20
18
/
1018583
Bài 4: Động lực cho tăng trưởng quốc gia
longform
Bài 4: Động lực cho tăng trưởng quốc gia

 

Trong suốt hơn 30 năm đổi mới cùng đất nước, đặc biệt trong 1 thập kỷ qua, Quảng Ninh luôn vận động không ngừng, với tư duy và tầm nhìn đổi mới, nỗ lực vươn lên từng ngày, bám sát và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối, gắn với quá trình phát triển lý luận về con đường đi lên CNXH của Đảng. Điều này thể hiện ở việc kiên trì các mục tiêu lâu dài, phù hợp với đặc điểm thực tiễn, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa, góp phần vào thực hiện các mục tiêu lớn của Đảng.

Từ “chiến lược xanh” đã đem đến cho Quảng Ninh những “kết quả xanh”, được đong đếm, định lượng rất rõ ràng cụ thể, khẳng định sức bật của địa phương. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 9,2%/năm, giai đoạn 2016-2019 đạt 10,9%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước: Giai đoạn 2016-2019 đạt gần 163.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 72%. Quy mô nền kinh tế năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 6.135 USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011, cao gấp đôi bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: Năm 2019, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 45,88%, công nghiệp chiếm 48,1%, nông nghiệp chiếm 6,02%. Đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền được nâng lên rõ rệt, từ 73,3% năm 2016 lên 96,1% năm 2019.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm qua của Quảng Ninh luôn duy trì vị trí cao: Năm 2016 đạt vị trí thứ 2; trong 3 năm liên tiếp (2017-2019) giữ vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố cả nước; 7 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được tăng lên; nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, tìm hiểu cơ hội, mở rộng đầu tư phát triển các dự án trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp. Trong 5 năm có 9.344 doanh nghiệp được thành lập mới, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 22.000 doanh nghiệp; cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 179 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 89.087 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm ước đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 11,3%/năm. Hiệu quả đầu tư không ngừng được cải thiện, chỉ số ICOR (hệ số sử dụng vốn) từ 8,03 giai đoạn 2011-2015 giảm còn 4,34 giai đoạn 2016-2019.

Một hình ảnh Quảng Ninh hoàn toàn mới về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ, xã hội đồng bộ, hiện đại, được nhân dân, nhà đầu tư tin tưởng, ghi nhận và tìm đến. Với tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 160.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group, FLC, CEO, BIM Group, Tuần Châu Group, TH, Amata (Thái Lan), Texhong (Hồng Kông, Trung Quốc), Yazzaki (Nhật Bản)… đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số vốn đầu tư trong nước, trực tiếp nước ngoài cao của cả nước. Những động lực phát triển mới trên bức tranh kinh tế của Quảng Ninh ngày càng nổi bật hơn, thế mạnh về du lịch, dịch vụ được khơi thông hiệu quả hơn để phát triển.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%...

Năm 2019, Quảng Ninh thực hiện "cuộc sáp nhập lịch sử" huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, trở thành địa bàn cấp huyện có quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc lớn nhất cả nước. TP Hạ Long mới sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên có một không hai; tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt, gắn với thương hiệu nổi tiếng Vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc; mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh chóng, bền vững và nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới. Qua đó, tạo được không gian cho sự phát triển của thành phố xứng tầm của một đô thị du lịch biển đẳng cấp của cả nước và là mũi nhọn, cực tăng trưởng về kinh tế, bước đột phá mới của tỉnh, sớm đưa tỉnh hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Nhìn lại hành trình sau gần 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực phát triển mới.

Tháng 5/2020, Quảng Ninh được Chính phủ chọn là địa phương để tuyên bố chính thức khởi động lại thị trường du lịch nội địa sau thời gian giãn cách xã hội quy mô toàn quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh ngày 24/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Quảng Ninh chính là hình mẫu về chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các địa phương trong cả nước. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Quảng Ninh thời gian gần đây cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ của “vàng đen” với sự đầu tư phát triển của ngành Than theo hướng sử dụng công nghệ mới, hiện đại trong khai thác, chế biến; mà còn của “vàng xanh”, chính là sự bứt phá về du lịch dịch vụ với việc đầu tư các địa điểm du lịch nổi tiếng theo hướng quy mô, xanh, sạch, đẹp. Đưa Quảng Ninh trở thành địa điểm nổi tiếng của Việt Nam về du lịch.

Thủ tướng kỳ vọng: Từ những kết quả đạt được, tỉnh cần tiếp tục không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để có những kết quả cao hơn, mới hơn, tiếp tục đóng góp cho Trung ương nhiều hơn nữa. Trong đó, cần khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nắm lấy trách nhiệm tiên phong, đi đầu trong phát triển thời gian tới. Qua đó, không chỉ là trung tâm phát triển của vùng Đông Bắc, mà phải là trung tâm phát triển của phía Bắc cả nước; là phên dậu vững chắc giữ gìn non sông, bờ cõi; là động lực vững chắc đóng góp cho hưng thịnh quốc gia.

Cùng với việc đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được, tỉnh cũng đã nhìn nhận rõ những mâu thuẫn, thách thức đặt ra ở giai đoạn tiếp theo. Điển hình như: Mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được giải phóng toàn diện với một số thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa yêu cầu phát triển với các nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất; mâu thuẫn giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và tác động của đại dịch Covid-19 chưa lường hết được; thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu;…

Quảng Ninh đang ở những mốc thời gian cuối cùng của lộ trình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020. Những thành quả mà các thế hệ lãnh đạo, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xây dựng nên là niềm tin, hy vọng trong nhiệm kỳ mới. Những thời cơ và cả những thách thức mới đòi hỏi tiếp tục có sự quyết tâm, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, kiên trì với những mục tiêu chiến lược đã đặt ra, để Quảng Ninh vươn tới những tầm cao mới.

Bài: Hồng Nhung;

Ảnh: Minh Đức - Hùng Sơn - Đỗ Phương;

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu