20
18
/
1059743
Bài 9: Nhất thể hoá các chức danh - Lợi ích kép
longform
Bài 9: Nhất thể hoá các chức danh - Lợi ích kép

 

Nhất thể hoá chức danh được coi là một thí điểm có tính đột phá của Quảng Ninh trong cải cách hành chính, góp phần tinh gọn bộ máy, thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ hiện nay là giảm đầu mối, giảm biên chế. Đến nay, sau hơn một nhiệm kỳ triển khai, những kết quả mang lại đã có thể khẳng định, việc nhất thể hoá các chức danh và sáp nhập một số đơn vị đã đảm bảo được 3 mục tiêu: Tinh giản được bộ máy, đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, đồng thời tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.

Chủ trương nhất thể hóa các chức danh được nêu lên từ Hội nghị Trung ương 6 khóa X; sau đó Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 223-TB/TW, ngày 24/2/2009, và Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, ngày 6/3/2009, về “Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND”...

Trên tinh thần đó, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động từng bước cụ thể hóa một cách linh hoạt, sáng tạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả những chủ trương, chỉ đạo có liên quan đến nội dung này của Trung ương. Việc nhất thể hóa, hợp nhất này vừa bảo đảm tinh giản, vừa bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.

Theo đó, từ năm 2009 đến năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND ở 42/186 xã, phường, thị trấn. Đến năm 2014, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương này qua việc ban hành và triển khai Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015, để lãnh đạo thực hiện. Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đây cũng được coi là một sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá của Quảng Ninh. Qua đó, toàn tỉnh tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm việc bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND hoặc chủ tịch HĐND ở cấp huyện và cấp xã.

Tiếp đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII như tiếp thêm sức mạnh cho tỉnh Quảng Ninh thực hiện Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU; đồng thời tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 5/2/2018, với phương châm: Tiếp tục nhân rộng những nội dung đã thực hiện thí điểm hiệu quả. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhất thể hóa một số chức danh, vị trí việc làm và khoán, hỗ trợ kinh phí hoạt động; thực hiện chế độ kiêm nhiệm một số vị trí việc làm phù hợp, tính chất công việc có liên quan, hỗ trợ lẫn nhau...

Đến nay, ở cấp huyện, Quảng Ninh thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 3/13 địa phương, đạt 23,08% (Tiên Yên, Cô Tô, Đông Triều); bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở 1 địa phương; 100% bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Cấp xã: bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 119/177 địa phương = 67,23%; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND tại 24/177 địa phương = 13,56%. Hiện toàn tỉnh có 150/177 (84,75%) bí thư cấp xã, 13/13 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Trước khi thực hiện Chỉ thị 12-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên chiếm tỷ lệ 68,2%), đến nay đã thực hiện bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đạt tỷ lệ 100%. Ở những nơi bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, các địa phương định hướng bố trí 1 phó bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, 1 phó bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng đã tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tối ưu chính sách, chuẩn hóa ngạch bậc, kết hợp bầu cử và bổ nhiệm: Cơ quan UBKT với Thanh tra và Ban Tổ chức với phòng Nội vụ ở 13/13 đơn vị cấp huyện (giảm 28 đầu mối); hợp nhất 5 Trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tỉnh để thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Tỉnh cũng thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện và cấp tỉnh; hoạt động trên nguyên tắc phối hợp và thống nhất về hành động, phân công về đối tượng, tôn trọng các quy định hiện hành của Hiến pháp, pháp luật. Đối với cấp huyện đã triển khai được 4 năm và thực hiện tại tất cả địa phương; cấp tỉnh thực hiện từ đầu năm 2018 và đã bảo đảm hoạt động ổn định.

Tỉnh còn chủ động đề xuất Đề án và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương về thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình “Tòa soạn hội tụ” ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (giảm 8 đầu mối cấp phòng so với trước khi hợp nhất).

Chia sẻ với chúng tôi về công việc của một cán bộ nhất thể hoá, đồng chí Lộc Văn Sinh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên cho biết: Cá nhân tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng, có nhiều ưu điểm nổi bật, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện thông suốt, vì không qua các tầng nấc trung gian. Đặc biệt, nhất thể hoá các chức danh đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Đảng với người đứng đầu chính quyền cơ sở, phát huy được tính năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Từ đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế cho bộ máy cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng xác định lúc nào cũng phải nỗ lực, cố gắng hết sức để làm tròn trọng trách của mình. Quan trọng hơn là phải xác định rõ từng trách nhiệm, đâu là ở “vai” bí thư, đâu là “vai” chủ tịch UBND, xác định được việc gì của mình, việc gì có thể giao cho cấp dưới…

Có thể thấy, việc triển khai mô hình nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy những kết quả tích cực. Các mô hình này đã phát huy sức mạnh của cấp ủy đảng và chính quyền; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ. Chẳng hạn như với mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND đã góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ và UBND tập trung vào một người, do vậy tạo sự thống nhất cao trong mọi hoạt động, bảo đảm mọi công việc, thông tin đến cấp uỷ là đến UBND; đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương lãnh đạo và tổ chức thực hiện, đùn đẩy trách nhiệm hoặc tình trạng mất đoàn kết giữa bí thư cấp uỷ và chủ tịch UBND. Không những vậy, bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND còn góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ Đảng, giúp cấp uỷ trực tiếp nhận thông tin về việc điều hành của UBND được chính xác, kịp thời, tạo điều kiện tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác, từng bước khắc phục hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa cán bộ khối UBND với cán bộ khối Đảng, đoàn thể; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ...

Tương tự như vậy, với mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, khu cũng mang lại những hiệu quả rất tích cực. Bởi vì, mô hình này phát huy được cao nhất sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở khu dân cư. Bí thư chi bộ kiêm khu trưởng sẽ sâu sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân... Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao. Hiện thực hoá chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp uỷ trong toàn tỉnh đã tích cực tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự đã được các đơn vị tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch và đúng quy trình, hướng dẫn của cấp trên. Những cán bộ được lựa chọn để đưa vào bầu cử đều là những người có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, gương mẫu, tận tụy với công việc; có kinh nghiệm, uy tín, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao...

Đối với nhất thể hoá chức danh trưởng ban tổ chức và trưởng phòng nội vụ đã giúp cho ban tổ chức huyện uỷ và phòng nội vụ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cấp huyện trong công tác tổ chức, cán bộ; các chủ trương về công tác tổ chức, cán bộ được triển khai thực hiện thông suốt hơn; việc thực hiện các quy trình, công việc về công tác tổ chức, cán bộ được thuận tiện, nhanh chóng. Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ Thành ủy Hạ Long, chia sẻ: Do chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị có sự tương đồng nên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của hai đơn vị có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Khi thực hiện đồng thời hai chức danh, việc đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận sự chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy được nhanh chóng, kịp thời hơn.

Còn đối với nhất thể hoá chức danh chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra huyện uỷ và chánh thanh tra nhà nước huyện bước đầu đã thống nhất, phát huy được sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; về đối tượng công việc của 2 cơ quan; bảo đảm chủ trương thống nhất trong toàn bộ quá trình xử lý công việc, giảm được khâu trung gian.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, việc nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả của những mô hình này đã được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, là cơ sở, nền tảng vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 2020-2025 là thực hiện nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã tối thiểu đạt tỷ lệ từ 75% trở lên; bí thư cấp xã không là người địa phương đạt 75% trở lên, cấp huyện là 100%.

Bài: Hoài Anh

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu