20
18
/
1056853
Bài 5: Chuyên nghiệp hành chính công – Lan tỏa từ Quảng Ninh
longform
Bài 5: Chuyên nghiệp hành chính công – Lan tỏa từ Quảng Ninh

 

Những năm qua, tinh thần "dám nhìn thẳng sự thật", quyết tâm cải cách hành chính toàn diện, với nhiều mô hình tiên phong, đột phá, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phát triển KT-XH bền vững đã đem đến cho Quảng Ninh nhiều trái ngọt. Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng xác lập, khẳng định vị thế trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiện đại, đem lại niềm tin, sự hài lòng cho doanh nghiệp, người dân.

 

Đề án Xây dựng chính quyền điện tử của Quảng Ninh được triển khai từ rất sớm, từ đó tạo tiền đề quan trọng để hiện đại hóa nền hành chính, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2014. Theo đề án này, các trung tâm hành chính công (HCC) từ cấp tỉnh đến cấp huyện được thành lập nhằm mục đích nâng cao hiệu lực của quản lý Nhà nước trong CCHC, xây dựng nền hành chính phục vụ. Là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình từ trước đến nay chưa có tiền lệ, vì vậy, Quảng Ninh đã nhận định rõ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai và xác định để thành công cần có sự quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Trung tâm HCC tỉnh, chia sẻ: Khi mới thành lập, chúng tôi như người “đi trong bụi rậm” bởi việc xây dựng mô hình trung tâm HCC với cơ cấu bộ máy, biên chế, chế độ, chính sách chưa rõ ràng do các quy định hiện hành của Nhà nước chưa điều chỉnh theo mô hình tổ chức mới này; việc hướng dẫn tại các văn bản pháp luật hoàn toàn chưa có. Quá trình rà soát TTHC của các sở, ngành với rất nhiều nội dung, quy trình chưa phù hợp, việc điều chỉnh, cắt giảm, đưa các thủ tục do ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn gặp hạn chế… Do đó, trong quá trình thực hiện, tỉnh đã chắt lọc kinh nghiệm học tập từ một số nước trên thế giới và trong khu vực, căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh, chỉ đạo triển khai thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, với mục tiêu hàng đầu là hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 997-QĐ/TU ngày 6/3/2013, về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và Trung tâm HCC do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo Đề án được thành lập, Quảng Ninh triển khai thí điểm hai trung tâm HCC cấp huyện ở TP Uông Bí và TP Móng Cái hoạt động theo cơ chế “một thẩm định, một phê duyệt”. Gần 1 năm sau, UBND tỉnh tiếp tục đưa mô hình Trung tâm HCC tỉnh và 5 trung tâm HCC các địa phương: Vân Đồn, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái đi vào hoạt động thí điểm. Đến nay, Quảng Ninh đã xây dựng và hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm HCC cấp tỉnh, 13 địa phương và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại tại các xã, phường, thị trấn để giải quyết thủ tục TTHC. Từ đây, tạo sự đồng bộ, liên kết đến cấp xã gắn với việc xây dựng mô hình một cửa liên thông hiện đại.

Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các trung tâm HCC, các thủ tục hành chính (TTHC) trước khi đưa vào trung tâm đều được rà soát, cắt giảm, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và giảm thời gian giải quyết so với quy định. Quá trình triển khai thực hiện đã tiến hành song song với việc kịp thời rút kinh nghiệm tổng kết thực tiễn. Từ năm 2019, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai con dấu thứ 2 tại trung tâm, quy trình 4 bước tại chỗ được nâng lên thành 5 bước tại chỗ: “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại trung tâm”, tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp và người dân đến giao dịch.

Bên cạnh đó, để triển khai chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh đã ban hành hàng trăm nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kế hoạch quán triệt triển khai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh liên tiếp lựa chọn nhiều chủ đề công tác năm cụ thể, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ hiện đại như: “CCHC và phát triển nguồn nhân lực”, “Tinh giản bộ máy, biên chế”, “Nâng cao hiệu quả quản trị và HCC”, “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính” để triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị.

Quảng Ninh còn là tỉnh tiên phong trên cả nước trong việc quy định áp dụng chữ ký số trong trả kết quả giải quyết TTHC dưới dạng văn bản điện tử tại trung tâm HCC các cấp và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã. Quảng Ninh cũng nằm trong số ít các địa phương đã triển khai sử dụng chứng thư số rộng rãi; liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh; đứng top đầu Việt Nam trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giải quyết TTHC và luân chuyển văn bản điện tử 4 cấp.

Với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng hoạt động, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, Quảng Ninh đã đổi mới mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện định lượng, đo lường đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được về nội dung, mục tiêu cải cách. Năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2020. Theo đó, nội dung khảo sát tập trung vào các yếu tố: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị. Từ đó, người dân có thể đánh giá một cách khách quan nhất đối với chất lượng phục vụ tại các trung tâm HCC cũng như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, các đơn vị đã triển khai đồng bộ các cách thức khảo sát, như: Phát phiếu khảo sát; qua hòm thư góp ý; đánh giá qua hệ thống mạng internet tại địa chỉ website dichvucong.quangninh.gov.vn…

Đáng chú ý, tỉnh cũng thí điểm triển khai những ứng dụng công nghệ ở một số địa phương như thay những bảng hay loa thông báo bằng các ứng dụng điện thoại thông minh. Người dân phát hiện những tồn tại, bất cập tại địa phương có thể phản ánh với chính quyền địa phương qua app cài trong điện thoại... Với những cách triển khai này, người dân, doanh nghiệp có cơ hội được đóng góp tiếng nói vào thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, sự phục vụ của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần quan trọng trong hoàn thiện thể chế hành chính Nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Thực tiễn đã chứng minh, việc từng bước xây dựng, hoàn thiện quy trình hoạt động của Trung tâm HCC cấp tỉnh, trung tâm HCC tại 13 địa phương và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại tại các xã, phường, thị trấn để giải quyết TTHC là dấu ấn đầu tiên của sự đột phá tiên phong trong xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp. Hiện nay đã có 22 sở, ngành, đơn vị thực hiện 5 tại chỗ tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh; ở cấp huyện, có 90-100% TTHC thực hiện nguyên tắc “5 tại chỗ” tại trung tâm HCC cấp huyện. Bộ TTHC của 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) của tỉnh cũng đã được hoàn thiện, chuẩn hóa tại 13 trung tâm HCC cấp huyện, 177 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã với hạ tầng CNTT đồng bộ. Đến nay, trung bình các TTHC đưa vào Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đã được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Thời gian giải quyết được rút ngắn, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở trung tâm cấp tỉnh và 99,9% ở trung tâm cấp huyện..

Không những vậy, 100% cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh hiện đều có mạng LAN. Phần mềm quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh. Hạ tầng công nghệ được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện để các cấp chính quyền trong tỉnh thực hiện thuận lợi, hiệu quả công việc, cũng như đáp ứng cao nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2019, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi nhận tài liệu qua môi trường mạng. Được biết, riêng trong năm 2020, trên 70% người dân, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đã sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là trên 210.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 40%, đây là tỷ lệ đạt cao nhất từ trước tới nay.

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Gần 2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống trong năm 2020, đạt tỷ lệ 99%.

Đáng chú ý, Quảng Ninh là một trong 3 địa phương được Chính phủ lựa chọn để triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Sau 1 năm thực hiện, đến nay, Quảng Ninh đã lựa chọn và hoàn thành chuẩn hóa, kết nối, tích hợp 519/1.522 TTHC, đạt 35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, nằm trong tốp đầu các tỉnh cung cấp dịch vụ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên toàn quốc kết nối liên thông Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần giúp Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành sát sao, hiệu quả.

Những kết quả trên là minh chứng cụ thể cho bước đột phá, đi đầu trong cả nước về công tác CCHC, hiện đại hoá nền hành chính được Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn đánh giá cao và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ. Nhiều địa phương trong cả nước đã đến với Đất mỏ để học tập kinh nghiệm và triển khai nhân rộng cách làm hiệu quả từ điểm sáng Quảng Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, đánh giá: Quảng Ninh là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt với những cách làm hay, sáng tạo, mô hình mới, có tính tiên phong và mang lại hiệu quả tốt trong thực tế. Những nội dung trao đổi của tỉnh Quảng Ninh là kinh nghiệm quý để tỉnh Bình Phước tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, áp dụng vào thực tế địa phương, nhất là việc huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng và thực hiện cải cách hành chính.

Có thể thấy, những đổi mới mạnh mẽ từ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công đến hiện đại hóa hành chính của Quảng Ninh đã và đang tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Năm 2019, Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS của Quảng Ninh đứng đầu toàn quốc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI cũng tăng ngoạn mục vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc.

Và với Quảng Ninh, điều quan trọng nhất mà tỉnh đạt được từ sự tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đó chính là niềm tin, sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, chính quyền. Theo khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện hằng năm đều đạt trên 98%. Quảng Ninh đã xây dựng được hình ảnh của một địa phương năng động với môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, hiệu quả cùng chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền tốt nhất cả nước. Chính vì thế mà sức hút với các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh khá cao so với mặt bằng chung của 63 tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Đức Sáng, Giám đốc Công ty Hoàng Phong, TP Hạ Long, cho biết: Những năm gần đây công tác CCHC của tỉnh đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt là từ khi mô hình trung tâm HCC đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, hiệu quả hơn trong xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cá nhân tôi đánh giá rất cao những nỗ lực, đột phá này của tỉnh. Về phía doanh nghiệp như chúng tôi rất mong tỉnh tiếp tục có những cơ chế tích cực hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa trong triển khai thực hiện các TTHC, nhất là trong lĩnh vực như thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư...

Những chuyển động của Quảng Ninh trong nhiều năm qua về công tác CCHC đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2020, mặc dù tác động trong bối cảnh dịch bệnh nhưng Quảng Ninh vẫn hoàn thành những mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2 con số, thuộc các địa phương có mức tăng trưởng cao trong cả nước. Những kết quả này chính là thông điệp của Quảng Ninh trong việc thực hiện "nhiệm vụ kép": Vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, nhận định: “Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước hiện nay có các chỉ số do các tổ chức, cơ quan uy tín trong nước, quốc tế đánh giá như: PCI, ICT Index, PAR Index, SIPAS, PAPI… đều đạt thành tích cao. Không như các địa phương khác chỉ có thể dồn lực cho một vài chỉ số nhất định…, ở Quảng Ninh, tất cả được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Bởi vậy, tôi nghĩ Quảng Ninh xứng đáng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác; đặc biệt là trong xây dựng mô hình trung tâm hành chính công, cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử”.

Với sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, trọng tâm là cải cách TTHC ở các cấp đã khẳng định hướng đi đúng của Quảng Ninh, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc hướng tới một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại. Đây còn là động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của Quảng Ninh không chỉ trước mắt, mà còn về lâu dài trong xu thế hội nhập và phát triển. Xây dựng chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt nhất là lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng hoạt động, đã, đang và sẽ là một trong những mục tiêu xuyên suốt, được tỉnh quyết tâm, dồn lực thực hiện trong những năm tiếp theo.

Bài 6: Khẳng định vị thế dẫn đầu trên đường đua PCI

Bài: Trúc Linh

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu