của bảng xếp hạng PCI năm 2021. 

Ảnh căn trái

Cán bộ Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tham gia cuộc đua đánh giá các chỉ số, mục tiêu của tỉnh không phải là giành điểm số cao, giành vị trí cao mà quan trọng nhất là hướng đến xây dựng hình ảnh địa phương đi đầu đổi mới sáng tạo, xây dựng văn hóa cam kết, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của chính quyền địa phương các cấp trong việc đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cũng như đánh thức tiềm năng lợi thế của tỉnh. Từ đó đưa những chỉ số của Quảng Ninh không chỉ là thương hiệu của ở cấp tỉnh mà ở tầm quốc gia.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đặt kỳ vọng vào Quảng Ninh sẽ vươn tới vị trí là thành phố năng động hàng đầu trong khu vực ASEAN và sánh vai với các thành phố năng động trên thế giới. “Hiện nay, trong chương trình cải cách hành chính của nước ta, Chính phủ đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu của ASEAN. Vì vậy với tư cách là địa phương dẫn đầu trong cả nước về cải cách thì Quảng Ninh sẽ đặt mình trong cuộc đua với các địa phương năng động hàng của ASEAN, thậm chí là các thành phố năng động trên thế giới. Đấy là động thái, định hướng của Quảng Ninh không chỉ đáp ứng mong đợi của nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh mà cả nước”- Ông Vũ Tiến Lộc kỳ vọng.

Ảnh với chú thích
Các thông tin, số liệu trong nhiều ngành, lĩnh vực được hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh.

Hướng đến mục tiêu trên, Quảng Ninh luôn xác định công tác CCHC tiếp tục là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, lần đầu tiên mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI  được đưa vào văn kiện Đại hội. Từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Và chính tại hội nghị phân tích các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index và ICT Index năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh-Investor Care để nhằm theo sát bước chân nhà đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư khi lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến, nơi gửi gắm niềm tin.

Điều đó đã thể hiện ngày càng rõ sự cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Khẳng định quyết tâm chính trị của tỉnh trong công tác CCHC và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tại hội nghị phân tích các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index và ICT Index, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận diện những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục. Tất cả đều phải được thực hiện trên tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực nhiều nhất; thực hiện thắng lợi nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, về chỉ tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”; bám sát tinh thần và triển khai có hiệu quả, thực chất Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.

Ảnh với chú thích
Quảng Ninh ra mắt Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh-Investor Care.

Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, thu hút đầu tư tại tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”. Quảng Ninh cũng sẽ quyết tâm hoàn thiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với hầu hết các thủ tục hành chính đủ điều kiện trong năm 2021.

Thu Chung - Trúc Linh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu