20
18
/
1058257
Bài 8: Kiểm soát quyền lực trong cơ chế minh bạch
longform
Bài 8: Kiểm soát quyền lực trong cơ chế minh bạch

 

Trong thực tiễn 10 năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo, nghị quyết nhằm cụ thế hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm... Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã luôn coi trọng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, thực hiện các quy định về nêu gương, kiểm soát quyền lực với quan điểm ở đâu có quyền lực ở đó quyền lực phải được kiểm soát bằng thể chế, cơ chế minh bạch.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh “Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện”. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”. 

Quảng Ninh luôn xác định kiểm soát quyền lực trong công tác đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vừa là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời là giải pháp hữu hiệu để phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Chính vì thế, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn đã chú trọng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời triển khai tốt chỉ đạo của Trung ương về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng quy định, cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Thực tế Quảng Ninh cho thấy vấn đề kiểm soát quyền lực được chú trọng thực hiện, từng bước đem lại kết quả rõ rệt.

Ðể kiểm soát chặt chẽ quyền lực, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, như: Hoàn thiện hệ thống quy định về quy trình công tác, quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh xuống cơ sở; tăng cường trách nhiệm, tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện cơ chế nêu gương; thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng và công tác tổ chức, cán bộ; nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII).

Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát, bổ sung và cơ bản hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về mối quan hệ, lề lối làm việc; tăng cường phân cấp, ủy quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đối với các lĩnh vực quan trọng như tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng biên chế, công chức, viên chức... Các quy chế đều được xây dựng khoa học, chặt chẽ, kịp thời, được vận hành thông suốt, mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực trong lãnh đạo. Điển hình như là Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; Quy chế quản lý tổ chức, cán bộ; Quy chế đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy chế luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý; một số quy định liên quan đến quản lý, xử lý kỷ luật cán bộ và đảng viên... Quy chế làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ các cấp... đều được xây dựng theo hướng thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Cùng với đó, các cấp ủy đảng trên toàn tỉnh đã cụ thể hóa Quy định 101-QĐ/TW, của Ban Bí thư và Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng cơ chế, tổ chức thực hiện; triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành TW. Trong đó, đã xây dựng cơ chế đánh giá việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, đầu tư xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến; đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng coi trọng hiệu quả, kết quả, sản phẩm thực tế, cụ thể; quan tâm cấp cơ sở và những người thực hiện trực tiếp. 

Toàn tỉnh cũng tăng cường công tác xây dựng Đảng về đạo đức bằng việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chú trọng khâu phòng ngừa. Điển hình là tỉnh đã ban hành Quy định 04-QĐ/TU, ngày 06/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' đối với cán bộ, đảng viên; Quy định 06-QĐ/TU, ngày 08/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII; Ban hành Quyết định số 1730-QĐ/TU ngày 13/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý…

Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền", Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định về công tác cán bộ (về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định về điều động, luân chuyển cán bộ; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ…). Qua đó, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương theo hướng đồng bộ, kế thừa, kết nối giữa các khâu, tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Các quy định, quy chế đã ban hành đảm bảo được vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đảng về công tác cán bộ, đồng thời từng bước tăng cường phân cấp, uỷ quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Trong đó, đổi mới quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, đặc biệt là việc công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ nhân sự. Đồng thời, chủ động thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thông qua thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, khích lệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời có các công cụ để kiểm soát, đánh giá sau bổ nhiệm; mạnh dạn thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ được bổ nhiệm qua thi tuyển. Do vậy trong những năm qua, nhất là từ năm 2017 đến nay, đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có nhiều thay đổi, chuyển tiếp thế hệ song việc kiện toàn, bổ sung đều có sự đoàn kết, nhất trí cao, không có “điểm nóng” trong dư luận.

Mở rộng dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ để lựa chọn được người đứng đầu có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý. Tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, đã thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại đại hội ở trên 80% đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở; 100% đảng bộ cấp huyện, kết quả 100% các chức danh chủ chốt được bầu với số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên, bí thư cấp ủy trúng cử với tỷ lệ 90% trở lên. Tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2021, 408/408 (100%) đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội bầu trực tiếp bí thư; 19/20 đại hội đảng bộ cấp huyện tiến hành bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại đại hội (trừ Đảng bộ Quân sự tỉnh). Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, những nơi nhất thể hóa chức danh bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND, các địa phương đã bố trí 1 phó bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, 1 phó bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc đảm bảo vừa phù hợp với quy định của Trung ương, vừa thiết lập được cơ chế kiểm soát kiểm soát quyền lực một cách hiệu lực, hiệu quả.

Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn bầu vào chức danh (trưởng thôn, bản, khu phố) sau đó cấp ủy mới phân công theo phương châm “dân tin đảng mới cử”. Từ năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có chủ trương chỉ đạo thống nhất quy trình Nhân dân giới thiệu đảng viên của chi bộ có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín đảm nhiệm trưởng thôn; lựa chọn nhân sự giới thiệu để Nhân dân bầu trưởng thôn trước, sau đó đại hội chi bộ và giới thiệu đồng chí vừa trúng cử trưởng thôn để bầu Bí thư chi bộ. Năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện thống nhất, đồng bộ bầu trưởng thôn trong cùng ngày 05/01/2020, sau đó tổ chức đại hội chi bộ thôn cùng một ngày 18, 19/01/2020 và hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu (Năm 2014, tỷ lệ trưởng thôn, khu phố chưa là đảng viên cao, chiếm 68,2%; bí thư chi bộ chưa kiêm trưởng thôn chỉ có 21,5%).

Cùng với xây dựng các quy định, cơ chế kiểm soát quyền lực, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa, phát hiện, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của cơ quan, cán bộ, công chức trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực được giao, bảo đảm cho quyền lực được thực hiện đúng. Từ năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy chế phối hợp giữa UBKT Tỉnh ủy với Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng (Quyết định số 1021-QĐ/TU, ngày 17/4/2013). Trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp xem xét, xử lý đối với cán bộ đảng viên có dấu hiệu vi phạm và có vi phạm khuyết điểm được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Cụ thể, đảng viên, tổ chức đảng vi phạm về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng; về chấp hành nguyên tắc tổ chức của đảng; về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống hoặc phát hiện vi phạm qua các kết quả kiểm tra, giải quyết tố cáo của đảng thì tổ chức đảng quản lý đảng viên chủ động xem xét, xử lý kỷ luật đảng, sau chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý về hành chính để xem xét xử lý về chính quyền, đoàn thể. Đảng viên vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao liên quan đến thực thi công vụ hoặc phát hiện vi phạm qua các kết luận thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan quản lý về hành chính đối với đảng viên đó chủ động xem xét xử lý về chính quyền, đoàn thể, chuyển hồ sơ cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét xử lý hoặc đề nghị xử lý kỷ luật về đảng.

Đặc biệt, đối với công tác cán bộ, tỉnh và các địa phương đã tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục. Không chỉ thành lập đoàn kiểm tra, các cấp ủy, UBKT các cấp cũng tăng cường các hình thức rà soát, nắm tình hình, khảo sát, đôn đốc của cơ quan chuyên môn cấp trên, thường trực cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp góp phần tạo hiệu quả tích cực, chủ động trong công tác cán bộ, kịp thời phát hiện những vi phạm khi mới phát sinh, những tồn tại, hạn chế để uốn nắn, chấn chỉnh và khắc phục, tránh nảy sinh vi phạm lớn, kịp thời đánh giá việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của cấp ủy, trên cơ sở đó cấp ủy có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 274-KH/TU, ngày 10/4/2019 về nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25/02/2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ chương trình kiểm tra, giám sát và thanh tra của cả hệ thống chính trị. Cụ thể là đã ban hành đồng bộ Chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của cấp tỉnh: Chương trình số 10-CTr/TU ngày 25/01/2017; số 20-CTr/TU ngày 02/01/2018; số 26-CTr/TU ngày 06/12/2018 về kiểm tra, thanh tra, giám sát của tỉnh Quảng Ninh các năm 2017, 2018 và năm 2019 với tổng số trên 50 nội dung liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm việc xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nghiêm việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng được thực hiện theo đúng Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2018 của Bộ Chính trị “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Quy định số 07-QĐi/TW ngày 29/8/2018 “Về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm”. Trên cơ sở sự phân công, phân cấp quản lý trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để xác định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có hình thức xử lý trách nhiệm phù hợp. Đồng thời, xem xét xử lý kỷ luật Đảng đồng bộ với kỷ luật hành chính.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có vi phạm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đối với các vi phạm: Xử lý phạm trong công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; việc thực hiện các thủ tục cho phép doanh nghiệp thu hồi cát cuội sỏi tại Đầm Hà. Đã xử lý kỷ luật đảng hình thức khiển trách đối với Bí thư chi bộ, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Yên do để xảy ra tham nhũng trong đơn vị....

Tỉnh cũng lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng giữa cơ quan kiểm tra, nội chính, thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo và Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy với các ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy, Đảng đoàn MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh về nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng; phối hợp với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.

Bài: Thuỳ Linh

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu