
Gìn giữ mạch nguồn văn hóa các dân tộc thiểu số
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cấp bách được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên bố trí nhiều nguồn lực cho công tác này. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu không chỉ được gìn giữ, phát huy, lan tỏa giá trị mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào dân tộc.
Vài năm trở lại đây, lễ mừng cơm mới đều được xã Lục Hồn tổ chức vào dịp cuối tháng 10 âm lịch gắn với chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của Hội mùa vàng. Đối với đồng bào dân tộc Tày nơi đây, lễ mừng cơm mới hằng năm ngay khi vụ lúa gặt xong là một nghi lễ rất quan trọng. Đây là dịp để mọi người, mọi nhà bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cũng như gắn kết tình thân và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Thông thường, lễ cúng mừng cơm mới kéo dài trong cả tháng 10 âm lịch.
Nhận thấy giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ, những năm qua, địa phương đã chủ động khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Du khách không chỉ được tìm hiểu nghi lễ tại đình Lục Nà mà còn có thể tham gia trực tiếp lễ mừng cơm mới tại các gia đình trên địa bàn xã để hiểu hơn về đời sống văn hóa của người Tày. Đặc biệt, cuối năm 2024 vừa qua, Lễ mừng cơm mới của người Tày tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định sức sống và giá trị bền vững của nghi lễ trong đời sống cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa (du khách Hải Phòng) chia sẻ: “Trải nghiệm lễ mừng cơm mới tại gia đình người dân, cùng gia chủ nấu món xôi nếp lá gừng đặc trưng của đồng bào, thưởng thức ẩm thực truyền thống tôi thấy rất ấn tượng. Trong không gian ấm cúng, mộc mạc, người dân đón tiếp chân tình, nồng hậu càng khiến những giá trị văn hóa trở nên gần gũi và sống động”.

Cùng với lễ mừng cơm mới, trong số 19 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được công nhận thì có tới một nửa là di sản của đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng cô của người Sán Dìu; Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (nay là xã Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh); Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; Tri thức dân gian về nghệ thuật may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ; Tri thức dân gian nghệ thuật may và trang trí trang phục người Dao Thanh Phán; Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ hội Cầu mùa của người Sán Chỉ.
Các di sản này vẫn được cộng đồng gìn giữ, phát huy trong đời sống sinh hoạt, lễ hội truyền thống, trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, riêng có, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc gắn bảo tồn với phát triển du lịch cộng đồng đã mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lễ hội, không gian văn hóa, tái hiện nghề thủ công truyền thống đã trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp người dân có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập. Đồng thời, góp phần củng cố lòng tự hào, ý thức gìn giữ bản sắc trong cộng đồng trong đời sống hiện đại. Đây chính là minh chứng rõ nét cho việc bảo tồn di sản không chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà còn trở thành nguồn lực phát triển bền vững cho địa phương.

Với mục đích khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ngày 10/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025).
Theo đó, tỉnh đang chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phối hợp thực hiện các nhiệm vụ: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách có hệ thống và bền vững.
Ý kiến ()