20
18
/
1071527
Bài 5: Khẳng định bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu
longform
Bài 5: Khẳng định bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu

 

 

10 năm qua đã đánh dấu nhiều đổi mới của Quảng Ninh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành và nhân dân, Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực; tạo dấu ấn về một Quảng Ninh đổi mới, năng động và sáng tạo.

 

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 (tháng 9/2021), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định, những thành tựu tỉnh Quảng Ninh đạt được trong 5 năm qua là kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của cả Đảng bộ, hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Quảng Ninh đã quyết liệt, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, định hướng của Trung ương, bám sát Cương lĩnh 2011 và đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan. Đồng thời kịp thời vận dụng sáng tạo chủ trương, nghị quyết của Đảng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Thành tựu của Quảng Ninh cũng chính là sự đúc kết các kinh nghiệm, bài học của gần 35 năm đổi mới, hội nhập phát triển, đặc biệt là 10 năm gần đây; là kết quả của việc nghiên cứu, phát huy tiềm năng, thế mạnh, những đặc trưng khác biệt, riêng có của tỉnh, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn, thách thức đã tồn tại lâu dài; là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, tích cực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV
Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV.
 

Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011), 10 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, xem đây là một trong những yếu tố quyết định đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển của tỉnh.

Do vậy, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, đạt được nhiều kết quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng đổi mới nhận thức, tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong việc cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác tổ chức và cán bộ, và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tự phê bình, phê bình và phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí..

Ban Nội chính Tỉnh ủy và Đảng ủy Than Quảng Ninh ký kết quy chế phối hợp về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Phạm Tăng
Ban Nội chính Tỉnh ủy và Đảng ủy Than Quảng Ninh ký kết quy chế phối hợp về
công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Phạm Tăng
 

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã có bước đổi mới quan trọng trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận; lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển, phát huy thế mạnh của địa phương, đơn vị. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, trong đó học tập nghị quyết theo hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã. Phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách.

Thực hiện sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, giữa cấp ủy với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cơ quan, quy chế phối hợp giữa lãnh đạo cơ quan với cấp ủy cơ quan…

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các ứng cử viên thi tuyển chức danh lãnh đạo (1-2020). Ảnh: Đỗ Phương
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các ứng cử viên thi tuyển 
chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (1-2020). Ảnh: Đỗ Phương
 

Cùng với đó, thực hiện sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, khắc phục tình trạng cồng kềnh trong tổ chức bộ máy, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, kém hiệu lực hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Tăng cường cơ chế giám sát của Nhân dân đối với Đảng. Đổi mới quy trình công tác cán bộ nhằm tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch, công tâm trong lựa chọn đội ngũ cán bộ, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, có cạnh tranh, qua đó đã lựa chọn được những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết quả từ năm 2017 đến nay, đối với diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tỉnh đã tổ chức thi tuyển 14 vị trí với 50 ứng viên thi tuyển. Đối với diện Ban Thường vụ cấp ủy huyện, sở, ban, ngành quản lý, đã tổ chức thi tuyển 253 vị trí; sau thi tuyển đã bổ nhiệm 114 đồng chí cấp trưởng, 117 đồng chí cấp phó, vận dụng thi tuyển để bổ nhiệm 13 đồng chí.

Tỉnh cũng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tự phê bình, phê bình và phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường trách nhiệm, tạo chuyển biến trong thực hiện cơ chế nêu gương của người đứng đầu.

Với tiền đề và nền tảng vững chắc từ những thành tựu trong đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã khắc phục yếu kém, khuyết điểm, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp, truyền thống văn hóa và cách mạng, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Đồng thời, phát huy sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường; khát vọng đổi mới và mọi nguồn lực xã hội để phát triển.

Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn thuộc tốp đầu về phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Quảng Ninh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, triển khai bài bản, nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước, vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trở thành một thực tiễn sinh động trong thời kỳ đổi mới. 5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh luôn tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, với mức tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng Quảng Ninh vẫn đạt tăng trưởng hơn 10% - thuộc nhóm cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700USD - gấp đôi mức trung bình cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 doanh nghiệp FDI tại KCN Đông Mai (tháng 11/2020). Ảnh: Đỗ Phương
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
cho 9 doanh nghiệp FDI tại KCN Đông Mai (tháng 11/2020). Ảnh: Đỗ Phương
 

Tỉnh đã kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ có bước phát triển đột phá thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Quảng Ninh là địa phương đi đầu triển khai có hiệu quả hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.

Cùng với đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc. Hạ tầng y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại. Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ, hiện đại, hướng tới mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hạ tầng giao thông Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
Hạ tầng giao thông Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Trong ảnh: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
 

Song song với đó, chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục trong nhiều năm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền địa phương cải thiện rõ rệt: với bước đột phá đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bốn năm liên tục 2017-2020, đứng đầu chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 3 năm liên tục 2017-2019; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) luôn đứng ở nhóm dẫn đầu cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục tiến bộ về điểm số và thứ hạng và nhất toàn quốc năm 2020.

Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội. Tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm ước đạt 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm sâu, từ 4,56% năm 2015 xuống 0,36% năm 2020. Toàn tỉnh có 545 trường chuẩn quốc gia, đạt 85%; xây dựng mô hình giáo dục thông minh tại 66 trường; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 14,8; tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 54,6; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Tỉnh dành 5% tổng chi thường xuyên cho ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt từng bước được đầu tư đồng bộ, đưa vào sử dụng tại Bình Liêu.
Nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt từng bước được đầu tư đồng bộ,
đưa vào sử dụng tại Bình Liêu.
 

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ; nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả được Trung ương ghi nhận và nhiều tỉnh, thành phố tham khảo kinh nghiệm. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Điều quan trọng hơn là Quảng Ninh đã củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bền chặt hơn từ gốc rễ.

Đường lên xã Quảng An (Đầm Hà) được mở rộng trong năm 2020. Ảnh: Thu Nguyệt
Đường lên xã Quảng An (Đầm Hà) được mở rộng trong năm 2020. Ảnh: Thu Nguyệt

Từ nền tảng hiện nay, Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 với quyết tâm hành động xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm. Và tới năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Thực hiện: Hà Chi

Trình bày: Đỗ Quang


>> Bài 4: Đảng gần dân hơn từ những "cầu nối"

>> Bài 3: Từ thực tiễn sinh động đến những mô hình đổi mới

>> Bài 2: Chăm lo khâu "then chốt của then chốt"

>> Bài 1: Xây dựng niềm tin từ sự đổi mới tư duy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu