20
18
/
1069669
Bài 5: Kiên trì giải pháp "hoa tiêu" từ ngân sách
longform
Bài 5: Kiên trì giải pháp "hoa tiêu" từ ngân sách

 

Hợp tác công – tư đã thực sự đem lại cho giao thông Quảng Ninh cuộc lột xác ngoạn mục. Có đường cao tốc từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, có sân bay, cảng biển quốc tế kết nối hạ tầng giao thông tổng thể, liên vùng – đó là niềm tự hào của Quảng Ninh, cũng là mơ ước của các địa phương khác trong xu thế phát triển hội nhập hiện nay. Hợp tác công – tư Quảng Ninh được các nhà đầu tư đánh giá đây thực sự là cuộc chơi 2 bên đã cùng thắng. Vậy trong giai đoạn tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hành động thế nào để “công – tư win – win” có những bứt phá mới?

PPP Quảng Ninh trong 5 năm 2020-2025, PPP sẽ phải đảm bảo hoàn thành được 5 nhóm mục tiêu lớn: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2025 đạt trên 117 nghìn tỷ đồng, trung bình giai đoạn 2021-2025 tăng trên 10%/năm; Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển; Hoàn thành xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu mở; Hoàn thành đồng bộ hạ tầng giáo dục đào tạo, y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế, giáo dục chất lượng cao; Hoàn thành cải tạo nâng cấp các hồ chứa nước trọng yếu tại các khu vực Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Uông Bí; hệ thống cung cấp nước sạch, đặc biệt là việc cung cấp nước sạch nông thôn. Cải thiện đáng kể hệ thống hạ tầng kỹ thuật môi trường xử lý nước thải, rác thải y tế, sinh hoạt…

“Ngày 1/1/2021 Luật đầu tư công theo phương thức đối tác công – tư chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để tới đây Quảng Ninh triển khai các dự án mang tầm vóc lớn hơn” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết.

Tính từ năm 2014 đến năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 46.297 tỷ đồng với tổng số 29 dự án trên các lĩnh vực: Giao thông; Hạ tầng kỹ thuật; Dân dụng; Văn hoá giáo dục. Trong đó, vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP với tổng số khoảng 5.163 tỷ đồng (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng) chiếm 11%.

“Mặc dù nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chưa nhiều, nhưng đó là sự kết hợp, hợp tác gia tăng giá trị. Đặc biệt là đã có những tác động to lớn, khơi thông, kích thích sự phát triển và từng bước khẳng định niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp với chính quyền tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai của tỉnh” – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định.

“Hữu ích mà PPP đem lại chúng ta thấy rất rõ, đó là, thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt giữa doanh nghiệp và các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh về đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Tại Quảng Ninh sự tham gia của khối tư nhân trong PPP khẳng định việc thực hiện đồng bộ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương đã có hiệu quả, thỏa mãn lợi ích 3 bên (chính quyền – người dân – doanh nghiệp) về việc cung cấp kịp thời các dịch vụ tốt hơn đáp ứng yêu cầu cho đối tượng thụ hưởng (thay vì khả năng phải chờ đợi nhiều năm sau)” – Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ Trần Đình Thiên nhận định.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh, huy động được dòng tiền lớn ngoài nhà nước là trên 195.231 tỷ đồng tham gia luân chuyển vào nền kinh tế; tốc độ tăng bình quân của vốn ngoài nhà nước giai đoạn 2016-2020 là gần 20%/năm và chiếm hơn 57% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội (giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng bình quân vốn ngoài nhà nước là 5,3%/năm và chỉ chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). So với cấp độ vùng, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm của tỉnh chiếm khoảng 9% so với vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng). Từ việc “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã rút ngắn được thời gian đầu tư các dự án đầu tư công và cơ bản tháo được nút thắt, điểm nghẽn mấu chốt để thông thương; kết nối các vùng động lực của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược tham gia đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là các KKT, KCN, KKT cửa khẩu...

Điển hình như với 7 dự án hạ tầng giao thông được thực hiện bằng hình thức PPP với tổng số vốn trên 43.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc là tỉnh đã tiết kiệm được ngần ấy nghìn tỷ đồng ngân sách, giảm áp lực chi cho đầu tư các dự án công trình lớn và có điều kiện dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là nguồn lực dành cho đảm bảo an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn của cộng đồng và của người dân. Và cũng chính từ việc hoàn thành thiết kế, xây dựng và vận hành các dự án PPP, khu vực tư nhân tạo ra một mô hình cấu trúc dịch vụ công với một hệ thống phân cấp hiệu quả hơn.
 

“Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn hẹp, nhu cầu đầu tư hạ tầng, dịch vụ xã hội rất cao thì việc kêu gọi các nguồn lực xã hội có mục tiêu “win-win” (hai bên cùng có lợi) cho cả nhà nước và nhà đầu tư là tất yếu nhưng phải thỏa mãn các điều kiện của các bên (nhà nước – người dân – doanh nghiệp), mỗi bên phải có lợi ích riêng so sánh cao nhất; lợi ích chung của 3 bên phải hài hòa và cùng chia sẻ các rủi ro nếu có. Đối với tỉnh Quảng Ninh, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo phương thức đối tác công - tư để đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là hết sức cần thiết và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Vì vậy, Quảng Ninh tiếp tục kiên trì phương châm chỉ dùng vốn đầu tư từ ngân sách để dẫn dắt, khai thác tối đa các nguốn vốn đầu tư ngoài ngân sách, của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”. – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư có hiệu lực thi hành, một số hình thức hợp đồng không còn phù hợp với lĩnh vực và quy mô thu hút theo Luật nên đã bị loại bỏ. Do đó việc thực hiện theo phương thức công – tư cần phải tính toán lại để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn. Sớm nắm bắt để có điều chỉnh hợp lý, trong thời gian từ năm 2020 đến nay, các dự án đầu tư trọng điểm, động lực đang được tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ và phải hoàn thành trong năm 2021 như đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3… và xúc tiến thu hút đầu tư Cảng Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh để dòng vốn ngân sách tiếp tục là “hoa tiêu” khơi thông nguồn lực xã hội. Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, bám sát thực tiễn, đánh giá nhận diện đúng tình hình, có những quyết sách và hành động phù hợp, tỉnh sẽ tính toán căn cơ hơn nữa trong việc lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực (năng lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm thi công, khả năng quản lý…), giúp dự án triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo về chất lượng và thời gian thu hồi vốn. Đồng thời đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin ở tất cả các bước (chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng...) cho tất cả các đối tượng liên quan được biết, theo dõi và kiểm tra, giám sát thực hiện, cũng như tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án PPP, chế tài xử phạt, quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan nhà nước.


Để PPP hoàn thành 5 mục tiêu lớn đặt ra cho giai đoạn 2020-2025 cần sự quyết liệt rất lớn của cả hệ thống chính trị, cần những quyết sách và hành động mạnh mẽ hơn. ”Căn cứ để xác định nhu cầu và tính cấp bách của các dự án PPP là các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh. Vì vậy phải tập trung triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2021. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa nền tảng quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, là cơ sở định hướng và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, do đó cần phải được thực hiện với tiến độ và chất lượng cao nhất”- đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu trong các cuộc làm việc của tỉnh vừa qua.

Bài: Ngọc Lan

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu