20
18
/
1057085
Bài 7: Dùng ngân sách tỉnh và xã hội đồng bộ hóa hệ thống giao thông kết nối vùng
longform
Bài 7: Dùng ngân sách tỉnh và xã hội đồng bộ hóa hệ thống giao thông kết nối vùng

 

 

Nhìn lại 35 năm đổi mới thấy rằng, việc sử dụng ngân sách tỉnh để làm công trình hạ tầng giao thông liên vùng, công trình thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương có lẽ Quảng Ninh là tỉnh đi đầu, tiên phong. Một tư tưởng thống nhất của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh xuyên suốt các thời kỳ đó là lấy ngân sách địa phương để làm đường Trung ương; không trông chờ, ỷ lại mà chủ động dùng nội lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đồng thời không ngừng sáng tạo để phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách và đẩy nhanh tốc độ phát triển của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển, liên kết vùng trong quốc gia, liên kết khu vực, quốc tế.

Chắc hẳn rằng những người đã từng đến, sống ở Quảng Ninh những năm sau đổi mới, đều nhớ thời kỳ đó tỉnh Quảng Ninh giống như một ốc đảo. Muốn đi Bắc Ninh, Hà Nội phải qua phà Phả Lại; sang Hải Phòng phải qua phà Rừng, phà Bính; đi Hải Dương phải qua phà Triều, phà Thông, phà Bình… Khoảng cách với Hải Phòng chỉ 70 km, Hà Nội 160 km, Hải Dương 90 km nhưng thời gian đi mất cả ngày trời trên phương tiện ô tô. Đối nội là vậy, còn về đối ngoại, dù là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, nhưng để đi được ra Móng Cái cũng phải mất 2 ngày bởi tất cả các tuyến đường miền Đông đều chưa được khai thông. Việc đi lại không thuận tiện khiến cho hoạt động giao thương giữa hai bên gần như không có. Không chỉ yếu kém về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, mà giao thông đường thủy cũng rất hạn chế. Tỉnh có gần 250km đường bờ biển, 10 địa phương có địa phận giáp biển nhưng chỉ có một vài luồng tuyến được đưa vào khai thác. Cảng biển Hòn Gai và cảng Cửa Ông được xây dựng từ thời Pháp nhưng chủ yếu phục vụ cho việc vận chuyển than và một số cảng nội địa nhỏ. Giao thông thời kỳ sau đổi mới là bài toán vô cùng khó đối với tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh đất nước bắt đầu vào thực hiện công cuộc đổi mới còn rất nhiều khó khăn, việc trông chờ vào trung ương làm cho sẽ là rất lâu và rất khó.

Cầu Triều - Cây cầu nối liền Đông Triều (Quảng Ninh) và Kinh Môn (Hải Dương) đã chính thức thông xe từ 1/1/2021, thay thế cho phà Triều trước đây
Cầu Triều - Cây cầu nối liền Đông Triều (Quảng Ninh) và Kinh Môn (Hải Dương)
đã chính thức thông xe từ 1/1/2021, thay thế cho phà Triều trước đây

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy hồi tưởng: Thực hiện chiến lược đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, với vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Quảng Ninh, BCH Đảng bộ tỉnh đã đặt ra những chủ trương chiến lược cho ngành giao thông vận tải Quảng Ninh. Đó là: Thứ nhất, nhanh chóng kết nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng bằng cầu đường tốt. Nhưng khi đó, nguồn vốn đầu tư từ Trung ương đang rất khó khăn vì đất nước vừa trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Vậy là tỉnh đã mạnh dạn chủ động để xuất lấy ngân sách của tỉnh đầu tư làm đường của Trung ương giảm thời gian từ Quảng Ninh đi các tỉnh và ngược lại. Một quyết định táo bạo đã được đưa ra đó là đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải góp 25% vốn (từ nguồn ngân sách tỉnh) để xây dựng cầu Bình trên đường 183 (nay là QL37) thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương, rút ngắn thời gian lưu thông do phải chờ đợi phà, đò. Chủ trương thứ hai đó là bỏ vốn ngân sách địa phương làm đường Quốc lộ 18A đoạn từ Tiên Yên ra Móng Cái dài gần 100 km qua các bước theo cân đối ngân sách của tỉnh: Đầu tiên là cấp phối, sau nhựa hóa, cuối cùng là vượt lũ qua các đường tràn. Ba là, chủ trương lấy vượt thu của Hải quan Trung ương thưởng cho tỉnh làm đường lên các cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà) và Hoành Mô (Bình Liêu) để tăng cường đẩy mạnh xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Bốn là, chủ trương nhựa hóa đến trung tâm các huyện, thị xã, nâng cấp một số cầu tuyến miền Đông (như cầu thép Ba Chẽ, hệ thống 03 cầu Vân Đồn 1, Vân Đồn 2, Vân Đồn 3 nối liền với huyện đảo Vân Đồn, cầu Khe Tiên và hàng loạt cầu khác trên tuyến quốc lộ 18 từ Tiên Yên - Móng Cái và quốc lộ 18C từ Tiên Yên đi Hoành Mô). Nguồn vốn để thực hiện các công trình này được tỉnh đã chủ động báo cáo và được Chính phủ cho cơ chế giữ lại 50% vốn cửa khẩu quốc tế Móng Cái theo Quyết định số 675/1996/QĐ-TTg và Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg. Đây thành quả của quá trình thuyết phục lâu dài với các Bộ, ngành Trung ương vì họ cho rằng nguồn vốn này chi để đầu tư cho cửa khẩu Móng Cái. Sau đó, cơ chế cùng góp vốn này đã được triển khai thành công, hoàn tất các đoạn tuyến, các cầu trên quốc lộ.

Bài học kinh nghiệm quý giá đó đã được thế hệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh những thời kỳ sau gìn giữ, phát huy và sáng tạo phù hợp tình hình thực tiễn mới. Đó là khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh phát triển đất nước (bổ sung và phát triển 2011), tỉnh đã báo cáo Chính phủ xin được sử dụng ngân sách tỉnh làm đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên mà một địa phương sử dụng vốn ngân sách của tỉnh và huy động các doanh nghiệp tham gia cùng làm thông qua hình thức BOT. Tiếp sau đó là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn – Móng Cái.

Hiện nay đi từ Hà Nội về Quảng Ninh bằng ô tô mất 1,5 tiếng đồng hồ, thời gian rút ngắn, đường đi thuận tiện đến mức khiến rất nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng nếu như 5 năm rồi chưa trở lại Quảng Ninh. Tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đẹp, hiện đại được tô điểm bởi cầu Bạch Đằng với biểu tượng 3 chữ H trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử không chỉ liên thông hoàn toàn giữa 3 địa bàn trọng điểm kinh tế khu vực phía Bắc mà còn là những công trình biểu trưng khẳng định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng là tuyến đường cao tốc đầu tiên mà một địa phương sử dụng vốn ngân sách của mình và huy động các doanh nghiệp tham gia cùng làm thông qua hình thức BOT
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng là tuyến đường cao tốc đầu tiên
mà một địa phương sử dụng vốn ngân sách của mình để đầu tư xây dựng

Nhớ lại 5 năm trước khi Quảng Ninh đề xuất được dùng ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nhiều lãnh đạo bộ, ngành trung ương cảm thấy e ngại tính khả thi. Bởi từ trước đến nay việc làm cao tốc là nằm trong danh mục chi thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương và Quảng Ninh mặc dù đã là địa phương tự cân đối, có một phần đóng góp về ngân sách trung ương nhưng cũng chưa phải là giàu để làm được việc chưa có tiền lệ này. Hơn nữa, trong bối cảnh thời điểm đó nguồn thu của tỉnh phần lớn cũng vẫn đang phụ thuộc vào than và đất, mà lúc đó ngành Than đang gặp nhiều khó khăn từ khai thác đến tiêu thụ, thị trường bất động sản vẫn đóng băng… Nhưng nếu trông chờ vào ngân sách trung ương thì chưa biết đến bao giờ dự án đã được ấp ủ qua rất nhiều nhiệm kỳ, thế hệ lãnh đạo của tỉnh mới thực hiện được. Trong khi bên kia dòng sông Bạch Đằng lịch sử, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được hoàn thành, chỉ còn 25km nữa thôi thì Hạ Long sẽ kết nối vào tuyến cao tốc quan trọng này trong hành lang phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Cũng trong bối cảnh đó, hàng loạt các tuyến cao tốc nối lên các tỉnh Tây Bắc đều đang được rầm rộ đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, cho phép tỉnh được dùng tiền từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hàng năm, phần trung ương trả nợ ngân sách tỉnh đã ứng trước thực hiện dự án giao thông khác trước đó, tiết kiệm chi hàng năm, với tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng với hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT. Năm 2014 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công xây dựng với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng). Ngày 1/9/2018, 26km đường cao tốc và cầu Bạch Đằng chính thức khánh thành và thông xe nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội. Tuyến cao tốc này đã góp phần quan trọng phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối toàn khu vực và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế toàn khu vực.

