20
18
/
1057507
Bài 5: Kết nối để Đảng gần dân hơn
longform
Bài 5: Kết nối để Đảng gần dân hơn

 

Đến nay, Quảng Ninh có 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trên cơ sở thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử”. Tỉnh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xong chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là người đứng đầu tại thôn, bản, tổ dân phố. Kết quả này đã khẳng định hiệu quả từ sự đổi mới về tư duy, thống nhất trong hành động của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, thể hiện niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Năm 2015, ông Hà Thanh Hiên, thôn 13, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn đảm nhận chức danh trưởng thôn. Đến năm 2017, với năng lực, trách nhiệm và sự nhiệt huyết trong công tác, ông Hiên được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn bầu là Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn cho đến nay. Trong những năm đảm nhận nhiệm vụ, ông Hiên cũng nhận thấy rõ những bất cập khi trưởng thôn không phải là đảng viên và hiệu quả khi đảm nhận "2 vai" bí thư chi bộ và trưởng thôn. Ông Hiên chia sẻ: Từ thực tiễn công tác của mình tôi thấy, nếu như không nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ và trưởng khu thì vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với nhiệm vụ chính trị của khu có lúc, có việc bị mờ nhạt; không phát huy được vai trò của người đứng đầu. Thêm vào đó, chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung không thể thống nhất được nên quá trình thực hiện có việc chưa sát, thiếu hiệu quả, nhất là việc phát hiện, xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh ở khu dân cư…

Trưởng thôn, bản, khu phố là những người gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của các cấp ủy đảng, chính quyền. Năng lực và hiệu quả hoạt động của trưởng thôn, bản, khu phố tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, TTATXH và xây dựng khối đại đoàn kết ở địa bàn dân cư. Thống kê năm 2016, Quảng Ninh có 186 xã, phường, thị trấn; 1.542 thôn, bản, khu phố, nhưng chỉ có 32,8% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên, tỷ lệ chưa qua đào tạo cao; chỉ có 336 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, chiếm 21,8%.

Qua khảo sát cụ thể của các cấp uỷ trong tỉnh cho thấy, đối với những nơi trưởng thôn chưa là đảng viên sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc tiếp thu, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp trên tại các khu dân cư; sự thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, bí thư chi bộ, của trưởng thôn, bản khu phố chưa cao… Không những vậy, tại một số nơi bí thư chi bộ không đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố khiến vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cấp thôn, bản, khu phố còn hạn chế. Việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN của chi bộ phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương còn thiếu toàn diện, lúng túng, chưa bao quát đầy đủ nhiệm vụ chính trị để trưởng thôn tổ chức thực hiện…

Thẳng thắn nhận diện những khó khăn, tồn tại trên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã sớm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015, của Tỉnh ủy, về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Nghị quyết đã chỉ rõ những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục. Từ thực tiễn đó, ngày 28/12/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”. Trong đó, đặt ra mục tiêu thực hiện 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.

Khi Quảng Ninh quyết định thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi đây là một mô hình mới, ảnh hưởng đến hàng nghìn bí thư chi bộ, trưởng thôn đương nhiệm. Nhưng với quyết tâm chính trị cao nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu "việc gì có lợi cho dân thì làm", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp để gỡ từng “nút thắt”, nhằm thực hiện thành công mô hình này.

Để nhanh chóng triển khai thực hiện, cấp ủy các cấp chủ động kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, bản, khu phố. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, bản, khu phố và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự phù hợp, nhất là với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, bản, khu phố; sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ. Các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, bản, khu phố đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên.

Sau khi hoàn thành việc bầu chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, tỉnh quan tâm mạnh mẽ, cụ thể công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để bảo đảm hiệu quả công việc. Các đảng ủy xã, phường, thị trấn phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách các chi bộ; thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Cùng với đó, yêu cầu các chi bộ xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương cũng tăng cường việc giám sát và phản biện xã hội của nhân dân thông qua MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tránh sự độc đoán, chuyên quyền, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh ban hành các quy định nhằm tạo cơ chế hỗ trợ, động lực triển khai thực hiện mô hình này, như: Phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách thôn, bản, khu phố ở mức cao nhất trong quy định của Chính phủ; thực hiện chính sách trợ cấp 1 lần (mỗi năm 1/2 tháng lương cơ sở) đối với các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bản, khu phố có tổng thời gian 10 năm giữ các chức danh trên mà không vi phạm kỷ luật; biểu dương, khen thưởng những đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu; Ban hành Quy định số 07-QĐi/TU, ngày 20/2/2019 “về việc Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ủy viên ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy xã, phường, thị trấn dự sinh hoạt chi bộ thôn, bản, khu phố”.

Với quyết tâm cao nhất, Quảng Ninh thống nhất và đồng bộ nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với việc bầu trưởng thôn, bản, khu phố. Năm 2016, tỷ lệ trưởng thôn bản, khu phố chưa là đảng viên chiếm hơn 60% thì đến năm 2018, tỷ lệ trưởng thôn bản, khu phố là đảng viên đã đạt 98,53%. Với nhiệm kỳ 2020-2022, Quảng Ninh chỉ đạo đồng loạt thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 5/1/2020; sau đó, đồng loạt tổ chức đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố để bầu bí thư chi bộ vào ngày 18/1/2020. Do vậy, đã hoàn thành mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, trên cơ sở thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử”. Đây là một giải pháp, nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội của toàn dân, mà quan trọng hơn chính là nhằm thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Ngày 5/1/2020, người dân tại 1.542 thôn, bản, khu phố trong của cả tỉnh đã bầu ra trưởng thôn, khu phố theo hình thức dân chủ trực tiếp, người dân gửi gắm niềm tin vào người đại diện của mình. Trong đó, 100% trưởng thôn, bản, khu phố đều là đảng viên. Kết quả này là mình chứng sinh động của ý đảng, lòng dân.

Thực tiễn cũng đã cho thấy, việc thực hiện nhất thể hoá chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngay từ cơ sở. Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố) sẽ sát thực tế, nắm chắc tình hình chính trị, tư tưởng, việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao. Với mô hình này cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận ngay từ việc ban hành nghị quyết đến chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu chi ủy, chi bộ và ban lãnh đạo thôn, khu phố nắm toàn diện tình hình chung, tiếp thu kịp thời sự chỉ đạo của cấp trên, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Qua đó tiết kiệm thời gian hội họp, phát huy tối đa năng lực của người đứng đầu thôn, khu phố, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tạo ra những khoảng trống trong lãnh đạo, điều hành.

 

Đơn cử như, khi làm Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn ở thôn 1, xã Dân Chủ, TP Hạ Long, anh Vi Văn Đạo đã linh hoạt trong việc tổ chức sinh hoạt chi bộ. “Chúng tôi khơi gợi, lựa chọn những vấn đề thiết thực, gần gũi để trao đổi trong các buổi sinh hoạt. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên đồng hành, nắm bắt tư tưởng của bà con trong làng, trong thôn, từ đó cùng vận động người dân thực hiện theo đường lối, chủ trương", anh Đạo bộc bạch.

 

Hay như anh Tằng A Sám, “làm đầu tàu” tại thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu với gần 100% dân số là đồng bào DTTS, anh luôn gần gũi tìm hiểu, nắm bắt đời sống tinh thần của bà con, từ đó nắm bắt và có những hoạt động, biện pháp để tuyên truyền hiệu quả. “Việc gì có lợi cho dân thì mình làm. Ban đầu bà con còn giữ khoảng cách, ít chia sẻ với tôi nhưng bây giờ thì khác rồi, họ đã tin tưởng nên có việc gì họ cũng tìm đến tôi để trao đổi, chia sẻ”- anh Tằng A Sám cho hay.

Với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Chỉ số lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân với Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ 73,3% năm 2016 đã tăng lên trên 96% năm 2019. Công tác phát triển đảng viên được đặc biệt quan tâm, nhất là ở thôn, bản, khu phố có ít đảng viên. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 2.500 đảng viên được các chi bộ thôn, bản, khu phố kết nạp mới….

Từ sự thống nhất ý đảng lòng dân, nhiều chủ trương mới, việc khó phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh đã thực hiện thành công. Nổi bật phải kể đến “Chiến dịch Quang Trung” để triển khai Dự án Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, thu hồi 284,6ha đất, ảnh hưởng tới 535 hộ dân, đồng thời phải di dời ra khỏi vùng dự án 493 ngôi mộ nhưng đã thực hiện trong thời gian chưa đầy 3 tháng. Hay như Chiến dịch "30 ngày đêm" hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ sau 15 ngày triển khai đã thực hiện GPMB; tổng số hộ dân tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng đạt 100% với khối lượng gần 187ha, ảnh hưởng đến trên 1.168 hộ dân tại 5 địa phương. Hay như từ đầu năm 2020 đến nay, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, với mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” và sáng tạo xây dựng mô hình “tổ công tác tự quản tại thôn, bản, tổ dân cư, khu phố” đã góp phần quan trọng trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ngay từ cơ sở, để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả đúng theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Có thể thấy, mặc dù bị tác động không nhỏ của dịch Covid-19, đến nay tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ vững là địa bàn an toàn, chưa để nảy sinh mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, hoàn thành thắng lợi“mục tiêu kép”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 10,05%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19; Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 9,4% so với dự toán TW giao, tăng gần 3% so dự toán HĐND tỉnh giao. An sinh xã hội trên địa bàn được bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri được tăng cường, giải quyết dứt điểm được nhiều vụ, việc phức tạp, kéo dài; đại hội đảng bộ các cấp hoàn thành đúng tiến độ.

Kết quả này đã khẳng định niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh nói chung và đối với hệ thống chính trị ở cơ sở nói riêng, trong đó có đội ngũ trực tiếp, sâu sát nhất với người dân là các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Bài 6: Tăng quyền tự chủ, mở rộng xã hội hóa

Bài: Trúc Linh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu