20
18
/
1017540
Bài 1: Từ liên thông giải quyết TTHC đến "ngôi sao sáng" của Par Index
longform
Bài 1: Từ liên thông giải quyết TTHC đến "ngôi sao sáng" của Par Index

 

Nhiều năm qua, kinh tế của Quảng Ninh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tỉnh xác định, để phát triển bền vững, hệ thống chính trị tỉnh phải không ngừng đổi mới từ tư duy, nhất quán trong vận hành; thẳng thắn, cầu thị nhìn lại mình và không né tránh thực tế là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt. Nhìn một cách tổng thể, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu. Mặc dù môi trường đầu tư đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên chưa chuyên nghiệp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn những hạn chế, chưa thật sự căn cơ... Để từng bước giải quyết triệt để tồn tại, tỉnh xác định khẩn trương khắc phục, nhưng thận trọng và chắc chắn trong từng bước đi. Từ thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã tìm tòi, học tập các mô hình với quyết tâm đổi mới, xây dựng nền hành chính phục vụ.

Tiếp thu nền tảng của các nước phát triển, tháng 9/2012, Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh chính thức được phê duyệt. Chủ trương của tỉnh trong xây dựng Đề án là hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh. Trong Đề án, tỉnh lấy mô hình Trung tâm Hành chính công làm trung tâm của nền hành chính phục vụ. Năm 2014, từ quyết định thành lập thí điểm Trung tâm Hành chính công tỉnh và 5 trung tâm cấp huyện (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả và Vân Đồn), tỉnh đã tập trung nguồn lực, khẩn trương đưa Trung tâm Hành chính công tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện vào hoạt động.

Đặc biệt, ngày 28/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù chưa có tiền lệ, song hoạt động của mô hình này đã nhanh chóng khẳng định hiệu quả trong tiếp nhận, thụ lý giải quyết các TTHC. Trong quá trình triển khai, tỉnh luôn vận dụng tư duy sáng tạo theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Bám sát chủ trương của Đảng, tôn trọng quy luật khách quan và dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, các địa phương trong tỉnh đã rà soát và đưa 100% TTHC thuộc thẩm quyền vào giải quyết tại trung tâm hành chính công.

Từ hiệu quả mô hình, năm 2015 tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng và dần hoàn thiện quy trình, mô hình ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời kết nối liên thông với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Mô hình này được thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại chỗ). Cách làm này góp phần tăng tính minh bạch, phát huy vai trò giám sát của người dân, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Từ mô hình đã giúp các TTHC được cắt giảm trung bình từ 50-70% thời gian giải quyết so với quy định của trung ương và luật pháp; tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn trung bình hằng năm ở cấp tỉnh đạt 99,9%; cấp huyện đạt 96,9%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 85%.

Đặc biệt từ đầu năm 2019, tỉnh đã sáng tạo, vận dụng các quy định pháp luật để triển khai việc sử dụng con dấu thứ hai để giải quyết TTHC tại trung tâm hành chính công các cấp. Với cách làm này, quy trình giải quyết các TTHC được nâng từ "4 tại chỗ" lên "5 tại chỗ" (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại trung tâm). Qua đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng sách nhiễu, tiêu cực...

"Trước đây, việc xin chủ trương đầu tư, thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện được các TTHC với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải nhờ vả khắp nơi. Nhưng vài năm gần đây, với nhiều chính sách thông thoáng, TTHC đơn giản và nhanh gọn, chúng tôi có thể giải quyết công việc thuận lợi, nhanh chóng, nhờ đó có thêm lợi thế phát triển. Doanh nghiệp khó khăn cũng được tỉnh kịp thời đối thoại, tháo gỡ ngay những vướng mắc" - Luật sư Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Luật An Thành (TP Hạ Long), chia sẻ. 

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sau khi thí điểm ở một số sở, ngành, địa phương, từ 2016 tỉnh tập trung hoàn thiện Bộ chỉ số, đồng thời nhân rộng ra các địa phương, sở, ngành. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh tới các sở, ban, ngành, địa phương; chủ động để các đơn vị thi đua, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Đặc biệt, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để căn bản hoàn thành xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử và bước đầu triển khai Đề án Thành phố thông minh, vừa qua Quảng Ninh là một trong 3 địa phương đầu tiên trong nước được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm kết nối giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, công tác cải cách thể chế, cải cách tài chính công cũng được chú trọng và đạt được những chuyển biến toàn diện.

Nhận xét về cách làm của Quảng Ninh trong 10 năm thực hiện chương trình CCHC, ông Hoàng Ngọc Anh, Vụ phó Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), khẳng định: Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ, đạt nhiều kết quả nổi bật, từ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC, cải cách tài chính công đến hiện đại hóa hành chính. Trong đó có rất nhiều cách làm hay sáng tạo được trung ương ghi nhận, đánh giá cao, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Đặc biệt là việc tinh giản bộ máy biên chế, nhất thể hóa; mô hình trung tâm hành chính công; đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy mà sức hút với các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh khá cao so với mặt bằng chung trong nước. Trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Năm 2019, Chỉ số Par Index; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Quảng Ninh đứng đầu toàn quốc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng tăng ngoạn mục, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc.

Đến năm 2020, Quảng Ninh có 7 năm thực hiện đánh giá Par Index và bước sang năm thứ 3 đánh giá SIPAS. Điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được đó là “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mới. Ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND tỉnh, chia sẻ: "Để có được kết quả tích cực trên nhiều bảng xếp hạng ấy, hệ thống chính quyền tỉnh đã dám nhìn thẳng sự thật, tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương một cách chuyên nghiệp, bài bản. Không như các địa phương khác chỉ có thể dồn lực cho một vài chỉ số nhất định, ở Quảng Ninh, tất cả được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là trong xây dựng mô hình trung tâm hành chính công, cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử. Quảng Ninh đã và đang quyết tâm hướng tới sự khách quan, minh bạch, nhất là đánh giá đúng về mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính".

Với quyết tâm cao, Quảng Ninh đã quyết liệt thực hiện thành công nhiều giải pháp về CCHC, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo những đột phá mới trong phát triển. Thành quả của sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng này chính là sự ghi nhận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền, bộ máy điều hành của tỉnh ngày càng được nâng cao. Tại lễ công bố các chỉ số Par Index năm 2019 vừa qua, Quảng Ninh đồng thời được vinh danh quán quân cả 2 chỉ số. Trong đó, chỉ số Par Index đạt 90,09/thang điểm 100, tăng 1,03 điểm so với năm 2018, là địa phương duy nhất nằm trong nhóm A (trên 90 điểm). Trong 8 trục thành phần của chỉ số Par Index, Quảng Ninh có 4 trục tăng điểm so với năm 2018; đáng chú ý nhất, trục thành phần Xây dựng và nâng cao chất lượng CB,CC,VC tăng từ vị trí thứ 6 (11,61/13,5 điểm) lên vị trí nhất toàn quốc (12,95/13,5 điểm). Không dừng ở đó, hiệu quả CCHC và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đã được ghi nhận ở tầm khu vực khi Quảng Ninh đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương vinh danh ở hạng mục chính quyền số vào cuối năm 2018.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ, đánh giá: Quảng Ninh đã chứng tỏ được chất lượng cũng như vị thế của mình thông qua bảng xếp hạng các chỉ số PCI, Par Index cùng nhiều chỉ số đo lường về hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương. Đây cũng là minh chứng rõ nét, sống động khẳng định cách làm đúng, hướng đi mới của tỉnh đã được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Theo đánh giá của Trung ương, Quảng Ninh là địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đi đầu cả nước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh ngày càng tăng tính chủ động, kịp thời nắm bắt, giải quyết có hiệu quả, dứt điểm những vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; bám sát với mục tiêu xây dựng hình ảnh, môi trường đầu tư kinh doanh, văn hóa đồng hành, văn hóa thực thi của tỉnh Quảng Ninh đối với người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện: Hoài Anh - Trúc Linh

Trình bày: Đỗ Quang 

Bài 2: Khẳng định vị thế, thương hiệu quán quân PCI

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu