20
18
/
1100416
Chuyện về những người thầy đặc biệt
longform
Chuyện về những người thầy đặc biệt

Cover

Có những thầy cô không đứng trên bục giảng. Có những học trò chỉ biết khóc cười vô cớ. Có những lớp học đặc biệt trong bệnh viện, mỗi điều dưỡng là một giáo viên. Đó là câu chuyện của những bác sĩ, điều dưỡng chuyên điều trị trẻ tự kỷ.

Ảnh trong văn bản

Trong một căn phòng không quá lớn ngay tại tầng 1 Đơn nguyên tâm bệnh và phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, 4 bạn nhỏ lứa tuổi mầm non đang học ngôn ngữ. Thế nhưng, khác với các lớp học mầm non thông thường khác, ở đây, mỗi trẻ sẽ được kèm bởi một cô giáo, vừa học vừa điều trị. Xen lẫn những câu hỏi, hướng dẫn của giáo viên là những tiếng trả lời rất khẽ, thi thoảng không khí ấy lại bị xóa tan bằng tiếng khóc ré lên của một em nhỏ.

Ảnh căn trái

Đó là N., cậu bé 4 tuổi, người Hạ Long. So với độ tuổi, N. có chiều cao và cân nặng nhỉnh hơn nhiều bạn, thế nhưng, theo đánh giá của các bác sĩ, N. bị hội chứng tự kỷ thể nặng. Khóc cười vô cớ, kém tương tác với giáo viên, không biết biểu hiện cảm xúc, chỉ có thể lặp lại hành động đã quen mà không biết cách vận dụng linh hoạt. Với “đứa con” như thế này, việc dạy dỗ của các cô giáo, cũng chính là những người mẹ thứ hai tại đây gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Lại Thị Thúy Thơ, giáo viên tại Đơn nguyên tâm bệnh và PHCN chia sẻ: N. bị tự kỷ thể nặng nhưng mới tham gia điều trị đợt đầu nên con chưa quen với việc bị đưa vào khuôn khổ. Con thích tự chơi một mình, nhưng thường không biết cách sử dụng các vật dụng, đồ chơi sao cho hợp lý, cũng không biết tương tác với các bạn. Mình đang cố gắng để giúp N. từng bước.

Ảnh với chú thích
Cô Đoàn Thị Thu Trang và bé Q. trong một giờ học riêng.

Ở một góc khác, cô giáo Đoàn Thị Thu Trang đang hướng dẫn bé Q. học nói. Đã trải qua 3 đợt điều trị, kết thúc đợt thứ 4 này, Q. sẽ được trở về nhà, đi học mầm non cùng các bạn. Gần 4 tuổi, Q. đã gắn bó với bệnh viện hơn 1 năm nay. Từ một cậu bé chậm nói, tương tác kém, có nhiều biểu hiện rõ ràng của bệnh tự kỷ, giờ đây, Q. đã có thể biểu hiện cảm xúc, biết vui buồn, giận hờn, xấu hổ khi gặp người lạ, mặc dù vẫn khó khăn trong việc nói ra suy nghĩ của mình.

Bố của Q., người đàn ông khoảng 50 tuổi, dáng người nhỏ, tóc đã hoa râm, chia sẻ: Khi con được hơn 2 tuổi, gia đình thấy con chưa nói được như các bạn, khi gọi tên thì không thấy con phản ứng, việc giao tiếp bằng mắt của con cũng không rõ ràng. Gia đình lo lắng cho con đi khám. Khi bác sĩ nói con có biểu hiện rối loạn phát triển, một biểu hiện của hội chứng tự kỷ, chúng tôi đã không tin vào tai mình. Giờ đây, nhờ có sự tận tình của các bác sĩ, giáo viên, con sắp được về học mầm non như các bạn, nhưng vẫn phải có sự hỗ trợ định kỳ của các thầy cô chuyên tâm bệnh. Đối với chúng tôi, kết quả như vậy là đáng mừng lắm rồi.

Ảnh trong văn bản

Trung bình 1 tháng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận từ 450-500 bệnh nhi đến thăm khám các rối loạn phát triển về tâm thần. Riêng trong ngày 5/4, có khoảng 30 bệnh nhân đến khám, trên 10 bệnh nhân nội trú và 22 bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Ảnh với chú thích
Phòng ngôn ngữ trị liệu tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Cả đơn nguyên hiện có 9 giáo viên can thiệp ngôn ngữ, ngoài ra còn có các kỹ thuật viên xoa bóp, kích âm, vận động. Chỗ ngồi thường xuyên của giáo viên ngôn ngữ là chiếc ghế nhỏ đối diện với trẻ, gần gũi, ân cần. Do điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn hạn chế, không đủ đáp ứng so với số bệnh nhi ngày càng gia tăng, vì thế, không phải bệnh nhân đến khám, có chỉ định điều trị sẽ được nhận vào điều trị ngay.

"Sau khi có kết quả thăm khám, bệnh nhân sẽ phải chờ đến lượt để được vào điều trị, thời gian này có thể kéo dài vài tháng. Bởi, mỗi bệnh nhân khi điều trị sẽ phải trải qua khoảng 3-4 đợt, mỗi đợt 3 tuần liên tục. Mỗi giáo viên phụ trách cùng lúc 4-5 bệnh nhân. Khi vào viện, trẻ được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý kiểm tra kỹ lưỡng qua 3 khâu, đánh giá tình trạng bệnh và trải qua các trị liệu như: Vận động trị liệu Glacodoman, PESC; Ngôn ngữ trị liệu theo phương pháp (APA, PESC); Trị liệu nhóm và cá nhân..." - Bác sỹ Đỗ Văn Thắng, Phó khoa Nội nhi 1, phụ trách Đơn nguyên tâm bệnh, phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết.

Ảnh với chú thích
Giờ học nhóm của trẻ điều trị các chứng rối loạn phát triển.

Đã 6 năm dạy trẻ tự kỷ, cô giáo Đoàn Thị Thu Trang đã chứng kiến biết bao sự đổi thay kỳ diệu của các em nhỏ sau khi được thăm khám, điều trị tại đây. Cô Trang chia sẻ: Những bạn mới đến đều phải mất ít nhất 1 tuần để làm quen với môi trường. Trong thời gian này, các con thường khóc nhiều. Vì nhận thức kém hơn so với lứa tuổi, nên việc tiếp thu của các con cũng hết sức khó khăn. Nhiều bạn đã 4-5 tuổi nhưng kỹ năng tự phục vụ còn kém, chưa thể vệ sinh chủ động, mất tập trung, hay xao nhãng, thậm chí, nhiều bạn không biết tên mình, không phản ứng khi được gọi. Nhiều bạn sau khi điều trị đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn có những khi, các cô cũng không thể can thiệp. Q. là một ví dụ, mặc dù đã tiến bộ nhiều, nhưng mỗi khi học nhóm, con lại thu mình lại, chỉ ngồi một chỗ và khóc.

Vừa làm điều dưỡng, vừa làm giáo viên dạy trẻ tự kỷ, không chỉ có chuyên môn điều dưỡng, các giáo viên tại đây phải học thêm chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ chuyên ngành trẻ tự kỷ, công tác xã hội, giáo dục đặc biệt... Và điều quan trọng nhất là, nếu không yêu trẻ, không có một trái tim nồng ấm, đầy yêu thương, có lẽ không ai có thể trụ vững với công việc này. Bởi, công việc dạy trẻ tự kỷ luôn phải chịu áp lực rất lớn, mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc làm quen với trẻ đã khó, dạy trẻ làm còn khó hơn. Mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau nên cần phải có những phương pháp dạy khác nhau, có lúc mềm mỏng nhưng cũng có những lúc phải nghiêm khắc. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi y, bác sĩ, nhân viên đơn nguyên phải thực sự là những người thầy hết lòng yêu nghề; những người cha, người mẹ đặc biệt của trẻ.

Ảnh trong văn bản

“Dạy một trẻ nhỏ theo định hướng của mình đã khó, nhưng dạy một trẻ tự kỷ, không làm chủ được ý thức và hành vi của mình còn khó hơn gấp bội lần. Mỗi con lại có một mức độ, một yêu cầu riêng buộc giáo viên phải tìm ra cách “xử lý” vấn đề. Từ những ngày đầu mới vào nghề đầy căng thẳng, đến giờ tôi hiểu rằng, với các con không thể vội được, chỉ cần mình có đủ tình yêu thương, đủ kiên nhẫn thì chắc chắn bản thân mình sẽ tìm được ra cách để dạy các con và chính các con cũng sẽ dần hiểu để tiến bộ” – Cô Trang chia sẻ.

Ảnh với chú thích
Tập vận động cho trẻ.

Ảnh trong văn bản

Là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, biểu hiện chung của  hội chứng tự kỷ bao gồm kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Trẻ mắc tự kỷ được can thiệp càng sớm trong 3 năm đầu đời thì cơ hội hoà nhập cộng đồng càng cao, đây được xem là thời điểm vàng, bởi 3 năm đầu đời diễn ra sự phát triển mạnh mẽ về cả thể chất, các chức năng thần kinh, giác quan, tâm lý… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà vẫn có không ít trẻ can thiệp muộn, bỏ lỡ thời điểm vàng.

Tại Trung tâm Can thiệp, hỗ trợ, giáo dục trẻ tự kỷ Quảng Ninh, 23 trẻ đang được can thiệp tại đây đều đã trên 6 tuổi. Trong số các em, chỉ có vài trẻ có ngôn ngữ và có thể giao tiếp với cha mẹ, giáo viên. Số còn lại, việc can thiệp đối với các em chủ yếu tập trung vào uốn nắn các hành vi bất thường, rèn luyện các kỹ năng tự phục vụ bản thân. Con đường để hoà nhập với cộng đồng với các em còn vô cùng gian nan. "Nếu các cháu được can thiệp sớm, được dạy hành vi từ nhỏ, kể cả chưa bật được ngôn ngữ thì hành vi cũng cải thiện được tốt hơn rất nhiều so với những cháu đã qua giai đoạn vàng" - chị Nguyễn Thị Nho, Trung tâm Can thiệp, hỗ trợ, giáo dục trẻ tự kỷ Quảng Ninh, chia sẻ.

Ảnh với chú thích
Trẻ được sử dụng thiết bị kích âm trong quá trình điều trị.

Chia sẻ về vấn đề này, Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phó khoa Nội nhi 1, phụ trách Đơn nguyên tâm bệnh, phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết thêm: Hiện nay, nhận thức của xã hội về chứng tự kỷ đã được cải thiện so với trước đây. Tuy nhiên, còn có những gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh, phủ nhận bệnh tật của con, không cần tới sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn, nên để trẻ quá giai đoạn vàng mới bắt đầu can thiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều phụ huynh chưa hợp tác, chưa làm theo hướng dẫn của giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sĩ, cán bộ tâm lý, dẫn đến tình trạng thoát lùi ở trẻ, mất nhiều thời gian để tìm lại cho trẻ những thứ đã mất.

Thực tế, hầu hết cha mẹ khi gửi con đến trung tâm đều kỳ vọng con có tiến bộ nhanh, rõ rệt. Nhưng số lượng trẻ có cải thiện nhanh, đáp ứng được mong mỏi của phụ huynh thường rất ít. Với trẻ tự kỷ, để thấy được tiến bộ của các con phải theo dõi cả một quá trình dài. Bởi thế, những giáo viên dạy trẻ tự kỷ còn phải chịu áp lực lớn về mặt tâm lý đến từ phía phụ huynh. 

Ảnh với chú thích
Sự tiến bộ của trẻ tự kỷ là niềm vui lớn dành cho giáo viên và gia đình.

Giáo dục trẻ đặc biệt không chỉ môi trường nhà trường mà các em cũng rất cần môi trường gia đình. Nếu chỉ mình giáo viên với trẻ tự kỷ thì chắc chắn việc trẻ tiến bộ là điều khó khăn hơn rất nhiều. Để can thiệp cho trẻ tốt hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hằng ngày giữa giáo viên và phụ huynh. Ngoài việc can thiệp trên lớp, giáo viên sẽ vạch ra mục tiêu, xây dựng các hoạt động để phụ huynh cùng chơi, giao tiếp với con tại nhà. Phụ huynh càng sát sao, nắm được nội dung dạy con, có đủ kiên nhẫn dành cho con thì kỹ năng của con mới được lặp đi lặp lại thường xuyên và sớm có những chuyển biến.

“Hành trình để các con tiến bộ không hề đơn giản. Áp lực từ nhiều phía khiến chúng tôi trụ lại với công việc không hề đơn giản. Nhưng làm nghề rồi, gặp nhiều gia đình, thấu hiểu được nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ, bản thân tôi càng có thêm động lực gắn bó với nghề. Chỉ cần các con bật lên được tiếng gọi: Cô ơi!, chỉ cần nhìn thấy những hành động đúng khuôn khổ của các con là bao nhiêu áp lực như tan biến… Chỉ mong sao, các con tiến bộ mỗi ngày để hòa nhập với cuộc sống bình thường như bao trẻ khác” – Cô Lại Thị Thúy Thơ, giáo viên tại Đơn nguyên tâm bệnh và PHCN chia sẻ.

Thực hiện: Ngọc Linh - Hằng Ngần

Đồ họa: Mạnh Hà

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu