20
18
/
1031042
ĐỂ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG NGÀY CÀNG VỮNG CHẮC - Bài 1: Đổi mới công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị
longform
ĐỂ NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN VỚI ĐẢNG NGÀY CÀNG VỮNG CHẮC - Bài 1: Đổi mới công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị

Lời tòa soạn:

 

Từ thực tiễn cách mạng, Đảng ta nhận thức một cách sâu sắc rằng, sự thành bại của sự nghiệp cách mạng luôn luôn gắn liền với niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Và, muốn dân tin, Đảng phải coi lợi ích của nhân dân, của đất nước là mục tiêu phấn đấu của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hành động bằng tất cả sự thôi thúc, bằng mệnh lệnh từ trong trái tim… Xuất phát từ bài học lịch sử ấy, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị với mục tiêu “việc gì có lợi cho dân thì phải làm hết sức”.

Xuất phát từ yêu cầu đỏi hỏi của thực tiễn khách quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, từ cuối năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”. Năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chủ động với quyết tâm chính trị cao xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25). Đề án được xây dựng hết sức công phu, bài bản; tiến hành đồng bộ từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh; báo cáo tham vấn rất nhiều cấp lãnh đạo, ban, bộ, ngành Trung ương; có sự tham gia, góp ý trực tiếp của nhân dân, các trí thức, lão thành cách mạng, các đối tượng chịu tác động,... và thông qua Hội đồng nhân dân các cấp. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 03/3/2015 “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Có thể nói, Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh.

Trong Đề án 25, tỉnh xác định đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản tổ chức, biên chế với phương châm: Một đơn vị thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ; một chức năng, nhiệm vụ chỉ có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm đến cùng; trên cùng một địa bàn, với cùng một nhóm nhiệm vụ chỉ có một đơn vị thực hiện, đặc biệt những chức năng, nhiệm vụ nào có thể tích hợp thì đổi mới tổ chức. Đồng thời, tỉnh đã đưa ra các giải pháp đồng bộ về cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn; nâng cao năng suất lao động khu vực công; cải thiện chất lượng phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư (PPP), khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ công...

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015 của Tỉnh ủy về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; Đề án 25 của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được Tỉnh ủy phê duyệt. UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, chuyển giao về thẩm quyền quản lý (từ trực thuộc Sở về trực thuộc UBND cấp huyện) đối với 20/21 sở, ban, ngành. Từ đó, giảm 72 đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành; giảm 4 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Toàn tỉnh cũng giải thể 5 đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, chuyển đổi mô hình, kiện toàn 10 đơn vị, tiếp nhận và thành lập mới 27 đơn vị sự nghiệp. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, đã thực hiện giảm 4 đầu mối. Đặc biệt, ngành giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm được 7 trường, 88 điểm trường, 384 lớp học; ngành y tế giảm 7 ĐVSN, chuyển nhiệm vụ y tế học đường từ trường học thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo về trạm y tế, chuyển 186/186 trạm y tế xã, phường, thị trấn về trực thuộc phòng Y tế thuộc UBND cấp huyện.

Việc ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) và Kết luận số 34-KL/TW của Trung ương khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, tạo thêm động lực, là cơ sở chính trị vững chắc để tỉnh có thêm quyết tấm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ việc triển khai Đề án 25, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 03/3/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Kế thừa những kết quả đã đạt được, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, bước đầu đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, qua quá trình triển khai đến nay tỉnh Quảng Ninh đã giảm 106 tổ chức, đơn vị thuộc sở, ngành, UBND các địa phương (giảm 60 tổ chức hành chính, 46 đơn vị sự nghiệp) và 4 phòng và tương đương thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.

Việc tinh giản biên chế của Quảng Ninh đã đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2015 (đến năm 2020 đã giảm 8,4% biên chế công chức khối chính quyền). Năm 2020, khối chính quyền đã giảm 568 biên chế công chức và 1.965 người làm việc so với năm 2015, đảm bảo lộ trình, tỷ lệ và mục tiêu đã đề ra theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; hiện nay, sử dụng biên chế công chức, viên chức đảm bảo đúng số lượng được Trung ương giao, Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua.

Chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn bộ hệ thống chính trị về tổ chức, bộ máy, biên chế, quyết tâm đổi mới, khắc phục những bất cập, hạn chế. Thời gian qua, tỉnh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực hiện các mô hình mới, tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở lựa chọn thí điểm, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và giải quyết dần những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình triển khai, từ đó mới triển khai trên diện rộng.

Mạnh dạn sáng tạo thực hiện thí điểm những mô hình mới chưa có tiền lệ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu cả nước trong thí điểm nhiều mô hình mới. Trong đó, có các mô hình mới mang lại hiệu quả, như: Thực hiện nhất thể hóa chức danh; hợp nhất một số cơ quan; thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; đổi mới hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể...

Đến nay, tỉnh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện tại 3/13 địa phương (Tiên Yên, Cô Tô, Đông Triều; bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tại 119/177 địa phương (đầu nhiệm kỳ là 30,65%). Đến nay có 150/177 (84,75%) bí thư cấp xã, 13/13 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Hợp nhất cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện; Cơ quan UBKT - Thanh tra 13/13 ; Ban Tổ chức - Phòng Nội vụ 14/14; Tuyên giáo - Trung tâm bồi dưỡng chính trị 13/13 ; Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đạt 99,9%. Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu cả nước với việc thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở 13/13 đơn vị cấp huyện; đã ban hành quy chế làm việc và thống nhất các hoạt động chung.
 

 
 

Tiếp nối những thành công trong sắp xếp tổ chức, bộ máy, tại kỳ họp cuối năm 2019, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh…

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Ninh đã thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu tại 100% thôn, khu, bản theo phương châm “Dân tin – Đảng cử”. Qua đó, khẳng định quyết tâm, quyết liệt đổi mới của tỉnh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phù hợp với chủ trương của Trung ương với mục tiêu tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với dân, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất...

Tỉnh cũng tiến hành đổi mới cơ chế, chuyển đổi mô hình hoạt động với các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa. Đồng thời, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa tỉnh giai đoạn 2019- 2021 và đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14ngày 17/12/2019 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh). Theo đó, sau sắp xếp tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 4 thành phố; 2 thị xã và 7 huyện; giảm 1 ĐVHC cấp huyện) với 177 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 72 phường; 7 thị trấn và 98 xã; giảm 9 ĐVHC cấp xã).

 

Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bám sát các quan điểm đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và các nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã chủ động triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hoá các quan điểm, đường lối của Đảng. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn của tỉnh thông qua việc xây dựng các đề án, quy hoạch, chiến lược; ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận tập trung vào những vấn đề quan trọng, mang đặc thù của tỉnh. Từ đó, góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định với mục tiêu, lý tưởng, đường lối đổi mới của Đảng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các cấp ủy trong toàn tỉnh đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên; nhiều mô hình mới, cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh.

Tỉnh đã xây dựng, triển khai Nghị quyết 19-NQ/TU và Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); phê duyệt đề án của các đảng bộ cấp huyện, các ban xây dựng đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh, sở, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp… với những giải pháp đồng bộ, toàn diện. Sau khi trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU cụ thể hóa thực hiện 2 Nghị quyết phù hợp với tình hình địa phương.

Các cấp ủy Đảng cũng xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế, quy định về phân công, phân cấp, về công tác tổ chức, cán bộ…; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; định kỳ giao ban, đánh giá, kiểm đếm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của từng thành viên trong tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; quy định cụ thể về quy trình, nội dung, chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm thực hiện triển khai các công việc. Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên; phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được đổi mới so với nhiệm kỳ trước.

