20
18
/
1070785
Bài 1: Xây dựng niềm tin từ sự đổi mới tư duy
longform
Bài 1: Xây dựng niềm tin từ sự đổi mới tư duy

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta". Quán triệt tinh thần đó và bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, Quảng Ninh có nhiều đổi mới, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều bày tỏ sự ấn tượng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của tỉnh. Đặc biệt là việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, từ đó lan tỏa tới toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương. Để làm được điều này, Tỉnh ủy Quảng Ninh và các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XI, XII và các nghị quyết của Trung ương với mục tiêu cơ bản là: Xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến về "chất", bảo đảm tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở.

Thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế; đã phát hiện thấy nhiều yếu kém bất cập cần phải mạnh dạn đổi mới. Chính vì thế tỉnh quyết tâm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25), ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.

Tỉnh và các địa phương đã thực hiện đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong đó, đổi mới tư duy trong ban hành chủ trương, chính sách, phân cấp, phân công theo hướng đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự điều hành chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động, tính chiến đấu, tính thuyết phục trong công tác tư tưởng; tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận phục vụ yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong tham gia các nhiệm vụ chính trị địa phương.

Song song với đó, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ chương trình kiểm tra, giám sát và thanh tra của cả hệ thống chính trị; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII). Đặc biệt là phối hợp, gắn kết và phân công rõ trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị cụ thể, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ và ban hành các quy định, quy chế, cơ chế giám sát về tham nhũng, suy thoái. Công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng đạt nhiều kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã khởi tố điều tra 29 vụ án về tham nhũng với 92 bị can (tăng 7 vụ, giảm 31 bị can); truy tố 27 vụ/89 bị can (tăng 6 vụ, giảm 28 bị can); xét xử 36 vụ/122 bị cáo (tăng 10 vụ, giảm 42 bị cáo).

Cùng với đó, tỉnh cũng đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm sự đồng bộ, phối hợp thống nhất, tiết kiệm nguồn lực, phát huy sức mạnh của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, nâng cao được hiệu quả giám sát; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều cách làm sáng tạo trong sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế. Cụ thể là đã quyết liệt, mạnh dạn thí điểm nhiều mô hình mới như thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh và tại các huyện; hợp nhất 100% cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra và cơ quan Tổ chức-Nội vụ cấp huyện. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên thành lập Đảng bộ Cục Thuế tỉnh trực thuộc Đảng bộ tỉnh gắn với sắp xếp lại tổ chức ngành thuế; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc Ủy ban Nhân dân cùng cấp...Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh giảm bảy cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 180 phòng, 3 chi cục, 44 phòng thuộc chi cục và tương đương.
 

Tỉnh cũng thực hiện quản lý thống nhất biên chế của hệ thống chính trị trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế; vai trò quản lý và điều hành của chính quyền; thẩm định, giám sát của HĐND. Đảng bộ tỉnh cũng kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được quan tâm chỉ đạo. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị được nâng lên. Các cấp ủy đảng cũng đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng và tạo nguồn phát triển đảng viên, xóa thôn, bản trắng chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Nhiều đảng bộ huyện (Tiên Yên, Hoành Bồ, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà) đã xây dựng đề án kết nạp đảng viên ở thôn bản và đội ngũ người hoạt động không chuyên trách. Các cấp uỷ đã chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong công nhân, lao động, nông dân, đoàn viên, hội viên để tạo nguồn thực hiện công tác phát triển đảng viên, nhất là ở thôn, bản chưa có hoặc có ít đảng viên, phát triển đảng viên là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản khu phố.

 

 

Thực tế đã khẳng định Đề án 25 và Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh là một giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế tất yếu khách quan nhằm giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới hệ thống chính trị với đổi mới kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đặt ra tại địa phương. Qua 5 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu Quảng Ninh đặt ra đã thực hiện đạt và vượt như: Phát triển đảng viên mới hằng năm đạt bình quân 4,1%/năm; số tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (trong sạch, vững mạnh) năm 2019 đạt 18,88%;  Thực hiện hiệu quả cải cách hành chính trên tất cả các mặt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 3 năm liên tiếp (2017 - 2019); là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử. Tổng số đơn vị thực hiện tự chủ đạt 141/793 (17,78%), trong đó tự chủ 100% là 86 đơn vị (tăng 39 đơn vị thực hiện tự chủ, tăng 18 đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% so với năm 2015).

Các mô hình mới trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được Quảng Ninh nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, đề xuất phù hợp với thực tiễn khách quan, triển khai đồng bộ, bài bản với lộ trình hợp lý nên đã tạo được đồng thuận cao, sớm tạo chuyển biến thực chất, đóng góp quan trọng cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đã thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở 3 địa phương cấp huyện và 119/177 (67,23%) địa phương cấp xã. Thực hiện 100% bí thư cấp huyện, 150/177 (84,75%) bí thư cấp xã không là người địa phương; đã thực hiện bầu bí thư cấp ủy trực tiếp tại tất cả đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở (trừ Đảng bộ Quân sự), và đều trúng cử với số phiếu tín nhiệm cao trên 90%. Hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”. Phát huy hiệu quả các mô hình cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra, cơ quan tổ chức - nội vụ, cơ quan tham mưu giúp việc chung khối mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện ở 13/13 địa phương.

Từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Theo đó, đã nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn hơn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực thực hiện những chủ trương mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ. Dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, xây dựng Đảng, chính quyền; trong tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; trong tham gia những công việc của địa phương với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đạt hiệu quả cao, điển hình như sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vận động giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm (Chiến dịch cao điểm “30 ngày đêm” hoàn thành giải phóng mặt bằng  tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh...), ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống (đại dịch COVID-19)… 

Từ việc đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực lãnh đạo; cùng với việc quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng được bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả và đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, ổn định, bình quân 5 năm đạt 10,7%; thu ngân sách trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng chiến lược có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện vượt bậc; cải cách hành chính chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%.

Đó là những minh chứng sống động cho tính đúng đắn và hiệu quả của những đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức bộ máy - nâng tầm năng lực lãnh đạo tại Quảng Ninh. Từ đó, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018 và 96,1% năm 2019.

Thực hiện: Hà Chi

Trình bày: Đỗ Quang


>> Bài 5: Khẳng định bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu

>> Bài 4: Đảng gần dân hơn từ những "cầu nối"

>> Bài 3: Từ thực tiễn sinh động đến những mô hình đổi mới

>> Bài 2: Chăm lo khâu "then chốt của then chốt"

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu