20
18
/
1100325
Chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp
longform
Chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp
 
 

Chính quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số là mục tiêu lớn của Quảng Ninh. Người dân là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này thực hiện thành công. Hiện tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ảnh với chú thích
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh xác định mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Quyết tâm xây dựng và triển khai thành công chính quyền số cũng đã được tỉnh nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01/CTr-TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy. Trong đó, việc chuyển đổi số toàn diện để hướng đến chính quyền số được tỉnh xác định là một trong những đề án trọng điểm cho giai đoạn tới. Trên tinh thần đó, tỉnh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Trong đó, xây dựng đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành Chính quyền số.

Để chuẩn bị nền tảng cần thiết cho chủ trương xây dựng chính quyền số, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức một số cuộc hội thảo về xây dựng Chính quyền số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; chủ động tìm hiểu, nghiên cứu những mô hình chuyển đổi số ở các quốc gia như Estonia,  Brazil, Vương quốc Anh, Thái Lan để học tập kinh nghiệm.

Trên tinh thần đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Những mục tiêu trọng tâm của đề án như: Xây dựng, hình thành nền tảng chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính tỉnh Quảng Ninh và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường kết nối, sự tham gia và phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sức mạnh của nhân dân trong hoạch định chính sách, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế xã hội trên nền tảng dữ liệu số và dữ liệu mở hướng tới nền Kinh tế số và Xã hội số; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng;... Dự kiến trong năm nay, việc xây dựng Đề án sẽ được hoàn thiện và bắt tay vào triển khai.

Ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc kiến tạo một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đồng thời tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp chính là cơ sở để lãnh đạo tỉnh thực hiện những bước tiến táo bạo trong hành trình tin học hóa và thực hiện chuyển đổi số để hướng đến chính quyền số.

Ảnh với chú thích
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai trong toàn tỉnh với 231 điểm cầu, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước.

Song song với đó, tỉnh đã phân công cụ thể cho từng đơn vị liên quan; nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng tổng thể hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh và ứng dụng CNTT của tỉnh (hạ tầng, thiết bị, tình hình, hiệu quả triển khai, tồn tại, hạn chế) và thực trạng chất lượng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Từ đó, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được, xác định tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp, mô hình, nguyên tắc xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Ninh và các nhiệm vụ cụ thể.

Ảnh với chú thích
Cục Hải quan tỉnh triển khai giám sát hải quan trực tuyến 24/24h đối với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái.

Mới đây nhất, ngày 23/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã họp cho ý kiến về đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã thống nhất với quan điểm kế thừa các đề án, chương trình trước đây làm cơ sở phát triển giai đoạn mới phù hợp với mục tiêu, nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải tập trung xây dựng chính quyền số; ưu tiên cho việc xây dựng dữ liệu nền tảng; nguồn lực thực hiện theo cơ chế hình thức hợp tác công - tư.

Về giải pháp thực hiện, phải tập trung hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử để đảm bảo cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phải gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC, đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý. Cùng với đó, phải nghiên cứu thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên một địa chỉ Internet để lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đều nắm được và trả lời nhanh nhất. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ thông tin cá nhân... Những ý kiến này đã được đơn vị thực hiện đề án tiếp thu và chỉnh sửa, phấn đấu hoàn thiện trong năm nay để sớm triển khai thực hiện. 

Minh Thu

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu