
Chìa khóa phát triển du lịch
Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác bao gồm lễ hội, lối sống, bí quyết truyền nghề, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống.
Theo Cục di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Việt Nam hiện có 485 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó Quảng Ninh có 19), bao gồm cả những di sản đại diện cho nhân loại và những di sản được công nhận ở cấp quốc gia. Các di sản này phản ánh sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, từ nghệ thuật trình diễn, tín ngưỡng, lễ hội đến các tập quán xã hội và nghề thủ công truyền thống. Việc bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể mang ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia. Không chỉ là lưu giữ được công sức và nét đẹp văn hóa truyền thống của các thế hệ trước mà còn tạo tiền đề để các thế hệ sau phát triển và tái tạo. Từ đó, xây dựng và phát triển giá trị bản sắc sắc văn hóa dân tộc trên cơ sở cập nhật nền văn hóa hiện đại.

Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trước hết là hành động tri ân những cống hiến của cha ông, lưu giữ những thành quả sáng tạo, những nét đẹp văn hóa đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là cách để chúng ta giữ lại "hồn cốt" của dân tộc, một kho tàng tri thức dân gian, những giá trị đạo đức và tinh thần vô giá mà các thế hệ trước đã dày công vun đắp. Việc bảo tồn giúp duy trì tính liên tục của văn hóa, đảm bảo rằng những thế hệ tương lai vẫn có thể tiếp cận, học hỏi và tự hào về cội nguồn của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong một thế giới đang chứng kiến sự đồng hóa văn hóa mạnh mẽ, nơi bản sắc dân tộc có nguy cơ bị mai một.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sự đoàn kết cộng đồng. Khi một cộng đồng cùng nhau tham gia vào các hoạt động bảo tồn, như tổ chức lễ hội, truyền dạy nghề, hoặc gìn giữ các tập quán xã hội, họ không chỉ củng cố mối quan hệ nội bộ mà còn khẳng định sự hiện diện và giá trị của mình trong bức tranh văn hóa chung của đất nước. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số, giúp họ giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, góp phần vào sự đa dạng và giàu có chung của nền văn hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ từ du lịch tham quan thuần túy sang du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể nổi lên như một tài sản vô giá, một "nam châm" thu hút du khách. Du khách ngày nay không chỉ muốn ngắm cảnh đẹp mà còn khao khát được hòa mình vào đời sống văn hóa bản địa, tìm hiểu những câu chuyện, những giá trị tinh thần đằng sau mỗi di tích, mỗi phong tục.
Khi di sản văn hóa phi vật thể được phát huy trong du lịch, nó tạo ra những lợi ích kinh tế đáng kể cho cộng đồng địa phương, là chìa khóa phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác di sản văn hóa phi vật thể cho du lịch cần được thực hiện một cách thận trọng và có trách nhiệm. Cần tránh tình trạng thương mại hóa quá mức, làm biến dạng hoặc mai một giá trị gốc của di sản. Việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn, đảm bảo tính bền vững, tôn trọng văn hóa bản địa và sự tham gia của cộng đồng. Cần có sự cân bằng giữa việc trình diễn cho du khách và duy trì sự chân thực, thiêng liêng của di sản đối với chính cộng đồng sở hữu nó.
Ý kiến ()