Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012), Quảng Ninh đã cụ thể hoá giải pháp, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, ưu tiên công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch làm nền tảng cho tăng trưởng xanh; xây dựng các nghị quyết trọng điểm, dài hơi về phát triển dịch vụ, du lịch trên cơ sở tận dụng, khai thác tối đa vị trí, địa lý chiến lược của tỉnh.
Nhận thức những điểm bất cập trong quá trình phát triển có nguyên nhân quan trọng là do các quy hoạch của địa phương còn chồng chéo, thiếu tính bền vững, gây lãng phí nguồn lực đất đai, từ năm 2012, Quảng Ninh bắt đầu tính đến xây dựng những quy hoạch chiến lược tổng thể, bài bản. Với cách tiếp cận mới, tỉnh đã được Trung ương chấp thuận để thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài xây dựng các quy hoạch. Đây cũng là lần đầu tiên, một địa phương phối hợp các tập đoàn tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới tiến hành xây dựng quy hoạch.
Các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như: McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)... đã cùng tỉnh lập 7 bản quy hoạch chiến lược, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Ninh; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Quảng Ninh đã huy động 237 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa cho công tác lập quy hoạch. Các quy hoạch đều có sự tham vấn, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành thẩm định, HĐND tỉnh phê duyệt. Thời điểm năm 2012, sự đổi mới, thay đổi trong công tác quy hoạch của Quảng Ninh đã tạo nên một làn sóng mới, được Chính phủ và nhiều địa phương trong nước quan tâm, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự hào hứng.
Ngày 13/9/2014, UBND Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố 7 quy hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và công bố danh mục 48 dự án động lực mới. Các quy hoạch được xây dựng với mục tiêu chiến lược bám sát không gian phát triển của tỉnh là “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá”, nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, nêu bật thế mạnh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
PGS, TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời điểm đó), đã khẳng định: 7 bản quy hoạch mà tỉnh Quảng Ninh chính thức công bố với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thể hiện quyết tâm rất lớn của địa phương trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng chuyển đổi phương thức từ "nâu" - nặng về công nghiệp khai khoáng, sang "xanh" - phát triển dịch vụ du lịch, công nghệ cao.
Các quy hoạch của Quảng Ninh được các nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng, đánh giá rất cao. Tại Hội nghị công bố quy hoạch, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ triển khai với các nhà đầu tư 4 dự án trong các lĩnh vực du lịch, nhiệt điện với tổng mức đầu tư kỷ lục tại địa phương trong một thời điểm ký kết là 4,23 tỷ USD; trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng mức đầu tư 782 triệu USD.
Tỉnh cũng xác định rõ, việc xây dựng và công bố các quy hoạch chiến lược chỉ là bước khởi đầu của một quá trình phát triển mới còn nhiều thách thức phía trước. Để hiện thực hóa các quy hoạch, Quảng Ninh đồng thời thực hiện việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thông qua cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, để tạo thuận lợi trong thu hút các nguồn lực của xã hội trong thực thi các quy hoạch. Cùng với đó là nhiệm vụ phát triển văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực...
Gần 1 thập kỷ theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, khẳng định sự kiên trì và những nỗ lực để đi đến mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở giảm bớt phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn, tăng dần phát triển các nguồn tài nguyên vô hạn, lấy phát triển dịch vụ, du lịch là trọng yếu. Trong đó phải kể đến 2 nghị quyết “xương sống” là: Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU (ngày 5/2/2016) về phát triển dịch vụ, đã tạo những bước tiến lớn trong phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2013-2019, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, dịch vụ, tổng số gần 200 dự án, kinh phí khoảng 17.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư trực tiếp nhiều nhất cho du lịch (trên 50%), kế đến là đầu tư cho thương mại, dịch vụ.
Tỉnh tập trung phát triển hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc sắc, trọng tâm là du lịch biển đảo chất lượng cao, gắn với việc phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, du lịch tâm linh, nhất là Trung tâm Phật giáo, danh thắng Yên Tử. Quan tâm đầu tư phát triển đồng thời 4 trung tâm du lịch của tỉnh: Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ; Vân Đồn - Cô Tô; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên. Phấn đấu đến năm 2020, Hạ Long trở thành thành phố du lịch hiện đại và văn minh; Vân Đồn - Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, trung tâm công nghiệp giải trí cao cấp có casino; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên trở thành trung tâm du lịch văn hoá - lịch sử - tâm linh đặc sắc; Móng Cái - Hải Hà trở thành trung tâm du lịch biên giới kết hợp mua sắm...
Trên cơ sở định hướng của các nghị quyết, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn. Cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành chương trình hành động (hoặc nghị quyết chuyên đề), kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đáng chú ý, những nội dung này không chỉ được thực hiện rốt ráo ở cấp tỉnh, mà đã lan tỏa ra tất cả các địa phương trong tỉnh, tạo khí thế thi đua, thậm chí là “cạnh tranh” để đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở mỗi địa phương. Các địa phương đều xác định được những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, dịch vụ; xây dựng được những giải pháp cụ thể để biến tiềm năng thành những sản phẩm dịch vụ rõ ràng, cụ thể, có thể đong đếm, đánh giá được.
Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Với lợi thế là huyện vùng cao biên giới, có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cùng những giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã và đang tập trung khai thác, phát huy tốt các thế mạnh để phát triển ngành du lịch, coi đây là bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ năm 2018, Bình Liêu đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện. Theo đó, tăng cường triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch theo nhóm du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm các lễ hội ngày hội truyền thống của các dân tộc; khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch, các dịch vụ homestay để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Bài 3: Xây dựng động lực tăng trưởng mới
Bài: Hồng Nhung;
Ảnh: Minh Đức - Hùng Sơn - Đỗ Phương
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()