20
18
/
1100330
Đặt doanh nghiệp lên hàng đầu từ DDCI
longform
Đặt doanh nghiệp lên hàng đầu từ DDCI

 

Khẳng định  thương hiệu DDCI Quảng Ninh

DDCI là nền tảng để nâng cao chất lượng PCI của Quảng Ninh, cũng là việc làm thường xuyên nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh, của sở, ngành, địa phương ngày càng hiệu quả; thúc đẩy thi đua, cạnh tranh giữa các đơn vị.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với những quyết sách đúng đắn, không ngừng cải thiện chỉ số DDCI, Quảng Ninh đã tự tạo cho mình thêm dư địa trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh - một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế hiện nay. Bản đánh giá của nhóm nghiên cứu DDCI năm nay khá chi tiết, cụ thể, làm rõ nhiều trục nội dung trong bộ chỉ số DDCI. Đáng chú ý, 13/13 địa phương và 21/21 sở, ban, ngành, các sở, ban, ngành có hoạt động giải quyết TTHC cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào đánh giá, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đồng bộ.

Ảnh với chú thích
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại diện doanh nghiệp tại hội nghị DDCI 2020

DCI Quảng Ninh 2020 thực hiện đánh giá đối với 13 địa phương và 21 sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Chương trình khảo sát DDCI 2020 có sự điều chỉnh so với các năm trước, như: Đã bổ sung nhiệm vụ nắm bắt thực chất năng lực của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ số của DDCI Quảng Ninh cũng liên tục được cập nhật, điều chỉnh để bám sát những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, không tránh né những vấn đề nhạy cảm, cầu thị và lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Đơn cử, giai đoạn 2016-2018, phiếu khảo sát tập trung vào chất lượng của bộ phận một cửa và thủ tục hành chính; đến giai đoạn 2019-2020, bổ sung vấn đề tiếp cận đất đai và chất lượng cơ sở hạ tầng. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên tỉnh triển khai sử dụng khảo sát trực tuyến và đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp.

Sự đổi mới liên tục trong cách tiếp cận doanh nghiệp đã giúp Quảng Ninh ngày càng nhận được thiện cảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này lý giải vì sao năm 2020 mặc dù là năm khó khăn đối với hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ hồi đáp của doanh nghiệp đối với bộ chỉ số DDCI của tỉnh lại đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, đạt 36,2%. So với các năm trước, tỷ lệ đồng ý với nhận định người lãnh đạo đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp tăng mạnh (các năm trước chỉ khoảng 80%, năm 2020 đạt 91%), tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cán bộ gây khó khăn để trục lợi đã giảm đáng kể (các năm trước là trên 20%, nhưng năm 2020 chỉ là 3,7%).

Ảnh với chú thích

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: Qua theo dõi các chỉ số đánh giá DDCI 2020 của Quảng Ninh, đáng chú ý các chỉ số như chi phí thời gian, vai trò của người đứng đầu đã hội tụ về mức điểm cao, đặc biệt chỉ số chi phí thời gian có điểm tăng đáng kể so với năm 2019, từ 5,26 điểm năm 2019 lên 7,16 điểm năm 2020. Về chỉ số chi phí không chính thức, vốn là điểm mà tỉnh rất quan tâm, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, đã giảm so với năm trước, chỉ còn 7% số doanh nghiệp phản ánh có hiện tượng cán bộ gây khó khăn để trục lợi. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận và đánh giá rất cao nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của các chính quyền địa phương (trên 90% đánh giá tốt). Đây là một kết quả rất tích cực, cho thấy các địa phương đã thật sự có những thay đổi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Điều này sẽ giúp các địa phương nói riêng, tỉnh nói chung, thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư từ tư nhân; đồng thời, gia tăng "sức khoẻ" cho mỗi doanh nghiệp trên địa bàn. Tại nhiều cuộc hội thảo, nhiều doanh nghiệp chia sẻ về mong muốn được đầu tư tại Quảng Ninh, dù chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu của họ tại tỉnh sẽ lớn hơn, nhưng về lâu dài sẽ thu được lợi nhuận tốt hơn.

Trong bảng tổng sắp xếp hạng DDCI 2020 khối địa phương có sự vươn lên của 7/13 địa phương so với năm 2019. Khoảng điểm giữa địa phương đứng đầu và đứng cuối chênh lệnh nhau khá nhiều, như: Đơn vị dẫn đầu ở mức 72,1 điểm, cao hơn 47,88 điểm so với đơn vị đứng cuối. Điều này cho thấy, sự khác biệt trong đánh giá của doanh nghiệp về công tác điều hành kinh tế giữa các địa phương là khá lớn. Đối với khối sở, ngành, có 7/21 đơn vị vươn lên trong xếp hạng so với năm 2019; khoảng cách điểm giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất cũng khá lớn (83,83 điểm và 36,33 điểm).

So với năm 2019, trong khối địa phương có sự đổi ngôi nhiều hơn so với khối sở, ngành: Chỉ có 2/5 địa phương duy trì được vị trí xếp hạng trong nhóm dẫn đầu so với năm 2019; có 4/5 sở, ngành duy trì được ở nhóm đầu, tuy có sự thay đổi về thứ hạng trong nhóm.

Ảnh với chú thích
Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tình hình thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn TP Uông Bí

Nhận diện được những thách thức đặt ra trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh đã chủ động, tinh thần quyết liệt cao hơn, cùng với các giải pháp linh hoạt, có cơ chế thích ứng và phù hợp hơn. Từ đó, tạo động lực thôi thúc các sở, ban, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh cùng quyết tâm hành động, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả. Tỉnh cũng luôn xác định, phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phát triển, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2020 đều phải được xây dựng, triển khai đồng bộ, gắn với nỗ lực giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về 4 chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên mạnh dạn đưa mục tiêu về 4 chỉ số này vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện sự quan tâm, đề cao vai trò, tầm quan trọng của các thước đo, các bộ chỉ số đánh giá, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.


Ngay sau Hội nghị công bố DDCI 2020 (ngày 19/3/2021), các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã khẩn trương bước vào đường đua DDCI 2021. Theo đó, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận vốn... Qua đó, cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ chính quyền địa phương, cấp sở, ngành.

Ảnh với chú thích
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Cẩm Phả hướng dẫn, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp

Đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh trong triển khai bộ chỉ số DDCI, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng: Việc Quảng Ninh triển khai DDCI liên tục trong 6 năm đã thể hiện một cam kết mạnh mẽ, bền bỉ của chính quyền tỉnh, mang lại niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp. DDCI là một công cụ mà chính quyền sử dụng để thay đổi chính bản thân chính quyền, công cụ này hiệu quả ở chỗ, chính quyền tỉnh đưa cải cách của mình không phải chỉ trên giấy mà xuống tận địa phương, tận địa bàn, tận cơ sở và khiến nó thay đổi một cách hệ thống. Điều này mới thực sự giúp tỉnh cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất chứ không nằm ở những chính sách vĩ mô nữa. Quảng Ninh nên tiếp tục sử dụng công cụ này để thực hiện các mục tiêu lớn của mình trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, chắc chắn tỉnh sẽ đạt được nhiều thành công.

Minh Thu

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu