
Tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và gần dân hơn
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quyết định của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hôm nay, 1/7, tỉnh Quảng Ninh cùng với cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn - đánh dấu bước chuyển lớn trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị nhà nước hiện đại ở Việt Nam. Với việc bỏ cấp huyện, mô hình mới mở ra một thời kỳ mới trong điều hành và tổ chức bộ máy nhà nước – tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và gần dân hơn. Đằng sau quyết định mang tính lịch sử này là một tầm nhìn cải cách mạnh mẽ, một khát vọng kiến tạo nền hành chính phục vụ và một niềm tin rằng cải cách thể chế là đòn bẩy chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững.

Là địa phương luôn tiên phong trong thực hiện các chủ trương của Đảng, ngay khi có chỉ đạo của Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và chủ trương xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Quảng Ninh đã xác định đây là công việc đặc biệt quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu và triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”. Từ cuối năm 2024, tỉnh đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình, kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các phương án sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy. Quá trình này được thực hiện với tinh thần làm việc nghiêm túc, chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, sự cống hiến đầy trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành phương án sáp nhập từ 171 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 54 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 2 đặc khu), với tỷ lệ cử tri đồng thuận đạt trên 99%. Đây là minh chứng rõ nét về sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân đối với “cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. Ngày 16/6/2025 Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 1679/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập 52 xã, phường và 2 đặc khu thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Quảng Ninh cũng xác định sẽ triển khai mô hình chính quyền 2 cấp mới đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị phát triển bền vững địa phương dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo xuyên suốt. Đây cũng là quyết tâm của Quảng Ninh trước thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc - khi cả nước chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước - một chỉnh thể hành chính mới của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, hiện thực hoá chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.
Trước vận hội mới, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; giữ vững kỷ cương, phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ tỉnh đến xã, phường, đặc khu, trở thành hình mẫu trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hiện đại, gần dân, sát dân và vì dân.
Ý kiến ()