20
18
/
1100375
Cảnh giác trước “đại dịch” tin giả
longform
Cảnh giác trước “đại dịch” tin giả

Cover

Thời gian qua, khi dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, tình trạng tin giả về dịch bệnh gây nhiễu loạn thông tin trên internet và mạng xã hội; trở thành “đại dịch” nguy hiểm, đáng sợ không kém dịch bệnh.

VẤN NẠN TIN GIẢ "HOÀNH HÀNH"

Gần 2 năm dịch bệnh xuất hiện và trở thành mối nguy hại của thế giới và Việt Nam, tin giả về dịch bệnh cũng xuất hiện ngày một nhiều trên các trang mạng xã hội và trên internet.

Tại tỉnh Quảng Ninh, gần đây nhất, ngày 14/9/2021, trên mạng xã hội lan truyền, tài khoản facebook Nguyễn Đức Kim Long đã đăng tải, chia sẻ video clip hình ảnh một người được đưa vào phòng cấp cứu và ghi thông tin mô tả là: “Tiêm vaccine Sinopharm tại Trường tiểu học Lê Lợi TP Uông Bí”. Chỉ sau đó ít phút, nhiều tài khoản khác trên facebook cũng đã chia sẻ lại clip này. Thông tin đã khiến cho nhiều người dân Uông Bí hoang mang, lo lắng.

Trước tình trạng này, lực lượng chức năng TP Uông Bí đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, đây là thông tin sai sự thật, bịa đặt, không có cơ sở, thiếu chính xác và gây hoang mang dư luận. Bởi trong đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, Trường Tiểu học Lê Lợi không được trưng dụng làm điểm tiêm chủng cho người dân và trong 2 ngày tổ chức đợt cao điểm tiêm chủng với hơn 41.800 mũi vắc xin đều đảm bảo an toàn.

Thực chất, những hình ảnh trên clip được là hình ảnh được người dân ghi lại tại xã Lê Lợi (TP Hạ Long). Trong quá trình sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, anh P.V.C (sinh năm 1974, xã Lê Lợi) có tiền sử bệnh động kinh nên đã bị co giật. Trước tình huống đó, các lực lượng chức năng đã ngay lập tức đưa anh P.V.C đến phòng y tế của xã để tiến hành sơ cứu. Sau khi phục hồi, anh P.V.C đã được gia đình đưa về nhà an toàn.

Qua điều tra và xác minh, Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) tỉnh cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra, xác minh phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Kim Long có địa chỉ tại Đắc Lắk là người sở hữu tài khoản facebook Nguyễn Đức Kim Long. Sở TTTT đã có văn bản gửi Sở TTTT tỉnh Đắc Lắk phối hợp để xử lý vi phạm với đối với Nguyễn Đức Kim Long theo đúng quy định của pháp luật.

Không chỉ có thông tin trong clip này mà thời gian qua, đã có không ít những thông tin được phát tán trên mạng xã hội thiếu căn cứ về hiệu quả của các loại vắc xin, tùy tiện công kích nguồn gốc một số loại vắc xin nhằm hình thành tâm lý so đo, kén chọn trong cộng đồng.

Ngoài ra, nhiều thông tin về các ca bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng được nhiều tài khoản mạng xã hội phát tán khi chưa có thông tin chính xác cũng gây hoang mang cho người dân, cộng đồng xã hội như tại Vân Đồn, Hạ Long... 

Có thể nói, không chỉ Quảng Ninh mà ở hầu khắp các địa phương trên cả nước đều có xuất hiện của “đại dịch” tin giả, tin đồn thất thiệt, sai sự thật. Cơ quan chức năng của Bộ Công an cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho đến nay, trên không gian mạng đã có rất nhiều thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Đã có hàng nghìn trường hợp bị các cơ quan chức năng xác minh, đấu tranh và xử lý ở các mức độ khác nhau do tung tin thất thiệt, đưa tin, bài không được kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc.

Hành vi trên của một số người dân phần đa vẫn là do thiếu hiểu biết về pháp luật, chủ quan, đơn giản trong việc tạo tin và đưa tin lên mạng xã hội. Mặt khác là do người tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, muốn tạo thông tin lạ, tin hot nhằm câu like, câu view, gây sự chú ý trên mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online… Nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác, rất có thể một số phần tử bất mãn trong nước tung tin thất thiệt theo sự giật dây của các thế lực thù địch.

Không chỉ gây hoang mang trong dư luận, những hành vi do thiếu hiểu biết và nhằm động cơ, mục đích xấu của cá nhân như đã nêu trên còn gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân hoang mang khó phân biệt được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin giả, để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mặt khác, thông tin giả còn gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt khi mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài lợi dụng tình hình dịch để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thì sự xuất hiện tràn lan những tin đồn thất thiệt, tin giả như trên chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”.

Ảnh với chú thích
Tháng 5/2021, Công an tỉnh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.M (sinh năm 1972), trú tại phường Hà Tu, TP Hạ Long, về hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật.

NHỮNG GIỌNG ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỐNG PHÁ

Bên cạnh người dân trong nước thiếu hiểu biết hoặc vì động cơ, mục đích cá nhân, một thủ đoạn đang được một số tổ chức phản động, phần tử cơ hội chính trị ráo riết thực hiện là lợi dụng khoảng trống thông tin khi các cơ quan báo chí, truyền thông của ta chưa đăng phát kịp thời để cóp nhặt, nhào nặn, lồng ghép tạo dựng những thông tin giả bóp méo, xuyên tạc sự thật rồi tung lên không gian mạng nhằm cản trở cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Những thông tin sai trái, những giọng điệu xuyên tạc ấy ít nhiều đã làm ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, tâm lý của những người dân nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết; làm cho thế giới hiểu chưa đúng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Cùng với thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật về diễn biết tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch còn xuyên tạc công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương. Chúng cho rằng tình hình dịch phức tạp mà vẫn thực hiện “mục tiêu kép” là coi thường tính mạng, sức khỏe nhân dân… Thực chất của chiêu trò này là nhằm tạo dư luận trái chiều, kích động người dân gây áp lực với Đảng và Nhà nước. Những thông tin thất thiệt, xấu độc này càng trở nên nguy hiểm khi một số người dân thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm lên mạng xã hội “té nước theo mưa” chia sẻ, phát tán, bình luận...

Ảnh với chú thích
 

TỈNH TÁO TRƯỚC TIN GIẢ LÀ KHÔNG TIẾP TAY CHO KẺ XẤU

Tình hình dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, dù tình hình chưa lắng dịu, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng nước ta vẫn được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người đã và đang được thực hiện tích cực, khẩn trương và đã đạt những kết quả quan trọng bước đầu. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thành công trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và đang tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm ấy trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên tình trạng một số người nhận thức hạn chế, thiếu trách nhiệm, lợi dụng tình hình dịch để tung tin giả, tin xấu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm xã hội và đạo đức công dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trở lại với những thông tin thất thiệt về công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin thất thiệt, sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trước tình trạng nhiễu loạn thông tin liên quan đến phòng, chống dịch CVID-19 trên không gian mạng, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hãy bình tĩnh, không nghe theo các thông tin không chính xác, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng.

Cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh là cần thiết nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Cơ bản, lâu dài vẫn phải là phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19 cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân am hiểu hơn về pháp luật, nắm rõ về các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin giả, tin thất thiệt và những biểu hiện lơ là, chủ quan, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19… để tự giác chấp hành.

Bên cạnh lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn “đại dịch” tin giả, rất cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Khi tham gia vào môi trường mạng mỗi người dân bằng kiến thức và hiểu biết của mình hãy suy xét thận trọng, kỹ lưỡng trước những thông tin, hình ảnh, vidio tiếp cận, đừng vì nhẹ dạ, cả tin mà biến mình thành nạn nhân của “đại dịch” tin giả. Mặt khác mỗi cá nhân hãy kiềm chế cảm xúc đừng vì những diễn biến tâm lý nhất thời mà nghĩ sai, nghĩ xấu và có những phản ứng tiêu cực về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để rồi đăng tải, chia sẻ những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bình luận ác ý về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những hành động như vậy chẳng những làm xói mòn niềm tin vào Đảng và chính quyền, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch mà còn làm hủy hoại cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, tự biến mình thành kẻ tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc, bởi vậy bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để xử lý vấn nạn tin giả cũng rất cần sự hợp tác, vào cuộc của toàn xã hội. Qua đó, từng bước tạo "miễn dịch cộng đồng" trước làn sóng tin giả đang lây lan nhanh. Đây chính là thời điểm và là việc làm hiệu quả mà mỗi người dân cả nước nói chung và mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thể hiện rõ nhất trách nhiệm công dân của mình, đồng sức, đồng lòng phấn đấu vì mục tiêu chung chiến thắng đại dịch COVID-19. 

Linh An

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu