20
18
/
1069420
Bài 4: Ghi tên Quảng Ninh trên bản đồ giao thông thế giới
longform
Bài 4: Ghi tên Quảng Ninh trên bản đồ giao thông thế giới

 

Năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong 3 cảng hàng không được Chính phủ lựa chọn để thực hiện trọng trách quốc gia, đón gần 4 vạn chuyên gia, lao động quốc tế và người Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo do dịch bệnh, Vân Đồn đối với người Việt là cảng hàng không của “nghĩa đồng bào”. Còn trên bản đồ giao thông thế giới điểm đến Vân Đồn (Việt Nam) đã được ghi danh khi xuất hiện trên hệ thống bảng hiệu chỉ dẫn quầy làm thủ tục bay ở nhiều sân bay hàng đầu thế giới trong năm 2020.

Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế – Kinh nghiệm và cơ hội, các giáo sư của Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) tham dự hội thảo đã chia sẻ câu chuyện của Trung Quốc khi xây dựng đặc khu kinh tế Hạ Môn hơn 20 năm trước đã ưu tiên làm sân bay trước, nhờ vậy mà Hạ Môn đã có được bước nhảy đón đầu phát triển mạnh hơn. Khi đó nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm tham dự hội thảo cũng chia sẻ quan điểm: Đừng lo làm sân bay lãi hay lỗ mà phải biết lấy cái lãi tổng thể bù cho cái lỗ cụ thể như vậy mới có được đột phá.

“Lúc đó quan điểm làm đường cao tốc trước hay làm cảng hàng không trước đã được bàn thảo rất kỹ lưỡng. Làm đường mất khoảng 12.000 tỷ đồng, làm cảng hàng không mất khoảng 7.000 tỷ đồng nhưng ngay bên cạnh Quảng Ninh đã có cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng). Băn khoăn, nhiều ý kiến, nhiều quan điểm nhưng người đứng đầu tỉnh lúc đó đã rất quyết đoán “làm cảng hàng không trước” để mở cánh cửa bầu trời Quảng Ninh ra thế giới” – Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

“Chúng ta quyết tâm bỏ ra hơn 7.000 tỷ đồng làm sân bay Vân Đồn theo hình thức đối tác công -tư, trong đó vốn nhà nước tham gia hơn 500 tỷ đồng làm công tác giải phóng mặt bằng” – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho biết.
 

Quảng Ninh mất hơn 60 ngày đêm để thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế mà không phải thực hiện cưỡng chế một trường hợp nào. Với chiến dịch giải phóng mặt bằng mang tên “Chiến dịch Quang Trung” đã chứng minh ý chí, quyết tâm, khát vọng của tỉnh Quảng Ninh, đó là cất cánh, mở cửa bầu trời ra với thế giới. Và cũng trở thành khởi nguồn để Quảng Ninh tự tin hoàn thành chiến dịch “30 ngày đêm giải phóng mặt bằng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái” trong 15 ngày, nền tảng cho thực hiện thành công chiến dịch thi công 500 ngày đêm hoàn thành tuyến cao tốc đến điểm cuối cùng của tỉnh. Nhiều chuyên gia đánh giá đây không chỉ là kỳ tích của tỉnh Quảng Ninh, mà còn là bài học kinh nghiệm rất quý với nhiều địa phương khác.

Không đợi 20 năm để chứng minh quyết định sáng tạo, đột phá làm sân bay trước hay làm đường cao tốc, mà chỉ cần sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, ngày 30/12/2018 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức vận hành với quy mô của sân bay cấp 4E, có đường cất hạ cánh dài 3,6km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320. Năm đầu tiên đi vào hoạt động (2019) Cảng đón hơn 1.790 chuyến bay cất hạ cánh, trong đó có 117 chuyến bay quốc tế. Tổng lượng khách qua sân bay đạt hơn 235.000 lượt. Năm 2020, Cảng thực hiện trọng trách quốc gia, phục vụ đón an toàn hơn 180 chuyến bay đặc biệt với hơn 40.000 hành khách là chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam về nước do đại dịch Covid-19.

Sau 2 năm đưa vào khai thác, vận hành, “lãi” mà Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đem lại theo đánh giá của các chuyên gia đó chính là góp phần rất quan trọng cho Quảng Ninh quyền được lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư chiến lược. Danh tiếng trên bản đồ giao thông thế giới khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được ghi tên là điểm đến, điểm khởi hành trên hành trình của các nhà tỷ phú, các du khách quốc tế, đã mang lại những giá trị hình ảnh to lớn cho Quảng Ninh.


“Sungroup đã đầu tư tại Quảng Ninh hơn 6 năm qua. Chúng tôi có các dự án đầu tư chiến lược tại đây, với tổng số vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đó đều là những dự án, công trình được đánh giá là mang diện mạo, tầm vóc mới cho địa phương. Đặc biệt với các dự án hạ tầng giao thông mang tầm quốc tế đã được hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long- Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... Nhà nước – Nhà đầu tư đồng hành mang lại những giá trị phát triển thực sự cho mỗi vùng đất, chúng tôi tự hào đã góp công ghi tên Quảng Ninh trên bản đồ giao thông thế giới.” – ông Phạm Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sungroup cho biết.

Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước khẳng định, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 10,7%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành), gấp 1,86 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo.



“10 năm có được cả sân bay, đường cao tốc, cảng biển quốc tế, đó là giấc mơ có thật của chúng ta, là niềm tự hào và là thành quả của quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, giao thông đi trước một bước, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giao thông là mạch máu của tổ chức” ”. – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nói.

“Trước khi đến Quảng Ninh, chúng tôi đã có những dự án đầu tư rất chiến lược và trọng điểm ở các tỉnh, thành phố khác nhưng Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa ra phương án công – tư để làm cảng hàng không quốc tế tại Vân Đồn. Chúng tôi bắt ngay ý tưởng này và quyết tâm làm cảng hàng không quốc tế tư nhân đầu tiên ở Việt Nam cũng bởi bị cuốn ngay vào luồng tư duy đổi mới này, cùng chia sẻ tầm nhìn, chia sẻ giá trị”. – Ông Phạm Hùng, Phó Tổng Giám đốc Sungroup chia sẻ.
 

Đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm là trên 53% tổng chi NSĐP và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014 - 2020, đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ... Hệ thống kết cấu hạ tầng được ưu tiên đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa đã thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch và tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.

Kinh nghiệm đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu. Lấy "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công- tư và xã hội hoá, ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa đã cho Quảng Ninh một sự lột xác ngoạn mục trên mọi phương diện, trong đó hạ tầng giao thông là hình ảnh sinh động nhất.

Bài: Ngọc Lan

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu