20
18
/
789905
Cùng chung tay giữ màu xanh của biển
longform
Cùng chung tay giữ màu xanh của biển

 

images1067012_BQN_0073.jpg

Với chủ để cùng chung tay giữ màu xanh của biển, Lễ phát động Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới 8/6, năm 2018 được tổ chức sáng 1/6, tại Khu Bến Do (TP Cẩm Phả) do Bộ TN&MT, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức.


 

Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới là sự kiện thường niên, quan trọng, mang tầm quốc gia diễn ra chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển và khuyến khích các giải pháp ngăn chặn, giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển đang diễn ra.

Các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh, nhân dân TP Cẩm Phả tham gia nhặt rác khu vực bờ biển bến Do. 

Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2018 tổ chức tại Quảng Ninh có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài việc tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và hải đảo còn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển đảo, thu hút đầu tư của tỉnh. Thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của tỉnh về "Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên", hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển đảo nói riêng.

Công nhân lao động nghành Than dự Lễ phát động.

 

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Quảng Ninh trao tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ, ngư dân tiêu biểu.

 

Ngay sau Lễ phát động, các đại biểu tham gia trồng cây, làm sạch biển tại khu vực biển TP Cẩm Phả.

 

Hưởng ứng phát động của Trung ương, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long kêu gọi các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại, nâng cao ý thức trong việc khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, ý thức dân tộc đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia làm sạch biển.

 

"ĐỂ GIỮ MÀU XANH CỦA BIỂN"

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh: “Huy động sức mạnh cộng đồng để giữ gìn bảo vệ môi trường biển”

Quảng Ninh có bờ biển kéo dài, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, lợi thế lớn, đưa ngành du lịch phát triển. Môi trường biển có vai trò quyết định để thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh. Theo tôi, để giữ cho môi trường biển ngày càng xanh- sạch- đẹp cần phải có sự chung tay của mọi người. Trong đó, phải tập trung tuyên truyền cho du khách mỗi khi đến với Quảng Ninh ý thức không vứt rác thải ra môi trường biển, không có hành động ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ cần đầu tư các thiết bị thân thiện với môi trường để giữ gìn cảnh quan môi trường nhất là khu vực Vịnh Hạ Long. Vì vậy, bảo vệ môi trường biển cần có sự chung tay góp sức, trách nhiệm của cả cộng đồng.

Ông Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô: “Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển”

Trung bình mỗi năm, Cô Tô đón hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhân dân trên đảo. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là vấn đề xử lý vệ sinh môi trường nhất là môi trường biển đang là bài toán khó. Trung bình hằng ngày có khoảng trên 20 tấn rác được xả ra môi trường, đây là một gánh nặng cho địa phương. Vì vậy, để kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường biển, huyện đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường bằng hình thức loa truyền thanh, tờ rơi, phát túi giấy cho du khách tại cầu cảng Vân Đồn. Đồng thời, giao các tổ chức đoàn thể tích cực triển khai phong trào “Hãy làm sạch biển”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Trồng hoa bên đường”... Bên cạnh đó, huyện cũng chọn đơn vị có năng lực trực tiếp thu gom, xử lý rác thải; quan tâm bảo tồn hệ sinh thái biển; yêu cầu các xưởng chế biến sứa biển và nhà hàng cam kết thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường. Đặc biệt, huyện Cô Tô đã phê duyệt và đang triển khai Đề án “Hạn chế sử dụng túi nilon”, “Phân loại rác thải tại nguồn”. Ngoài ra, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý các phương tiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp hủy diệt trên khu vực biển Cô Tô nhằm bảo vệ khu bảo tồn biển Cô Tô và đảo Trần.

Ông Lục Văn Long, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên: “Bảo vệ môi trường biển dựa vào những mô hình cộng đồng”

Là huyện giáp biển, Tiên Yên xác định rõ vai trò của kinh tế biển có tác động rất lớn đến đời sống của nhiều ngư dân. Vì vậy, để phát huy song song giữa lợi ích kinh tế với việc bảo vệ môi trường biển theo tôi cần phải xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình quản lý dựa vào cộng đồng, mô hình đồng quản lý. Thực tế tại khu vực Rừng ngập mặn Đồng Rui cũng đang áp dụng mô hình này rất hiệu quả. Cụ thể cách làm địa phương đứng ra quản lý về mặt Nhà nước nhưng liên kết chặt chẽ với các hộ dân gần đó bảo vệ rừng ngập mặn; khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Những hộ làm nghề khai khác thủy sản tại đây phải ký cam kết bảo vệ môi trường, không vứt rác xuống biển, cấm triệt để việc đánh bắt, khai thác bằng các ngu cụ cấm. Ngoài ra, đây cũng là kênh thông tin giám sát hiệu quả giúp địa phương phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh rừng ngập mặn. Thời gian tới, những mô hình quản lý, bảo vệ môi trường biển dựa vào cộng đồng cần tiếp tục nhân rộng ra. Ý tưởng chúng ta có thể thành lập CLB tuyên truyền, những tổ hợp tác phối hợp với các đoàn, thể tham gia vớt rác hay những đội tàu cá nói không với việc sử dụng túi nilông...

Ông Trần Minh Hàn, hộ nuôi trồng thủy sản, xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên): “Cần bảo vệ nguồn nước biển tránh bị ô nhiễm”

Trong nuôi trồng thủy sản, nguồn nước biển giữ yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thành bại của các mô hình kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay tại một số vùng nuôi trồng thủy sản nguồn nước biển đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm trầm trọng. Đây là nguyên nhân khiến giống nuôi thủy sản chậm phát triển, dễ bùng phát dịch bệnh. Thực tế, tại xã Hoàng Tân vài năm gần đây, nhiều hộ đang đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, hà sú treo dây nhưng kỹ thuật xử lý nguồn nước thải hay ý thức bảo vệ nguồn nước tại vùng nuôi của ngư dân vẫn chưa cao. Điều này đã gây áp lực lớn đến việc xử lý nguồn nước tại những vùng nuôi trồng thủy sản. Theo tôi, để giữ cho nguồn nước biển sạch, tránh bị ô nhiễm thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền hướng dẫn bà con những biện pháp nuôi trồng thủy sản an toàn; tránh sử dụng chất cấm, vật liệu dễ gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, địa phương phải quy hoạch đầu tư hạ tầng vùng nuôi một cách bài bản. Trong đó, nên hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đúng quy trình trước khi xả ra môi trường.

Chị Bùi Thị Hồng Nhung, phường Hồng Hà (TP Hạ Long): “Cần có chế tài xử phạt nặng đối với người dân xả rác xuống biển” 

Hiện nay ý thức của người dân TP Hạ Long về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển đã được nâng cao hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn có một số người dân chưa có ý thức, rác thải sinh hoạt không đem đến vị trí tập kết rác để chuyển đi mà tiện tay vứt luôn xuống biển, làm cho môi trường biển ô nhiễm, làm mất mỹ quan đô thị. Trong khi tỉnh ta đang xây dựng hình ảnh môi trường du lịch thân thiện để thu hút du khách. Tôi mong rằng, tỉnh cần ban hành chế tài xử phát thật nặng các trường hợp vứt rác ra môi trường nhất là vứt xuống biển để bảo vệ biển được sạch và an toàn hơn.

Ông Mai Văn Lực, thôn Ngọc Nam, xã Ngọc Vừng (Vân Đồn): “Quyết liệt trong chấm dứt việc đánh bắt thủy sản tận diệt”

Là ngư dân làm nghề khai thác thủy sản nhiều năm trên biển, trước đây tôi cũng đã từng sử dụng một số ngư cụ như giã cào, lồng bát quái, lưới điện để đánh bắt thủy sản. Hiện nay, tỉnh đang có chủ trương cấm sử dụng đánh bắt thủy sản theo cách tận diệt trên. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn hợp lý, nếu ngư dân cứ duy trì đánh bắt tận diệt thì sớm muộn ở các vùng biển Quảng Ninh sẽ không còn loài thủy sản nào sinh sống được và thiệt hại về lâu dài cũng chính là ngư dân. Chúng tôi sẽ không còn những ngư trường dồi dào hải sản để khai thác nữa. Hiện nay tôi cùng nhiều ngư dân của Vân Đồn đã không còn sử dụng các phương tiện tận diệt để đánh bắt thủy sản mà chuyển sang dùng ngư cụ đánh bắt thông thường, bảo vệ biển cũng là bảo vệ mình.

 Phạm Tăng- Dương Trường- Nguyễn Huế - Đỗ Phương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu