20
18
/
1069049
Bài 2: "3 H" - trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long
longform
Bài 2: "3 H" - trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long

 

Nói cầu Bạch Đằng là cây cầu đặc biệt, bởi lẽ ngay từ thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ “H” đã mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Cây cầu là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của Việt Nam ngay sau khi đưa vào khai thác năm 2018, vì công trình có nhiều yếu tố kỹ thuật cực kỳ phức tạp, lần đầu tiên được tổ chức thi công tại Việt Nam. Kể từ khi hoàn thành đến nay “3 H”  đã thực sự trở thành biểu tượng kết nối tam giác kinh tế 3 tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc.

 

Hơn 3 năm bám trụ trên công trường thi công cầu Bạch Đằng với những cải tiến đột phá từ thiết kế, tổ chức thi công và thành quả viên mãn, là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Oánh, Trưởng Ban điều hành dự án cầu Bạch Đằng kể:

“Thi công cầu Bạch Đằng, khó khăn ngay từ những mũi khoan đầu tiên. Đây là cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trong tổng số 7 cầu như vậy trên toàn thế giới đến thời điểm hiện nay. Trong quá trình thi công, trụ tháp giữa ngã ba sông Bạch Đằng và sông Cấm, nước chảy xiết, luồng hàng hải đến các cảng Hải Phòng đông tàu, thuyền qua lại. Trong khi đường kính mỗi trụ cọc khoan nhồi là D2.000, khoan sâu xuống lòng đất đến 70m. Lên trụ tháp và đúc hẫng dầm cầu khó khăn lại thêm bội. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép nhiều nhịp, chiều cao tháp thấp bởi bị khống chế phễu bay của Cảng hàng không Cát Bi (TP Hải Phòng). Vì thế, dẫn đến góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ, khuyến cáo cầu dây văng lớn hơn 22 độ), lực tác dụng ngang vào xe đúc lớn, trọng lượng khối đúc lên đến 450 tấn/khối. Các khối đúc này là một trong những công nghệ mới lần đầu triển khai ở Việt Nam. Trong quá trình thi công, từ khâu thiết kế xe đúc, vận hành đảm bảo an toàn, chất lượng, kiểm soát độ vồng khi thi công tháp và dầm dây văng đòi hỏi kỹ thuật cao... những yếu tố kỹ thuật phức tạp này đã khiến các nhà thầu chịu áp lực lớn về chất lượng, thời gian”.


Để khắc phục, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập tổ cố vấn gồm các chuyên gia đầu ngành về cầu trong khắp cả nước cũng như Bộ GT-VT, chấp nhận bổ sung gói thầu tư vấn công nghệ riêng cho cầu chính gồm các chuyên gia của nước ngoài, có mặt thường xuyên để kiểm tra, tư vấn, giám sát công trình. Cùng với đó, chủ đầu tư và các nhà thầu vừa làm, vừa nghiên cứu, ứng dụng theo những đóng góp của các chuyên gia. Từ đó, liên tục các giải pháp thi công được điều chỉnh, kinh nghiệm thi công ngày một hoàn thiện. Điển hình: Khi đúc hẫng đốt đúc dầm cầu đầu tiên kéo dài đến 24 ngày/đốt do phải di chuyển xe đúc cốt đỡ dưới, tính toán lực căn kéo cáp, độ vồng của dầm... khi đến các đốt tiếp theo, thời gian ngày một rút ngắn do cán bộ, công nhân đã có kinh nghiệm tổ chức thi công. Tại những đốt đúc cuối cùng thời gian chỉ bằng một nửa so với đốt đúc đầu tiên. Những khối bê tông nối các trụ tháp từng ngày vươn dài trên dòng sông lịch sử Bạch Đằng.

“Hơn 1.000 thi công, trải qua 3 cái Tết trên công trường thi công cầu Bạch Đằng. Ngoài việc huy động đông đảo nhân lực, thiết bị tối tân, tăng cường thi công 3 ca, 4 kíp, trong những ngày tết, cầu Bạch Đằng vẫn nhộn nhịp những âm thanh va chạm giữa sắt thép, tiếng máy nổ và cười nói rộn ràng của hàng trăm công nhân làm vơi đi nỗi nhớ nhà” - Ông Nguyễn Tiến Oánh kể.

Đúc rút lại quá trình làm cầu Bạch Đằng, các chuyên gia khẳng định: Kỹ thuật thi công cầu trở thành sản phẩm “Made in Việt Nam”, khẳng định sự tự lực, tự cường, tự làm chủ công nghệ của người Việt của tư duy dám nghĩ, dám làm từ Quảng Ninh.

Đúng 9h 30’ ngày 1/9/2018, cầu Bạch Đằng thông xe sau hơn 1.000 ngày thi công. 3 chữ “H” trên dòng sông lịch sử đánh dấu cho sự đổi mới, trí tuệ Việt Nam khi từ đầu tư, thiết kế, thi công. Là gạch nối quan trọng để kéo dài tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh,  đóng vai trò chủ đạo hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và là điểm kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN với Trung Quốc. Phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”.

Khi cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào đầu tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đây là một đột phá quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, bởi tư duy năng động, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo địa phương, một sự táo bạo, đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Lý do để người đứng đầu Chính phủ khẳng định sự táo bạo này là bởi Quảng Ninh - tỉnh đầu tiên trong cả nước chủ động báo cáo đề xuất trung ương cho phép được dùng ngân sách tỉnh để làm tuyến đường cao tốc này. Đó là, câu chuyện năm 2013, tỉnh được dùng tiền từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hàng năm, phần trung ương trả nợ ngân sách tỉnh đã ứng trước thực hiện dự án giao thông khác trước đó, tiết kiệm chi hàng năm, với tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng với hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT.

Kể từ khi đưa vào vận hành khai thác với lượng phương tiện trung bình 10.000 lượt xe mỗi ngày, vai trò của công trình đã thể hiện rất rõ rệt, kết nối hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là các cảng hàng hóa từ Quảng Ninh sang Hải Phòng, các khu công nghiệp, sân bay Vân Đồn với sân bay Cát Bi... hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc. Đồng thời liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động Hạ Long - Quảng Yên - Hải Phòng - Hải Dương - Hà Nội; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội là 180km hiện nay xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3 (từ 75km xuống còn 25km).

Từ việc xây dựng cầu Bạch Đằng, làm đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Quảng Ninh đã có vốn lớn đó là, với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện GPMB và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức BOT, tỉnh đã làm được Cảng hàng không, và chuẩn bị có đủ 200km đường cao tốc. Đồng thời thu hút được gần 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng cách lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. PPP Quảng Ninh không chỉ giải tỏa cơn khát hạ tầng cho chính Quảng Ninh, mà còn là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Bài: Đỗ Phương

Trình bày: Hùng Sơn
 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu