20
18
/
1070853
Để bầu cử thực sự là Ngày hội của toàn dân
longform
Để bầu cử thực sự là Ngày hội của toàn dân

 

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang dồn sức, dồn lực để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công, trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.

 

Xác định bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai nghiêm túc các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Tỉnh khẩn trương ban hành Kế hoạch số 10-KH/TU triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử. Đầu tháng 1/2021, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh gồm 15 thành viên, Ủy ban Bầu cử tỉnh gồm 31 thành viên, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử, để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác bầu cử, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử.

Các địa phương trong tỉnh đã thành lập 190 ban chỉ đạo và ủy ban bầu cử các cấp, gồm 13 đơn vị cấp huyện và 177 đơn vị cấp xã. Toàn tỉnh thành lập 1.353 ban bầu cử, 1.438 tổ bầu cử, với tổng số gần 35.400 người tham gia; ấn định và công bố 1.353 đơn vị bầu cử, trong đó có 3 đơn vị bầu cử ĐBQH, 21 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 125 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 1.204 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

Để chủ động triển khai các nội dung của cuộc bầu cử, ủy ban bầu cử các cấp đã ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thành lập các tiểu ban phục vụ bầu cử, tổ giúp việc công tác bầu cử để triển khai các công việc theo kế hoạch, đảm bảo nội dung, trình tự, thời hạn luật định.

Bám sát các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, hướng dẫn của Trung ương, Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chủ động nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã về công tác nhân sự, tiêu chuẩn người ứng cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử; tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử; hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử... Cùng với đó, kịp thời tổ chức các hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai, phổ biến các văn bản của trung ương, của tỉnh về công tác bầu cử đến các sở, ngành, 13 địa phương và 177 xã, phường, thị trấn. Ủy ban Bầu cử tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các tổ phụ trách bầu cử, với trên 15.700 người tham gia là thành viên ban chỉ đạo, ủy ban bầu cử các cấp, các ban bầu cử và tiểu ban, bộ phận giúp việc về bầu cử.

Để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai công tác, chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương, Ủy ban Bầu cử tỉnh xây dựng chương trình kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai bầu cử tại các cơ quan, đơn vị và các tổ phụ trách bầu cử theo 2 đợt. Ngoài ra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết hoặc khi có kiến nghị, đề xuất.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam về triển khai công tác bầu cử của Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, cho biết: Quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cấp, các ngành của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Mục tiêu là bầu một lần đủ số lượng, nhất quyết phải đảm bảo đáp ứng được 5 yêu cầu về tỷ lệ nữ; người ngoài Đảng; dân tộc thiểu số; trẻ tuổi và tái cử. Quan trọng nhất là bầu được những đại biểu thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm. Qua đó, góp phần xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân” với tổ chức bộ máy tinh gọn, trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử, Quảng Ninh đã rất chủ động xây dựng các phương án, kịch bản chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử, quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử chu đáo, tuyệt đối an ninh, an toàn, thành công.

 

Mặc dù tiến hành trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong toàn tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất, dân chủ và đúng luật định. Nhiều nội dung được thực hiện sớm hơn so với thời gian quy định.

Đến ngày 17/3/2021, ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần 2 (sớm hơn 2 ngày so với Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND), thông qua danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử. Cụ thể: 20 người ứng cử ĐBQH (nữ chiếm 30%, ngoài Đảng 15%), bằng 2,5 lần số đại biểu được bầu; 165 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh (nữ chiếm 54,5%, ngoài Đảng 26,7%, trẻ tuổi 49,1%, tôn giáo 4,2%), bằng 2,5 lần số đại biểu được bầu; 918 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện (nữ chiếm 46,5%, ngoài Đảng 14,6%, trẻ tuổi 46,6%, dân tộc 19,9%); 8.364 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã (nữ chiếm 45,42%, ngoài Đảng 27,47%, trẻ tuổi 47,81%, dân tộc thiểu số 20,71%).

Cơ cấu, số lượng, thành phần… đều đảm bảo theo quy định, đặc biệt chất lượng, trình độ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh sau hiệp thương lần 2 cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Điển hình như danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH, 100% có trình độ thạc sĩ trở lên; 90% người ứng cử và tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh có trình độ cử nhân trở lên.

Để chuẩn bị tốt nhất cho hội nghị hiệp thương lần 3, các địa phương đã chủ động tích cực thực hiện lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, đến hết ngày 10/4 đã hoàn thành, sớm trước 3 ngày so với quy định của Trung ương. Các hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, đúng luật, dân chủ; cử tri đều bày tỏ sự tín nhiệm cao đối với các ứng cử viên, tham gia nhiều ý kiến nhận xét với tinh thần thẳng thắn, chân thành, bày tỏ nguyện vọng mong muốn lựa chọn được những người có đức, có tài, có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín với cộng đồng để đại diện cho cử tri, nhân dân và địa phương tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, địa phương.

Cùng với thực hiện các bước hiệp thương, công tác rà soát, lập niêm yết danh sách cử tri được thực hiện tích cực ở cơ sở để đảm bảo quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử. Đến nay, qua rà soát, thống kê số lượng cử tri dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh đủ 18 tuổi trở lên là 940.812, tham gia bầu cử tại 1.438 khu vực bỏ phiếu. Sau khi hoàn thành rà soát, đến hết ngày 7/4, các địa phương cơ bản hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri, xong trước thời gian so với quy định của Luật (13/4); đồng thời thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân biết và tích cực tham gia bầu cử.

Công tác tuyên truyền, trang trí khánh tiết được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Từ tháng 12/2020 đến nay, đã có trên 2.000 tin, bài, ảnh tuyên truyền về bầu cử được đăng tải trên các phương tiện truyền thông; các tài liệu về bầu cử được tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh chỉnh trang đô thị; rà soát, bổ sung, thay thế các cụm tuyên truyền cổ động trực quan, pano khổ lớn tại các trung tâm đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Các đội tuyên truyền lưu động phát huy tối đa khả năng, công suất và hiệu quả trong công tác tuyên truyền lưu động.

Đảm bảo tốt nhất các điều kiện và cơ sở vật chất phục vụ bầu cử, Cơ quan Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tổng hợp, biên soạn, in ấn trên 16.800 cuốn cẩm nang các tài liệu công tác bầu cử của Trung ương, của tỉnh; tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử; Hỏi - Đáp về bầu cử, để phát cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất phục vụ bầu cử, như con dấu, hòm phiếu. Đến nay, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã thực hiện khắc và bàn giao các cơ quan, đơn vị, địa phương 2.605 con dấu; trong đó có 162 con dấu ủy ban bầu cử, 700 con dấu ban cầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; 819 con dấu tổ bầu cử, 925 con dấu “Đã bỏ phiếu”...

Kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh vào ngày 25/3/2021, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ghi nhận, đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã triển khai công tác bầu cử thật sự bài bản, trách nhiệm, khoa học, quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Đồng thời khẳng định, những kinh nghiệm của Quảng Ninh rất quý, cần tổng kết và phổ biến cho các địa phương khác áp dụng, nhất là việc tỉnh đặt ra các kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử, khối lượng công việc còn rất lớn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đang phát huy tinh thần, trách nhiệm cao nhất để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Trước mắt là tập trung tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần 3, phấn đấu toàn tỉnh hoàn thành vào ngày 16/4. Ủy ban bầu cử các cấp tiếp tục tập huấn nghiệp vụ về công tác bầu cử; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau bầu cử; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác bầu cử; tăng cường kiểm tra, nắm tình hình tại các địa phương. Song song với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo công tác bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật định.

Thu Chung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu