20
18
/
1057982
Bài 3: Cơ quan khối từ xã lên huyện – Giải pháp mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội
longform
Bài 3: Cơ quan khối từ xã lên huyện – Giải pháp mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội

 

 

Bằng việc tiên phong thực hiện mô hình Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là Cơ quan Khối), tỉnh Quảng Ninh đã tạo được sự đổi mới rõ nét trong nội dung, phương thức hoạt động của đồng thời cả MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, giúp khắc phục nhiều mặt hạn chế còn tồn tại. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng để tập hợp lực lượng trong xã hội, mở rộng dân chủ, xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) có 1 sự tương đồng về chức năng nhiệm vụ, đó là đều đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp, thành phần, lực lượng đa dạng trong xã hội, như: Thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, công nhân lao động, nông dân... Các tổ chức dù đều hoạt động độc lập theo tôn chỉ, điều lệ riêng của mình, nhưng có điểm chung trong chức năng tuyên truyền, vận động, trong tham gia giám sát, phản biện. Bởi đều hướng tới một mục tiêu là đại diện, bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Chính vì có điểm chung nên trong quá trình hoạt động, có nơi, có lúc đã xảy ra tình trạng các tổ chức có thể sẽ tác động lên cùng một đối tượng nhiều lần dù vẫn chỉ có 1 nội dung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ. Hoặc có một số hoạt động, phong trào với mục đích tương tự nhau triển khai cùng tại một địa phương, đơn vị, dẫn đến sự lãng phí trong hoạt động của các tổ chức, thậm chí là gây phiền toái cho cả người dân... Đó còn là khi bộ máy chưa được tối ưu hóa khiến cho sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức hiệu quả còn thấp, chưa thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ chung.

Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh đã mạnh dạn đề xuất và được Ban Bí thư Trung ương đồng ý cho thí điểm thực hiện việc sử dụng cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện. Sau khi được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Quyết định số 44-QĐ/TU ngày 30/11/2015 “Phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện”.

Ngay sau khi ban hành quyết định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tổ chức hội nghị nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm chính trị của cả cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tỉnh ủy có hướng dẫn cụ thể, sát sao để xây dựng mô hình cơ quan khối với các tiểu ban giúp việc chung, phân công trách nhiệm, xây dựng quy chế vận hành, chế độ chi tiêu tài chính chung. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác trực tiếp làm việc với từng địa phương để nắm tình hình, tổng hợp khó khăn, phân tích kỹ các yếu tố tác động, tìm cách tháo gỡ. Ban Dân vận Tỉnh ủy được giao chủ trì việc theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình thực hiện, hướng dẫn MTTQ thực hiện vai trò phối hợp và thống nhất hành động (theo Điều 9 Hiến pháp)…

Cơ quan Khối được chia thành các tiểu ban, gồm: Tuyên truyền – Vận động, Kiểm tra – Giám sát; Dân chủ - Pháp luật; Văn phòng. Thủ trưởng cơ quan là người giữ chức danh Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tương ứng. Các Phó Trưởng khối là những thủ trưởng của các tổ chức CT-XH còn lại trong cùng cấp. Cơ quan Khối còn áp dụng quy chế phối hợp hoạt động theo nguyên tắc “9 chung, 14 chia”.

Các Tiểu ban và Văn phòng khối tham mưu cho cơ quan khối ban hành các hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo hướng đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triên kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Trong hoạt động của cơ quan Khối, công tác tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả; tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ và các đoàn thể CT-XH, tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền, vận động, tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ công tác hằng năm và chủ đề công tác hằng năm; tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương và các ngành; phối hợp tuyên truyền đấu tranh, phòng ngừa ngăn chặn các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình "Tổ nhân dân tự phòng, tự quản, tự hòa giải giữ gìn an ninh trật tự"....

Huyện Đầm Hà đã thực hiện mô hình Cơ quan Khối cấp huyện đến nay được 3 năm. Ông Nềnh Quốc Sinh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Thủ trưởng Cơ quan Khối huyện, khẳng định rằng hoạt động theo mô hình này đã tạo được những dấu ấn đổi mới nổi bật. Điển hình nhất có thể thấy như trong nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đã được MTTQ và các tổ chức CT-XH phối hợp rất nhịp nhàng, bài bản.

Như khi thực hiện Chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành GPMB dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh trong năm 2020 vừa qua, Cơ quan Khối huyện Đầm Hà đã đề ra kế hoạch, nêu rõ tình hình thực trạng, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp triển khai, tiến độ thực hiện theo giai đoạn cụ thể. Từ đó làm cơ sở để xây dựng phương án tối ưu nhất: Đồng chí Thủ trưởng Cơ quan Khối – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện phụ trách chỉ đạo chung. Các đồng chí lãnh đạo các tổ chức CT-XH được chia ra đảm nhận phụ trách 4 tổ công tác tương ứng với 4 xã mà đường cao tốc đi qua. Các tổ liên tục xuống cơ sở, nắm tình hình trực tiếp tại từng hộ dân có liên quan để tuyên truyền, vận động. Cũng thông qua các tổ công tác để tiếp thu kịp thời, đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các hộ dân, tổ chức; giúp cho cấp ủy kịp thời có phương án giải quyết thấu tình, đạt lý.

Vậy là với cách làm này đã giúp phát huy tối đa hiệu quả công việc. Cả 6 tổ chức đều tham gia tuyên truyền, vận động, giám sát cùng 1 nội dung, nhưng không hề chồng chéo lẫn nhau về đối tượng, địa bàn. Lại đồng thời phối hợp chặt chẽ, cùng rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, tránh cách làm hình thức. Đối với người dân, tránh được tình trạng phải bối rối vì phải tiếp quá nhiều kênh vận động liên tục, giúp dễ dàng hơn trong hiểu sâu các nội dung được truyền tải. Khi có thắc mắc, kiến nghị, phản ánh, họ cũng chỉ cần đến gặp đúng 1 “đầu mối” duy nhất là đã có thể nhận được sự hỗ trợ của tất cả các tổ chức có liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chomình. Nhờ cách làm này nên chỉ sau 2 tuần triển khai, phần lớn các địa phương nơi tuyến đường đi qua đã hoàn thành bàn giao mặt bằng về đích trước thời hạn, góp phần vào thắng lợi của toàn Chiến dịch.

Tại TP Hạ Long, việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cũng được gộp chung vào thành 1 chương trình của Cơ quan Khối chủ trì tổ chức, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian cho các đại biểu tham dự. Như vào tháng 10/2020, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể ở các phường, xã của thành phố đã cùng tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chung. Thay vì trải dài, lặp lại ở từng tổ chức thì với cách làm này, chỉ trong thời gian 2 ngày, các đại biểu được bồi dưỡng đầy đủ 3 nội dung chuyên đề: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; công tác giám sát, phản biện, tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

Bà Phạm Thị Thu Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hoành Bồ (TP Hạ Long), cho rằng: Tham gia bồi dưỡng chung giúp việc chỉ đạo, điều hành, quán triệt từ thành phố tới cấp xã được thống nhất, vừa bớt dày đặc. Các cán bộ cơ sở cũng được thảo luận rộng rãi, học hỏi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ, giúp gắn lý luận với thực tiễn nhằm áp dụng hiệu quả kiến thức, kinh nghiệm từ học tập vào quá trình công tác tại đơn vị mình sau tập huấn.

Kết quả thực tiễn qua các năm đã khẳng định, Cơ quan Khối đã không chỉ dừng lại ở một mô hình thí điểm có hiệu quả về giảm được cấp trung gian, giảm biên chế, tiết kiệm đáng kể được chi thường xuyên; đồng thời vẫn đảm bảo việc thực hiện rất tốt các nhiệm vụ chính trị theo quy định, điều lệ của tổ chức mình, đúng với tính chất và chức năng trong hệ thống chính trị. Mà đây còn trở thành một trong những đấu ấn của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bài 4: Nông thôn mới và OCOP dẫn đường

Thực hiện: Hoàng Giang

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu