20
18
/
789655
Bí thư Tỉnh ủy: Đặt niềm tin với những người giữ trách nhiệm "hai vai"
longform
Bí thư Tỉnh ủy: Đặt niềm tin với những người giữ trách nhiệm "hai vai"

 

 

Sáng 30/5, tại TP Hạ Long, 436 đại biểu đại diện cho 1.565 bí thư chi bộ kiêm trưởng, thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh đã đối thoại trực tiếp với đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Hội nghị được các đại biểu đánh giá là diễn đàn dân chủ để các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được bày tỏ tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của mình, cũng như đại diện tiếng nói của người dân thôn, khu, bản về tình hình tại cơ sở, gửi đến lãnh đạo tỉnh…

 

Tâm tư của những người gần dân, sát dân nhất…

Đây là cuộc đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố được tổ chức với số lượng đại biểu tham dự đông nhất từ trước đến nay. Trước giờ khai mạc cuộc đối thoại từ rất sớm, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long) đã hiện diện đông đảo các đại biểu là đại diện bí thư chi bộ kiêm trưởng, thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với PV Báo Quảng Ninh, các đại biểu đều bày tỏ sự phấn khởi trước quan tâm của tỉnh, đặc biệt là của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với đội ngũ bí thư kiêm trưởng thôn, khu, bản trên địa bàn thời gian qua.

Đặc biệt, đây là cơ hội để các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố được phát huy quyền dân chủ trực tiếp của mình để trình bày những quan điểm đối với đồng chí Bí thư cấp ủy cao nhất của tỉnh. Đồng thời, là dịp hiếm có để các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu trong tỉnh được gặp nhau, cùng trao đổi, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đối với chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu, theo các đại biểu, thời gian quan đã thực sự tạo ra những cải cách đáng kể trong hoạt động cấp cơ sở.

Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu 3, phường Hải Yên, TP Móng Cái, Ngô Sỹ Khuê bày tỏ: Chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, khu của tỉnh là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng kịp thời yêu cầu về nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cấp thôn, khu. Qua đó, tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, đến người dân. Hoạt động của chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng của người dân và cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao. Tham gia chương trình đối thoại với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lần này, là cơ hội tốt để chúng tôi trực tiếp được nghe những chỉ đạo, định hướng, cách làm của người đứng đầu tỉnh. Qua đó, làm sao thực hiện đúng mục tiêu “gần dân, sát dân”, là cầu nối của dân với cấp ủy, chính quyền…

Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại.

 

Còn Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn bản Mào Liểng, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, Dín Thị Lan chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia chương trình đối thoại trực tiếp với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng như với những đồng chí lãnh đạo đứng đầu tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Bản thân tôi thấy vinh dự và cảm động vì đã được những đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh quan tâm, lắng nghe tiếng nói của mình. Qua đó, tôi càng nhận thức rõ được vai trò bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn của mình. Tôi cũng đã nên lên những khó khăn trong khi mình đảm đương cương vị này và đã được trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao đổi, động viên, khích lệ.

Phát huy dân chủ tối đa, lắng nghe tiếng nói cơ sở

 

Ngay trong đề dẫn định hướng hội nghị đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã nhấn mạnh: Cuộc đối thoại nhằm mục đích tăng cường trao đổi thông tin hai chiều giữa các đại biểu ở thôn, khu phố phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh về thực trạng tình hình ở thôn bản, khu phố; đề xuất kiến nghị về cơ chế, chế độ, chính sách, các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, v.v....

Đồng thời, các đại biểu thông qua đối thoại cũng nắm được thông tin, nắm bắt những quan điểm, định hướng chỉ đạo của tỉnh hiện nay từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo đảng viên, nhân dân ở địa bàn dân cư thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; làm tốt hơn việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào tại địa phương.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, qua nghe trực tiếp các ý kiến phản ánh từ cơ sở sẽ giúp cho lãnh đạo tỉnh nắm bắt cụ thể hơn một số tình hình đang diễn ra trong thực tiễn, trong đó có những việc do công tác quản lý, điều hành của một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả nên để tồn đọng, kéo dài gây bức xúc cho người dân ở cơ sở.

Các Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu đề xuất kiến nghị với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Các Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu đề xuất kiến nghị với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

 

Theo sự điều hành của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, trên tinh thần trao đổi dân chủ, cởi mở, tại cuộc đối thoại, các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ, quan điểm của mình, liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ của bản thân cũng như những vấn đề nổi cộm ở cơ sở như: Đầu tư cơ sở hạ tầng miền núi; vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường; phát huy công trình công cộng tại thôn, khu, phố; bố trí tái định cư cho người dân…

Đối với hoạt động của bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn, các đại biểu  đề cập đến vấn đề: Phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; phát triển đảng viên trẻ và đội ngũ kế cận đảm đương vị trí “2 vai”;…

 

Trực tiếp từng vấn đề, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy của 14/14 địa phương ngay tại chương trình đối thoại phải trả lời cho đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh: Câu trả lời của lãnh đạo địa phương phải đi đúng vào trọng tâm, trọng điểm câu hỏi; nêu lên được nguyên nhân, phương án giải quyết vấn đề. Từ định hướng này, các câu trả lời của lãnh đạo các địa phương đều nhận được sự đồng thuận, hài lòng của đại biểu.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu: Các địa phương phải làm tốt hơn nữa vai trò quản lý của mình trên các lĩnh vực. Đặc biệt là các vấn đề “nóng”, được đông đảo nhân dân quan tâm, như: Giải phóng mặt bằng, môi trường, hiệu quả quản lý công trình, dự án, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí…

Trao niềm tin cho những người đứng “hai vai”

Khẳng định vai trò của đội ngũ Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, khu, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HND tỉnh, cho rằng: Đây là cán bộ gần dân, sát dân nhất, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân rõ nhất. Đây cũng là đội ngũ góp tiếng nói phản biện từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; là cầu nối giữa người dân với cấp ủy đảng, chính quyền. Qua đó, giúp tỉnh tiếp tục có các giải pháp điều chỉnh trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực.

Do vậy, tỉnh sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến với đội ngũ cán bộ này. Trong đó có việc thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn, khu. Về chế độ chính sách, tỉnh vận dụng tối đa các quy định của Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ cán bộ cấp cơ sở yên tâm công tác, nâng cao hiệu quả công tác.

Làm rõ một trong những nội dung được các bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu quan tâm tại cuộc đối thoại, Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng khẳng định: Quy định trần các phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách thôn, bản đã được Nghị định Chính phủ quy định rất rõ. Theo đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện ở mức cao nhất. Đồng thời, HĐND tỉnh cũng đã xây dựng quỹ hoạt động, quỹ phụ cấp, cho nên khi cán bộ cơ sở thực hiện kiêm nhiệm, ngoài mức hệ số “cứng” thì các phần cộng lại sau kiêm nhiệm sẽ lấy từ nguồn bổ sung các thu nhập khác. Tuy nhiên phải trên cơ sở các cấp xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ. Đồng chí đề nghị các địa phương, tổ chức đoàn thể cần quan tâm hơn đến nội dung này để triển khai tới các cấp cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ kiêm nhiệm.

 

Mặc dù chương trình đối thoại diễn ra trong buổi sáng nhưng đã làm rõ được nhiều vấn đề. Đối với đại biểu là bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn, khu,  chương trình đối thoại thực sự là cơ hội để đội ngũ những người đứng trên “hai vai” này rõ được thể hiện vai trò “gần dân, sát dân” của mình, khi họ trực tiếp nêu ra những vấn đề nổi cộm nhất của địa phương. Qua đó, họ cũng được lắng nghe ý kiến trả lời từ những người đứng đầu địa phương.

Chia sẻ những khó khăn của các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố chính là đầu mối cuối cùng để truyền tải những chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, địa phương đến với nhân dân. Và người dân đồng tình hay không đồng tình đều thông qua kiến nghị với Bí thư và Trưởng thôn, khu.

“Tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có thực hiện được hay không đều phụ thuộc lớn vào nhân dân, do đó vai trò của Bí thư, Trưởng thôn, khu rất quan trọng. Các đồng chí có hoàn thành tốt các nhiệm vụ thì cấp xã, phường, các huyện, thị xã, cấp tỉnh mới hoàn thành được nhiệm vụ đề ra” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Hồng Nhung - Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu