
“Đánh thức” di sản trong hành trình phát triển bền vững
Là vùng đất hội tụ đa dạng thành phần dân tộc cùng sinh sống, Quảng Ninh sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đậm đà bản sắc. Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa trong phát triển, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Những giá trị ấy như mạch ngầm bền bỉ nuôi dưỡng bản sắc văn hóa, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, trở thành nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của địa phương.
Tự hào vốn quý
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có trên 640 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trên 360 di sản văn hóa phi vật thể ở 7 loại hình gồm: Lễ hội dân gian truyền thống, di sản, nghề thủ công truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, di sản ngữ văn dân gian, di sản tập quán xã hội, di sản tiếng nói chữ viết và di sản tri thức dân gian.

Đến nay, Quảng Ninh có 19 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát nhà tơ; Lễ hội đền Cửa Ông; Lễ hội Tiên Công; Lễ hội đình Trà Cổ; Lễ hội đình Quan Lạn; Lễ hội Bạch Đằng; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cô của người Sán Dìu; Lễ hội đình Đầm Hà; Lễ hội đình Vạn Ninh; Lễ hội Xuống đồng; Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (nay là xã Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh); Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; Lễ mừng cơm mới của người Tày; Tri thức dân gian về nghệ thuật may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ; Tri thức dân gian nghệ thuật may và trang trí trang phục người Dao Thanh Phán; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát đối vùng biển tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, Quảng Ninh có di sản Then của người Tày là một trong số 11 tỉnh có Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Toàn tỉnh hiện có gần 120 lễ hội, trong đó có gần 80 lễ hội truyền thống. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp làm tốt công tác tổ chức thường niên, phục dựng những lễ hội truyền thống với các nghi lễ, tín ngưỡng lâu đời. Các hoạt động trong lễ hội phong phú, lành mạnh, thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, không chỉ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, mà còn tạo nên những giá trị cố kết cộng đồng, lan tỏa trách nhiệm gìn giữ văn hóa, đồng thời tạo những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách bốn phương.

Sự đa dạng, phong phú trong kho tàng di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đã khẳng định chiều sâu văn hóa và bản sắc độc đáo của vùng đất Quảng Ninh cũng như giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đây cũng là cơ sở để tăng cường công tác bảo tồn, phát huy, lan tỏa những giá trị di sản quý báu ấy đến với công chúng, góp phần quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch; từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Để di sản không ngừng tỏa sáng
"Đánh thức" tiềm năng giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, không chỉ dừng lại ở việc kiểm kê, phục dựng, các địa phương của tỉnh còn chủ động lồng ghép việc bảo tồn di sản trong đời sống cộng đồng một cách sáng tạo, linh hoạt, do chính người dân giữ vai trò chủ thể. Theo đó, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, các trò chơi dân gian, nghi lễ cổ truyền đã được đưa trở lại trong các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ tại xã, phường; hoạt động truyền dạy trong nhà trường; biểu diễn trong các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa, chính trị của địa phương, tại các điểm đến du lịch; hoạt động triễn lãm tại bảo tàng…
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai xây dựng mô hình thôn, bản dân tộc thiểu số trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, gắn với phục vụ phát triển du lịch như: Bản người Tày (xã Lục Hồn), bản người Sán Chỉ (xã Bình Liêu), bản người Dao (xã Hải Sơn)… Từ đây, không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, thực hành di sản một cách tự nhiên mà còn là bước đi chiến lược nhằm chuyển hóa giá trị văn hóa truyền thống thành nguồn lực nội sinh, bền vững cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, công tác tôn vinh công lao của các nghệ nhân đóng góp trong việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, khích lệ. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã có 2 nghệ nhân nhân dân và 36 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tháng 3 vừa qua, Hội đồng xét tặng cấp tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ công nhận 16 nghệ nhân của Quảng Ninh.
Trong bối cảnh việc sáp nhập các tỉnh, thành, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã được thực hiện cũng đang đặt ra những vấn đề cấp bách đối với công tác bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị của các di sản văn hóa cấp quốc gia, bao gồm di sản vật thể và phi vật thể. Theo đó, ngày 7/4/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 1445 /BVHTTDL-DSVH về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, đối với di sản văn hóa phi vật thể, Bộ yêu cầu giữ nguyên tên gọi di sản để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản; rà soát hồ sơ khoa học của di sản để thống nhất phạm vi phân bố, lan tỏa của di sản để có cơ sở quản lý theo thẩm quyền; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa phi vật thể và Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc sáp nhập tỉnh, thành là một quyết định lớn về hành chính nhưng có tác động sâu sắc đến không gian văn hóa, nơi các di sản vật thể và phi vật thể vẫn đang âm thầm gìn giữ ký ức, bản sắc và chiều sâu tinh thần của mỗi vùng đất. Vì vậy, các di sản văn hóa quốc gia gắn với địa danh cụ thể, khi sáp nhập tỉnh, thành cần cập nhật lại hồ sơ khoa học cẩn trọng, có trách nhiệm và đầy đủ cả về mặt pháp lý lẫn văn hóa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, trước những thách thức trong bối cảnh mới, điều quan trọng là cần một chiến lược bảo tồn toàn diện, có sự tiếp nối từ cơ sở, có bản đồ di sản thống nhất, đặc biệt là lắng nghe tiếng nói của cộng đồng - những người vẫn gìn giữ từng viên gạch, mái đình, nét chữ sắc phong từ đời ông cha để lại.
Ý kiến ()