Không chỉ đưa các đề án, mô hình hiệu quả vào thực tiễn, đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị của Quảng Ninh còn thể hiện qua sự đổi mới tư duy lãnh đạo, nâng cao tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ. Từ đó, tạo động lực giúp Quảng Ninh đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh. Những thành quả này đã khẳng định rõ sự quyết tâm của Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương Đảng với cách làm hết sức sáng tạo, đổi mới và mang tính đột phá.
Trong các cuộc làm việc với tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nhận định Quảng Ninh luôn vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chỉ đạo, định hướng của Trung ương gắn với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh cũng như các địa phương, các ngành luôn nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao chất lượng dự báo; phát hiện, đánh giá, lựa chọn đúng vấn đề quan trọng cần giải quyết; các chủ trương, chính sách vừa đáp ứng nhu cầu bức thiết vừa có tầm nhìn dài hạn, không bị hạn chế bởi “tư duy nhiệm kỳ”.
Tại chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh vào tháng 4/2019, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đề ra. Nhiều lĩnh vực đã tạo sự đột phá cho tỉnh, cho vùng và tạo kinh nghiệm cho cả nước, mở ra hướng phát triển mới về kinh tế - xã hội của tỉnh. Đảng bộ tỉnh là tổ chức Đảng mạnh, luôn đoàn kết, thống nhất cao, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Năng lực lãnh đạo, nhất là các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với sự quyết tâm, quyết liệt, cẩn trọng.
Nhận diện đúng thực trạng của tỉnh, Quảng Ninh đã luôn chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương bằng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình, hệ thống quy chế, quy định, quy trình để tổ chức thực hiện theo từng nội dung cụ thể; đề ra các chủ đề công tác năm; xây dựng và nhiều lần sửa đổi quy chế, quy định nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ trách nhiệm; lựa chọn đúng trọng tâm, đảm bảo tính khả thi, đột phá; coi trọng lấy ý kiến tham gia, phản biện, góp ý; chú trọng triển khai, giám sát, sơ tổng kết. Đội ngũ cán bộ của tỉnh tích cực đổi mới lề lối, phong cách làm việc, gương mẫu và sâu sát thực tế, sẵn sàng đối diện với những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, trăn trở, quyết đoán, quyết liệt trong xử lý các vấn đề phức tạp cản trở bước tiến của tỉnh.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy ở Quảng Ninh được thực hiện với phương châm hướng mạnh về cơ sở, tăng cường phân cấp, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng tổ chức cơ sở đảng; quá trình chỉ đạo bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo đối với chính quyền đảm bảo đúng thẩm quyền, không bao biện làm thay, nhất là thông qua mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có điều kiện và 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai các chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, ngân sách, tài sản công; cải cách hành chính... Đặc biệt quan tâm lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị toàn tỉnh, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có đủ phẩm chất và năng lực thực thi có hiệu quả nhiệm vụ được giao gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng kiểm tra, giám sát khâu tổ chức thực hiện. Đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; tăng cường nắm cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc.
Tinh thần trách nhiệm và sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng việc nêu cao vai trò gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Quy định số 28-QĐ/TU, ngày 25/4/2019), trong đó, quy định rõ 07 nhóm nhiệm vụ phải gương mẫu đi đầu, 07 nhiệm vụ phải kiên quyết chống nhằm phát huy vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên.
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và đồng chí Bí thư các huyện, thị, thành uỷ, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trên tinh thần không cam kết các nội dung chung chung mà định hướng, “đặt hàng” 3-4 đầu việc cụ thể, cấp bách nổi lên của Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị cần tập trung giải quyết bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm tương tự như ở tỉnh, tạo ra hiệu ứng lan tỏa và đạt kết quả rõ nét, trước hết là sự chuyển động thực sự về kỷ cương kỷ luật, về tính chịu trách nhiệm của lãnh đạo các cấp các ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Gắn trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, quyết liệt hơn; khắc phục đùn đẩy trách nhiệm; tạo sự tiến bộ vượt bậc
Cùng với đó, Tỉnh ủy đã chú trọng xây dựng, kịp thời bổ sung quy hoạch cán bộ bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ; luân chuyển cán bộ có hiệu quả. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh luân chuyển, điều động 3.349 lượt cán bộ (Cấp tỉnh: 117 trường hợp; cán bộ diện BTV các huyện, thị, thành uỷ và sở ban ngành quản lý: 3.232 trường hợp). Đến nay, 100% các trường hợp đều phát huy tốt vai trò nhiệm vụ. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm dân chủ, minh bạch trong bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển cạnh tranh; đổi mới cách thức kiểm điểm, đánh giá cán bộ, gắn với nêu gương tự phê bình. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử 1.813 trường hợp (trong đó cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 199 trường hợp; cán bộ diện Ban thường vụ các cấp uỷ, sở ban ngành quản lý: 1.614 trường hợp); tổ chức thi tuyển được 8 vị trí diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (tổng số 33 ứng cử viên dự thi), 155 cán bộ cấp phòng.
Đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Chính vì thế, TP Hạ Long luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.
Cùng với việc nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, thành phố tích cực chỉ đạo, phối hợp triển khai tới các chi bộ, cơ quan, phòng ban, đơn vị trực thuộc, tham mưu cho thành phố ban hành nhiều văn bản về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các phòng ban, đơn vị sự nghiệp và UBND các phường, xã. Nhờ đó hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Mỗi cán bộ đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của mình, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Song song với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng. Thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết liệt, triển khai nghiêm túc các giải pháp; đặc biệt là tăng cường phát huy dân chủ, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề mang tính chất nhạy cảm, phức tạp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của của nhân dân. Điều này được thể hiện cụ thể, rõ nét ở hàng loạt các nội dung công việc mà tỉnh đã quyết liệt triển khai thời gian qua, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.
Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, Quảng Ninh đã yêu cầu lãnh đạo các cấp ủy, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc. Trong đó, tiếp tục quán triệt và quản lý cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành thời giờ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Với tinh thần “cái gì có lợi cho dân thì phải kiên quyết làm”, Quảng Ninh đã quyết tâm thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình, tăng cường tự chủ nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Quyết tâm này đã lan tỏa từ tỉnh đến các ban, ngành, địa phương, cơ sở, mang đến sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của hệ thống chính trị cũng như trong tư duy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch với tầm nhìn dài hạn. Điển hình là định hướng không gian phát triển, quy hoạch theo hướng “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cho phù hợp với tình hình; xây dựng thành phố Hạ Long sau nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ xứng đáng là hạt nhân, đầu tàu của toàn tỉnh. Đồng thời, phát triển tuyến phía Tây của tỉnh với trọng tâm là khu kinh tế ven biển Quảng Yên và tuyến đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều để tạo ra động lực tăng trưởng mới, mở ra không gian phát triển đột phá của Vùng tận dụng tối đa ưu thế hạ tầng thúc đẩy liên kết mạnh với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng duyên hải sông Hồng.
Quảng Ninh được bạn bè trong và ngoài nước biết đến không chỉ là trung tâm sản xuất công nghiệp, khai thác sản xuất, chế biến, kinh doanh than, nhiệt điện như trước đây mà là một trong những trung tâm du lịch quốc tế. Năm 2019, tỉnh đã thu hút hơn 14 triệu lượt khách, trong đó có 5,75 triệu lượt khách quốc tế, gắn kết phát triển du lịch dịch vụ với kinh tế biển; là tỉnh duy nhất trong cả nước có 4 thành phố và tỷ lệ dân số đô thị đến nay đạt 64%, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Là tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, đi đầu với những mô hình mới đột phá thành công trong cải cách hành chính mà khâu đột phá là trung tâm phục vụ hành chính công thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị toàn tỉnh, tinh giản biên chế nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kiên trì thực hiện phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", thúc đẩy mô hình đối tác công - tư huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động như Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã mở ra những thời cơ và vận hội mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng và đất nước. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nhằm tăng cường toàn diện năng lực kết nối liên tuyến, liên vùng, quốc tế để thu hút đầu tư, đẩy mạnh giao thương tạo động lực thúc đẩy tuyến phía Đông gắn với hai khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái phát triển nhanh hơn.
Quảng Ninh cũng là nơi đi đầu triển khai thành công chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được Chính phủ nhân rộng ra cả nước. Quảng Ninh còn là địa phương điển hình đang thực hiện thành công quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện, liên tục trong 3 năm 2017, 2018, 2019 dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (ParIndex), thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh trong những năm gần đây với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược của những thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế.
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn luôn được chăm lo đảm bảo. Sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm có bước tiến bộ vượt bậc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao và cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đến hết năm 2019 chỉ còn 0,52%. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 54,6 giường (gấp đôi bình quân chung của cả nước). Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm năm địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, đến hết năm 2019 đã có 5 đơn vị cấp huyện và 94/111 xã đạt tiêu chí NTM; xã Việt Dân (Đông Triều) là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong cả nước. Tỉnh đã hoàn thành Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, về đích trước 1 năm so với kế hoạch.
Ngọc Lan - Bảo Bình
Trình bày: Tất Đạt
Bài 4: Để đạt những mục tiêu cao hơn, đồng bộ, toàn diện hơn
Ý kiến ()