
Đưa hát đối, hát giao duyên trở thành sản phẩm đặc sắc
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ với 43 dân tộc anh em cùng chung sống, Quảng Ninh sở hữu đa dạng các loại hình di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, trình diễn dân gian nhất là hát giao duyên là loại hình có nhiều tiềm năng, có tính khả thi cao, đang được xây dựng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Quảng Ninh có trên 360 di sản văn hóa phi vật thể. Những di sản này mang nét đặc trưng của từng vùng miền, từng dân tộc. Nghệ thuật trình diễn dân gian như hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát đối vùng biển tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 2 trong số 3 loại hình hát giao duyên, hát đối này đang được phát triển trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách và mang lại sinh kế cho người dân.
Tiêu biểu như Hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long. Đây là loại hình trình diễn dân gian hát đối vùng biển; loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, do cư dân vạn chài sáng tạo từ đời sống lao động và sinh hoạt ven biển. Với đặc trưng là những câu hò, điệu hát chất chứa tri thức dân gian, đúc kết kinh nghiệm sống. Hát giao duyên phổ biến với các làn điệu như hò biển, hát đúm, hát chèo đường và hát đám cưới trên thuyền.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức sưu tầm, chuẩn hóa, mở lớp truyền dạy cho con em làng chài và đưa hát giao duyên vào biểu diễn phục vụ du khách tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn từ năm 2006. Đây không chỉ là nỗ lực gìn giữ di sản trước nguy cơ mai một mà còn là hướng đi hiệu quả trong việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc trên Vịnh Hạ Long.
Chị Sophia, du khách Đan Mạch chia sẻ: “Từ giai điệu mộc mạc, cách luyến láy đầy cảm xúc, ánh mắt và nụ cười khi những người dân chài hát… Tất cả như đang kể một câu chuyện văn hóa đặc sắc với bề dày lịch sử. Lời ca, tiếng hát của họ hòa vào cảnh sắc tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long khiến di sản thiên nhiên thế giới này đã đẹp lại càng lay động lòng người. Tôi có thể cảm nhận được văn hóa, tình cảm và sự kết nối giữa con người với thiên nhiên nơi đây. Đó là một trải nghiệm hiếm có, tuyệt vời mà tôi sẽ không thể nào quên".
Cũng là lối hát đối đáp, giao duyên, Soóng cọ lại phản ánh tập quán, tâm hồn của cộng đồng dân cư sinh sống tập trung tại các địa phương miền núi phía đông của tỉnh. Theo tiếng Sán Chỉ, "Soóng cọ" có nghĩa là "ca hát, hát xướng, giao duyên". Loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú này diễn ra phổ biến, là cách người Sán Chỉ tỏ bày tình cảm, suy nghĩ. Người Sán Chỉ hát Soóng cọ khi lao động, khi nghỉ ngơi. Họ hát vào các dịp lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới. Thông qua câu hát “ơ…à”, lối hát không nhạc đệm, nam nữ bày tỏ tâm tư, kết bạn và nên vợ nên chồng.

Nhiều địa phương của tỉnh đang triển khai các chương trình, hoạt động phát triển và bảo tồn Soóng cọ, đưa Soóng cọ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng đặc sắc. Đơn cử là xã Bình Liêu, nơi có phần đông người Sán Chỉ sinh sống. Từ năm 2005 đến nay, Hội Soóng cọ được phục dựng, tổ chức một cách bài bản, quy mô với tâm điểm là hoạt động giao lưu, hát đối, cùng với đó là các trò chơi dân gian đặc sắc, giới thiệu ẩm thực vùng miền và các trận bóng đá nữ Sán Chỉ hấp dẫn. Sự khéo léo và thú vị, sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống của Hội Hát Soóng cọ trở thành thỏi nam châm thu hút du khách không chỉ trong tỉnh mà cả những vị khách quốc tế. Họ đến để lắng nghe, chứng kiến và cảm nhận một không gian văn hóa đặc sắc, sống động và đầy tính nhân văn, nơi mà mỗi câu hát đều chứa đựng chiều sâu văn hóa và vẻ đẹp tâm hồn của cộng đồng người Sán Chỉ.

Đặc biệt, tại các xã như Tiên Yên hay Đông Ngũ, người Sán Chỉ đã phát triển mô hình dịch vụ ẩm thực và homestay nhà đất, tạo điều kiện để du khách khám phá di sản văn hóa một cách trọn vẹn và sâu sắc. Không chỉ dừng lại ở những tiết mục sân khấu hóa, Soóng cọ được tái hiện trong chính đời sống thường nhật - nơi nó ra đời và gắn bó mật thiết với cộng đồng. Trong không gian ấy, du khách có thể cảm nhận rõ nét sức sống, sự phong phú và tinh thần kế thừa của làn điệu dân gian độc đáo này. Khi đó, Soóng cọ không còn đơn thuần là một loại hình nghệ thuật mà trở thành biểu tượng văn hóa, một phần hồn cốt của người Sán Chỉ.
Những thành công bước đầu từ nỗ lực sáng tạo và đưa hát đối, hát giao duyên Quảng Ninh thành sản phẩm du lịch là rất đáng kỳ vọng. Song cũng cần nhìn nhận rằng trong quá trình phát triển những sản phẩm này đang bộc lộ nhiều tồn tại cần được quan tâm tháo gỡ như việc đảm bảo tính thường xuyên, định kỳ, sự ổn định của sản phẩm; không gian biểu diễn gắn với những loại hình nghệ thuật dân gian này cũng cần được đầu tư, xây dựng riêng; những yêu cầu về sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo và chuyên nghiệp hóa để một sản phẩm vừa mang dấu ấn địa phương nhưng lại tiệm cận với chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của đông đảo công chúng cũng cần được đáp ứng để đưa hát giao duyên trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng đặc trưng của Quảng Ninh.
Ý kiến ()