 
 

Song song với đó, tỉnh cũng đổi mới việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị theo hướng lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển, phát huy thế mạnh của địa phương, đơn vị; chỉ ban hành nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết. Đồng thời, chú trọng ban hành các nghị quyết chuyên đề, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra ngay từ khi bắt đầu triển khai; kiểm soát việc triển khai thực hiện, đánh giá hiệu quả, tìm hiểu nguyên nhân những nội dung chưa thực hiện và khó thực hiện; xác định các giải pháp cụ thể, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm đếm và đánh giá. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt những chủ trương, đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn của địa phương; lựa chọn chủ đề công tác phù hợp cho từng năm, phân cấp triệt để, phân công, phân nhiệm rõ ràng; thường xuyên rà soát kiểm đếm trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 20 nghị quyết, 40 chỉ thị, hơn 300 kế hoạch và nhiều kết luận, công văn lãnh đạo, chỉ đạo. Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ban hành hơn 400 nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Đặc biệt, quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng, Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ. Qua đó, tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII với quyết tâm chính trị cao. Trong quá trình triển khai, thực hiện nghị quyết, các cấp uỷ Đảng trong toàn tỉnh đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc, cầu thị; chỉ rõ khuyết điểm, các giải pháp và lộ trình khắc phục. Sau kiểm điểm, chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục khuyết điểm, thường xuyên đôn đốc kiểm tra và bổ sung kế hoạch khắc phục, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Ở cấp huyện và tương đương, 100% đã lập kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm; chỉ đạo cấp cơ sở xây dựng kế hoạch khắc phục, tập trung các nội dung được tỉnh gợi ý kiểm điểm và các nội dung gợi ý cấp dưới; phân công trách nhiệm đến từng cá nhân cấp uỷ. Qua thực hiện nghị quyết, Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến nổi bật, như: Đi đầu cả nước trong tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý cấp sở, ngành; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý than, xây dựng hạ tầng, quy hoạch và các thiết chế văn hoá; xử lý nghiêm các sai phạm của tập thể, cá nhân...

Đảng bộ tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nội dung, hình thức; trong đó, bước đầu đã đổi mới về phương thức học tập nghị quyết, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, từng bước khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên  Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/12/2017 về “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới” nhằm tập trung sự lãnh đạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, tính chiến đấu, thuyết phục. Chủ động thông tin, định hướng dư luận, báo chí, truyền thông, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, khoa giáo, văn hóa - văn nghệ; mở rộng thực hiện hội nghị trực tuyến đến cấp xã. Công tác đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa được đẩy mạnh; phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp, củng cố đội ngũ chuyên gia. Là một trong những địa phương điển hình được Trung ương về nghiên cứu thực tiễn, tổng kết lý luận 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011); có nhiều đóng góp tích cực cho các hội thảo khoa học về tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên; rà soát, sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, cơ hội, tham nhũng... không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Siết chặt khâu đánh giá, xếp loại thực chất hơn; tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh luôn đạt 45,2% - 52,3%; chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt vững mạnh 45,6% - 63%; số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 77,8 - 80%, trong đó số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt từ 11,4 - 15,7%.

Công tác công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống chính trị từ năm 2017 đến nay, tạo chuyển biến quan trọng, hoàn thiện phương pháp, quy trình; phát huy hiệu quả mô hình cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra cấp huyện, gắn kiểm tra, kỷ luật Đảng với công tác thanh tra, kỷ luật hành chính. Tập trung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm ở những lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực (liên quan đến quản lý tài nguyên than, khoáng sản, đất đai, ngân sách, đầu tư công, đầu tư tư, biên chế, cấp phép...). Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, chủ động phòng ngừa chung, coi trọng thu hồi thiệt hại vật chất. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã khởi tố điều tra 29 vụ, 92 bị can (tăng 7 vụ, giảm 31 bị can); truy tố 27 vụ/89 bị can (tăng 6 vụ, giảm 28 bị can); xét xử 36 vụ/122 bị cáo (tăng 10 vụ, giảm 42 bị cáo).

Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền được nâng lên rõ rệt: Từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018; năm 2019: niềm tin của cán bộ, đảng viên là 98%, niềm tin của quần chúng nhân dân là 96,1%..

Thực tiễn trong 90 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững, xứng đáng là một trong những trung tâm phát triển của miền Bắc và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Muốn đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền địa phương, hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy và đề cao công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

 

Song song với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh là địa phương nổi bật trong cả nước với những đổi mới, đột phá và tiên phong phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm trong ý chí và quyết liệt trong hành động để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Từ một tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ đạo là công nghiệp nặng, nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất của ngành Than, nhiệt điện và đất, đến nay Quảng Ninh đã chuyển hướng nhanh sang trọng tâm phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất xanh - sạch. Thành quả của sự chuyển dịch rất quan trọng này được dành cho người dân của Quảng Ninh thụ hưởng, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của các nhà đầu tư để Quảng Ninh phát triển bền vững hơn, giàu mạnh hơn. 

Ngày 18/9/2020, tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án đầu tiên thuộc Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công – Việt Hưng (KCN Việt Hưng, TP Hạ Long) cho Tập đoàn Thành Công và ngày 22/9 Tập đoàn sẽ tổ chức động thổ dự án. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Tổ hợp công nghiệp này trong tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khẳng định bằng hành động thực tế nhất về định hướng phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường, tăng tỷ trọng của ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao thông minh để nền kinh tế phát triển theo chiều sâu và tăng trưởng bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Nhìn lại thành quả sau 10 năm nỗ lực, bền bỉ, quyết tâm và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển mới tỉnh Quảng Ninh đã có được bước đột phá mạnh. Nếu như năm 2011 khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đang là công nghiệp – xây dựng chiếm 51% cơ cấu kinh tế của tỉnh, thu từ than và đất chiếm 64% trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thì đến năm 2020 tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 44,6%, công nghiệp – xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%, điều quan trọng hơn sự phát triển của ngành công nghiệp chủ đạo gốc rễ của tỉnh trong hơn 1 thế kỷ qua là ngành khai thác than đang tiến tới sát mốc về đích của việc chấm dứt khai thác lộ thiên chuyển sang khai thác hầm lò với hệ thống công nghệ khai thác tự động, giảm thiểu thấp nhất tác động đến môi trường, đến tự nhiên. Song cùng với đó là các dự án đầu tư công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ xanh đã từng bước phủ kín trên toàn tỉnh từ Móng Cái, Hải Hà, Hạ Long, Quảng Yên… với các nhà đầu tư có tiềm lực, có chiến lược, có uy tín, thương hiệu trên thế giới như Texhong, Yazaki, Amata, Thành Công, Foxconn, TCL…. Hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 722 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó: Ngành dệt có tỷ trọng 28,4%, sản phẩm khoáng - phi kim loại 22%, sản xuất chế biến thực phẩm 16,2%... Giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo bình quân tăng 15%/năm, chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế (năm 2015 là 7,9%).



Nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã được hiện thực hoá bằng bước phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, công viên Đại Dương, quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh... Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được tăng cường hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị với mô hình quản lý mới gắn trách nhiệm trực tiếp của UBND TP Hạ Long. Các di tích quốc gia đặc biệt và trên 600 di tích khác của tỉnh được quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy bền vững giá trị gắn với phát triển du lịch. Nguồn nhân lực ở khu vực dịch vụ, du lịch tăng từ 36,7% (năm 2015) lên 41,9% (năm 2020). Quảng Ninh, Hạ Long trở thành điểm đến có uy tín cho các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế. Tính chung trong giai đoạn 5 năm (2015-2020), tổng số khách du lịch của tỉnh ước đạt 53 triệu lượt (trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt), tăng bình quân 1,7%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 11,9%/năm; du lịch đóng góp khoảng 7,1% tổng thu ngân sách nội địa (giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 5,1%).

Người Quảng Ninh tự hào về những thành quả được tạo dựng không chỉ là bộ mặt khang trang, bề thế của tỉnh, ở vị thế Vùng mỏ được khẳng định mà còn ở chính sức hút đặc biệt của vùng đất được nhà đầu tư, nhân dân, du khách tin tưởng lựa chọn là “nơi cần đến và nơi đáng sống”. Với hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại từ các tuyến cao tốc nối cao tốc, cảng hàng không quốc tế, cảng tàu khách quốc tế, các đô thị với hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hiện đại cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, làm việc, sinh sống của nhà đầu tư, nhân dân, du khách. Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 123.044 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia chủ yếu là giải phóng mặt bằng, tính trung bình 01 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh đã huy động được từ 8 đến 9 đồng cho hoạt động đầu tư vào phát triển.

Đặc biệt với môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, minh bạch, đồng hành nhờ nền hành chính hiện đại thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, liên thông đến xã, phường, từ đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ vững vàng, có sự tận tâm, tận lực và tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu thông suốt đến toàn bộ máy nên Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương được các nhà đầu tư, chính khách, doanh nhân thành đạt thực sự thiện cảm, đánh giá cao và muốn được đầu tư. Hiện nay, thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh rút ngắn 2/3; Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí thứ 20 năm 2012 được nâng lên và duy trì trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước và đứng đầu trong Vùng Đồng bằng sông Hồng từ năm 2013 đến nay. Trong đó năm 2015 đứng thứ ba, năm 2016 đứng thứ hai, đặc biệt trong 3 năm liên tiếp (năm 2017, 2018, 2019) tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PCI toàn quốc. Chưa dừng lại ở đó: Tính chung giai đoạn năm 2012 đến nay, vốn FDI vào Quảng Ninh đạt trên 2,5 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước quy đổi đạt gần 6 tỷ USD, tỉnh Quảng Ninh hiện đang có các nhà đầu tư thực sự chiến lược, tiềm năng bằng các dự án đang phát huy hiệu quả tốt như Vingroup, Sungroup, Thành Công, Texhong, Amata, AES Hoa Kỳ, FLC….

Năm 2020, mặc dù chịu tác động rất mạnh của dịch bệnh Covid-19 nhưng những hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh vẫn được tổ chức thực hiện tốt, cơ bản đảm bảo các mục tiêu đề ra cho năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020. Đặc biệt, với việc tuyên bố hoàn thành hàng loạt các chương trình, dự án mang tính an sinh xã hội cao, độ phủ rộng, Quảng Ninh khẳng định quan điểm chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Ngày 13/9/2020, tỉnh Quảng Ninh tuyên bố hoàn thành dự án đầu tư hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản huyện Bình Liêu. Đây là các công trình giao thông được triển khai trên địa bàn các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu với tổng chiều dài hơn 250km. Hệ thống công trình có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của Chương trình Nông thôn mới, Đề án 196 (Chương trình 135), được triển khai thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành đầu năm 2020.

 
 

Hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu đó không chỉ là công trình có tác dụng về mặt giao thông mà điều quan trọng hơn khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, người dân vùng ĐBKK đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời mở đầu cho một giai đoạn mới, với sự nỗ lực mới, quyết tâm mới của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, nhân dân Quảng Ninh, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng đã được tạo lập trong giai đoạn vừa qua, lấy người dân làm trung tâm, chính quyền cơ sở làm chủ đạo, tiếp tục có những giải pháp, mô hình tổ chức sản xuất kinh tế hiệu quả hơn, xây dựng đời sống văn hóa văn minh hơn và gìn giữ, phát huy được tốt hơn bản sắc văn hóa, đưa Quảng Ninh phát triển ngày càng nhanh, mạnh và bền vững.

Cũng trong tháng 9/2020, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia ra đảo Trần (Cô Tô)- đảo xa đất liền nhất của tỉnh, đồng thời hoàn thành tiêu chí cấp điện lưới 100% đến các hộ dân trên đất liền và hải đảo - đảo xa bờ cuối cùng có dân, có điện của tỉnh. Trước đó năm 2013, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, và 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, 2 xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (Móng Cái), Cái Chiên (Hải Hà), Với tỉnh Quảng Ninh việc đưa điện lưới ra các xã đảo và vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, đặc biệt là củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân cũng như việc xóa chênh lệch vùng miền và từng bước thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế. Trong đó, năm 2013, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; năm 2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016 về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND ngày 17/1/2017 về phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Đề án 196). Với một đề án đặc biệt, sáng tạo khẳng định cách làm riêng có của tỉnh Quảng Ninh để cụ thể hóa mục tiêu xóa thôn, bản ĐBKK với quan điểm “người dân phải là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại”, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, người dân nỗ lực vươn lên hết năm 2019 tỉnh Quảng Ninh đã đưa được 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Quyết tâm thu hẹp khoảng cách phát triển vùng, miền, để mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả của quá trình đổi mới, phát triển, nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khoá XIII là Nghị quyết về chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Và đến năm 2020 đã đưa 89/98 xã và 7/13 địa phương cấp huyện hoàn thành chương trình; nâng được mức thu nhập ở vùng nông thôn, miền núi của tỉnh đến hết năm 2020 ước đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Nông thôn mới Quảng Ninh với các chương trình, dự án bổ trợ như OCOP, 196 đã tạo sức lan toả mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả ở các vùng quê, tạo diện mạo hoàn toàn mới từ cơ sở hạ tầng, đến phương thức sản xuất, tư duy làm giàu của người nông dân, gắn kết bền chặt tình làng, nghĩa xóm, trách nhiệm cộng đồng.

Tính chung trong giai đoạn 2015-2020, tổng chi cho an sinh xã hội của tỉnh ước đạt 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020. Kiên định mục tiêu phát triển vì con người và cho con người, Quảng Ninh quan tâm và đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa, giáo dục; chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, phát triển toàn diện con người. Đặc biệt, mọi hoạt động trong quá trình phát triển kinh tế luôn gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng và bảo vệ môi sinh, chú trọng nâng cao chất lượng dân số, thu hẹp chênh lệch vùng miền, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh và xã hội trật tự, kỷ cương. Tính đến hết năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước, nhưng trong mặt bằng chung của tỉnh đang là một khoảng cách rất xa giữa các khu vực, vùng miền và đang là một trong những vấn đề thách thức để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Vì vậy, trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thức XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa 1 trong 3 khâu đột phá của 5 năm tới là: "Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh". Mục tiêu này cần sức mạnh tổng hòa của sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Và ngọn lửa tâm huyết, các giá trị truyền thống, các nguồn lực xã hội cùng với ý chí quyết tâm được phát huy cao nhất và mạnh mẽ nhất, Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi toàn diện và nhảy vọt các mục tiêu đề ra.

 

Hàng loạt những đổi mới, đột phá, sáng tạo đã đem lại cho tỉnh Quảng Ninh không chỉ là sự phát triển bằng tăng trưởng GRDP luôn trong top 5 địa phương cao nhất cả nước; bộ mặt mới từ đô thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo; môi trường sống an toàn, văn minh, thân thiện; chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên mà đó là chỉ số niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền năm 2018 đạt 85,1%, năm 2019 đạt 95% (kết quả điều tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động, để hành trình xây dựng niềm tin tiếp tục được toả sáng trong tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, của vận hành hoạt động hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 15/7/2020, tỉnh Quảng Ninh phát động chiến dịch “30 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sau điều chỉnh”,  sau 15 ngày triển khai tất cả các hộ dân (1.186 hộ của 5 địa phương) có liên quan đến mặt bằng trên toàn tuyến đã tự nguyên ký biên bản bàn giao mặt bằng và chiến dịch kết thúc, về trước so với kế hoạch 15 ngày. Kết quả này không chỉ là sự đồng thuận, ủng hộ, niềm tin của người dân đối với chủ trương của chính quyền, khẳng định những giá trị lớn lao về văn hoá, con người Quảng Ninh mà đó chính là kết quả của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được bồi đắp, chăm lo trong suốt thời gian qua. Là hình ảnh Quảng Ninh trong giai đoạn phát triển mới, một địa phương điển hình trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án như là một chìa khóa của sự thành công cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện được các khâu đột phá chiến lược. Điều quan trọng hơn cả, đó là, khẳng định Quảng Ninh là nơi luôn gìn giữ sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng bộ và hệ thống chính trị, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, luôn ý thức để phát huy dân chủ, kỷ cương và khối đại đoàn kết toàn dân ở mảnh đất có bề dày về truyền thống cách mạng, văn hóa, có ý chí và nghị lực tự lực, tự cường vượt lên mạnh mẽ để phát triển bền vững.

 

 

Trở lại kết quả của hành trình chăm lo, bồi đắp, xây dựng giá trị niềm tin của nhân dân, năm 2019 Quảng Ninh đứng trong top 3 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp) sau rất nhiều năm gần như đứng ở top cuối của bảng xếp hạng cả nước. Với 5/8 nội dung được xếp ở nhóm có điểm số cao nhất cả nước, gồm: Tham gia của người dân ở cơ sở; công khai minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công và quản trị môi trường đã cho Quảng Ninh bài học kinh nghiệm rất sâu sắc. Đó là, dân chủ hóa quá trình tham gia của người dân vào quản trị từ hạt nhân nhỏ nhất trong hệ thống chính trị là cấp thôn, bản, khu phố, để người dân thấy rõ mình được tôn trọng, được quyền chủ động tham gia quyết định trong xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh nhà. Từ đó có được sự đồng thuận, ủng hộ với các chủ trương mới, lớn của tỉnh, của huyện của xã và tham gia một cách chủ động góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh như chủ trương thực hiện nhất thể hoá bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, là sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, là thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án công trình trọng điểm của tỉnh…. 

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, những đổi mới, sáng tạo, đột phá trong thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng để giải quyết dứt điểm việc đưa các xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, dùng vốn mồi nhà nước để kích thích người dân chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới, xã, phường, thị trấn văn minh theo cách người dân là chủ thể; tạo thuận lợi nhất cho người dân trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, tăng cường dịch vụ công trực tuyến để phục vụ nhu cầu cao hơn của người dân… Quảng Ninh đã phát huy được hiệu quả khi người dân chủ động tham gia vào quy trình quản trị của chính quyền, để niềm tin của nhân dân ngày càng bền chặt và giá trị hơn.

Năm 2020, một năm nhiều khó khăn, thử thách do tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, chuyển sang giai đoạn mới phòng chống dịch dài hơi hơn, vừa tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Những nhiệm vụ khó này tiếp tục đòi hỏi sự thống nhất, đồng thuận cao hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị. Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện những đổi mới trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là, tiếp tục thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện ở 3 địa phương, trong nhiệm kỳ thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tối thiểu 75% trở lên. Sắp xếp, bố trí cán bộ để từ đầu nhiệm kỳ có 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, 75% trở lên bí thư cấp xã không là người địa phương. Thực hiện 100% việc bầu bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ cơ sở và trên cơ sở, kể cả Đảng bộ Công an tỉnh và Biên phòng tỉnh sau khi thống nhất với đảng ủy lực lượng vũ trang Trung ương. Tiếp tục thống nhất chủ trương 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “dân tin, đảng cử”, bầu trưởng thôn, bản, khu phố trước trong cùng 1 ngày (5/1/2020), sau đó đại hội chi bộ trong cùng 1 ngày (18/1/2020). Tiếp tục duy trì các mô hình: Ủy ban Kiểm tra – Thanh tra, Cơ quan Tổ chức – Nội vụ, cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện ở 13/13 địa phương.

Đến ngày 25/7/2020, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện ở 20/20 đảng bộ. Dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nhưng với sự chủ động, thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị nên đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở của tỉnh đều đã hoàn thành sớm hơn tiến độ thời gian trung ương chỉ đạo, công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội có nhiều đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của trung ương, cấp ủy khóa mới được bầu tại đại hội đảm bảo yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng cơ cấu theo chỉ đạo của Trung ương và cấp trên. Đã thực hiện 100% việc bầu bí thư cấp ủy trực tiếp tại các đại hội chi, đảng bộ cơ sở, cấp trên cơ sở. Với kết quả đại hội cấp huyện 19 đồng chí bí thư cấp ủy trúng cử có số phiếu bầu từ 85% trở lên (trừ Đảng bộ quân sự tỉnh không thực hiện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội).

Những khởi đầu mới cho quá trình tiếp tục xây dựng giá trị niềm tin của nhân dân với Đảng bền chặt hơn nữa từ tổ chức thành công đại hội đảng các cấp chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”; phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ quyết liệt trong đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc chăm lo cho đời sống nhân dân sẽ được tập trung đẩy mạnh, cụ thể hoá bằng các chương trình cụ thể. Đó là, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thế, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

Cùng với đó, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa. Kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân. Bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

 

Ngọc Lan - Bảo Bình

Đồ hoạ: Hùng Sơn
Interactive: Tất Đạt

< >

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu