Là một trong 3 địa phương thuộc “vùng lõi” của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hải Phòng và Hà Nội, Quảng Ninh ngày càng thể hiện xuất sắc vai trò là một cực tăng trưởng phía Bắc, một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Có được kết quả đó, trong chiến lược phát triển của mình, Quảng Ninh xác định, không chỉ tập trung phát triển nội tỉnh mà phải tăng cường mở rộng liên kết vùng. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH của Quảng Ninh cũng như các tỉnh trong vùng cùng phát triển.
Với những chiến lược phát triển khác biệt để bền vững, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn thuộc top đầu của cả nước về tăng trưởng kinh tế. Nhìn lại 5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh đã cho thấy giai đoạn tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm. Riêng năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn đạt tăng trưởng hơn 10%, điều tiết ngân sách về trung ương hàng chục nghìn tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700 USD, gấp đôi mức trung bình cả nước.
Bà Ngô Thị Luận, 75 tuổi, sinh ra và lớn lên tại TP Hạ Long, phấn khởi chia sẻ: “Tỉnh nhà giờ đổi mới quá! Nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi, nhất là tuyến đường bao biển tuyệt đẹp. Từ khi có tuyến đường cao tốc, tôi đi Hải Phòng, Hà Nội thăm con cháu rất thuận lợi, nhanh chóng”. Đây cũng chính là cảm nhận của tất cả người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách khi đến với Hạ Long và Quảng Ninh hôm nay.
Để đạt được những thành tựu đó, Quảng Ninh đã xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ khối tư nhân để phát triển. Với những nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, Quảng Ninh không chỉ là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành công trong thu hút đầu tư tư nhân mà còn 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) đứng đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đặc biệt ấn tượng với Quảng Ninh. Ông đánh giá tỉnh là điểm sáng của môi trường đầu tư kinh doanh, của sự tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước. Ông cho rằng tiềm năng lợi thế chỉ là điều kiện cần, nhưng để phát huy được thế mạnh thì cần điều kiện đủ là một hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, khi đó sẽ thu hút được nguồn lực cho phát triển.
Từ năm 2013, trong điều kiện khung pháp lý về đầu tư công - tư chưa đầy đủ, tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu và đi đầu một số mô hình đầu tư mới, nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân. Trong đó phải kể đến là thí điểm đầu tư theo các hình thức: “đầu tư công - quản lý tư” (Nhà nước bỏ vốn đầu tư, giao cho đơn vị có đủ năng lực để quản lý, khai thác); “đầu tư tư - sử dụng công” (nhà đầu tư bỏ vốn, Nhà nước thuê lại)... Quảng Ninh không trông chờ vào nguồn ngân sách từ Trung ương mà đã chủ động, mạnh dạn huy động nguồn lực đầu tư tư nhân để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, FLC… đã góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh với hàng loạt các công trình động lực ở nhiều lĩnh vực. Một trong những nhà đầu tư chiến lược tại Quảng Ninh là Sun Group đã song hành với tỉnh, đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển cả 3 đường “không-thủy-bộ” với các công trình điển hình như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam); tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cả những công trình quan trọng khác vẫn đang được triển khai như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Mặc dù tích cực thu hút đầu tư, nhưng Quảng Ninh không chấp nhận làm ồ ạt mà xác định rõ mục tiêu thu hút theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Song song với đó là đa dạng hoá các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ trọng của vốn FDI vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng; chủ động đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế…
Với cách làm đó, trong gần 10 năm qua, một đồng vốn từ ngân sách đã hút 8-9 đồng vốn từ xã hội để phục vụ mục tiêu phát triển. Chỉ trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt kỷ lục là 340.000 tỷ đồng. Và quan trọng hơn, Quảng Ninh đã khẳng định được thương hiệu vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động nhất cả nước, tạo ra nhiều mô hình, cách làm đột phá, đổi mới, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn lại hành trình sau gần 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực phát triển mới.
Từ nền tảng hiện nay, Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 với quyết tâm hành động xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD/năm. Và tới năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký, để đạt được những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định 4 quan điểm, định hướng lớn, 5 nhiệm vụ trọng tâm, ba khâu đột phá và 15 đề án, chương trình trọng điểm…Cùng với đó toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, chủ động hóa giải các nguy cơ, năng động, tự lực, tự cường với khát vọng đổi mới, sáng tạo, phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025, và hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045.
Trước mắt, bên cạnh quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ KT-XH đặt ra cho năm 2021, và những năm tiếp theo, Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu trước năm 2030 xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Mặt khác, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo, linh hoạt, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động tìm tòi, đề xuất cơ chế, chính sách, nhờ đó đạt được những kết quả hết sức quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa; tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, khu vực miền Bắc nói chung và cả nước.
Bài 4: Thiên nhiên - Con người - Văn hóa – Thế chân kiềng phát triển bền vững
Hoài Anh
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()