Bài học kinh nghiệm sử dụng ngân sách tỉnh làm “đường trung ương” đến thời điểm này có lẽ Quảng Ninh là tỉnh đang triển khai thực hiện hiệu quả nhất. Ví như việc xây dựng tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn mà không đi qua nội thị TP Hạ Long, TP Cẩm Phả. Nếu như trước đây, quy hoạch từ thời Mỹ chỉ nghĩ đến việc làm cao tốc Nội Bài – Hạ Long, Hạ Long – Móng Cái. Nhưng để làm được điều đó thì đến bao giờ? Cái sáng tạo của Quảng Ninh ở chỗ tận dụng được những gì có sẵn, những cái đã được đầu tư, trên cơ sở đó sử dụng ngân sách địa phương để nối dài các tuyến đường, rút ngắn thời gian đi – đến Quảng Ninh. Và kết quả là đã kéo dài được tuyến đường cao tốc từ thủ đô Hà Nội đến Khu kinh tế Vân Đồn, hoàn thành vào cuối năm 2018, cũng chỉ sau hơn 2 năm thi công từ cách làm hợp tác công – tư của Quảng Ninh.

Ngay sau cao tốc Hạ Long – Vân Đồn là cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tuyến cao tốc khi được triển khai cũng đã tốn khá nhiều giấy mực của các cơ quan báo chí bởi nguồn vốn đầu tư cho tuyến đường từ đâu? Đã có thời điểm, tiền đầu tư tuyến đường cao tốc này được tính toán theo phương án ODA từ nước ngoài, nhưng rồi bằng quyết tâm của tỉnh, sử dụng ngân sách tỉnh để làm, tỉnh Quảng Ninh đã khởi công và đang triển khai với tiến độ thần tốc để cuối năm 2021 công trình hoàn thành. Điều đặc biệt tuyến cao tốc này không chỉ là quyết tâm về kinh phí của tỉnh mà còn là công trình của sự thống nhất, đồng thuận cao của nhân dân trên toàn tuyến. 15 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng công trình là sự nỗ lực và là niềm tin của nhân dân Quảng Ninh trước quyết tâm đột phá phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh, đưa giao thông vận tải là ngành đi trước các ngành kinh tế khác.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, kết nối thành phố vùng biên với thủ đô Hà Nội
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021,
kết nối thành phố vùng biên với thủ đô Hà Nội

Đột phá vào hạ tầng giao thông tạo mở cánh cửa phát triển liên vùng, liên khu vực và quốc tế, đó là quyết tâm của Quảng Ninh và đang được tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn 2020-2030. Đó là, trong năm 2021 sẽ hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3. Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Nút giao Đầm Nhà Mạc, Dự án Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338 - Giai đoạn 1; khởi công dự án tuyến đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây; nghiên cứu tuyến đường kết nối từ Cầu Cửa lục 2 lên Đông Sơn, Kỳ Thượng đến Quốc lộ 4B… Kêu gọi, thu hút đầu tư Cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh…. Những cánh cửa liên kết vùng từ Quảng Ninh đã rộng mở để thúc đẩy sự phát triển của tất cả các địa phương, góp phần tạo thế và lực cho đất nước trong giai đoạn mới.

Bài 8: Cảng hàng không quốc tế và chiến dịch thần tốc mở cửa bầu trời 

Thực hiện: Ngọc Lan 

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu