20
18
/
1057342
Bài 1: Sứ mệnh của Đảng, niềm tin của Nhân dân
longform
Bài 1: Sứ mệnh của Đảng, niềm tin của Nhân dân

 

Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Quảng Ninh đã đoàn kết, nhất trí vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thu được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cũng chính từ quá trình đó, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Đảng bộ tỉnh cũng không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để thật sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết lý luận và thực tiễn rất sâu sắc qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá khái quát những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Tổng Bí thư đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm. Một trong số đó là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “Dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.

Thực tế những năm qua cho thấy, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn thấm nhuần bài học lấy dân làm gốc và thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...”. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh đã bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Từ đó, có nhiều đổi mới, đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đổi mới xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đồng thời, có nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống cho nhân dân.

Tỉnh đã trăn trở về tổng kết thực tiễn, áp dụng lý luận trong xây dựng mô hình mới đáp ứng yêu cầu của quy luật phát triển, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngay từ cuối năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế”. Và xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn khách quan nhằm đảm bảo sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đầu năm 2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chủ động với quyết tâm chính trị cao xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (gọi tắt là Đề án 25). Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 03/3/2015 “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị. Có thể nói, Đề án 25 của tỉnh Quảng Ninh là một đột phá trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, là sự sáng tạo, đổi mới có hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ; trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của tỉnh.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW càng khẳng định bước đi của Quảng Ninh là đúng đắn, tạo thêm động lực, là cơ sở chính trị vững chắc để Tỉnh có thêm quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị quyết liệt hơn và ở quy mô, tầm mức cao hơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TW ngày 05/02/2018 để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, trên cơ sở kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được từ việc triển khai Đề án 25 theo hướng toàn diện, đồng bộ và hiệu quả hơn. Cũng từ đó, hàng loạt mô hình đổi mới trong xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã được Quảng Ninh thực hiện như: Nhất thể hóa các chức danh; hợp nhất các cơ quan khối đảng và chính quyền có nhiệm vụ tương đồng; thành lập cơ quan khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp; thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, khu ở 100% thôn, khu, bản trên địa bàn tỉnh… Đây đều là những mô hình đã được chứng minh tính hiệu quả trong thực tế; được nhân dân đánh giá cao và một số mô hình đã được trung ương nhân rộng ra cả nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có những sáng tạo nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội như: Chủ động dùng ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng và linh hoạt hóa các nguồn lực để làm các công trình dự án hạ tầng giao thông, du lịch nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của nền kinh tế; quyết liệt trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho an sinh xã hội... Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành một số dự án, công trình giao thông có tính động lực cao như: Sân bay Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn- Móng Cái. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút các nhà đầu tư, triển khai xây dựng phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp các công trình sản xuất công nghiệp có vai trò động lực. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hiệu quả việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, từ đó tạo ra nguồn lực và động lực xây dựng, hoàn thiện, tạo bước phát triển đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố được mở rộng, phát triển theo hướng bền vững hơn với tầm nhìn dài hạn.

Những năm gần đây, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 10,7%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Dịch vụ, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển. Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với ba năm liên tục từ năm 2017 đến năm 2019 có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Với quan điểm đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, Quảng Ninh luôn nhất quán chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế; qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng, miền trong tỉnh. Diện mạo, chất lượng sống ở thành thị và nông thôn được nâng lên, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%.

Với những cách làm đột phá, sáng tạo đạt hiệu quả rõ nét được thực tiễn chứng minh, Quảng Ninh đã tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên rõ rệt: Từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017, 85,1% năm 2018; năm 2019: niềm tin của cán bộ, đảng viên là 98%, niềm tin của quần chúng nhân dân là 96,1%.

Lịch sử hơn 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ chính là điều kiện để phát huy sự sáng tạo, khát vọng vươn lên, cũng như phát huy những nguồn lực to lớn trong xã hội cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là điểm tựa vững chắc cho những quyết sách của Đảng, những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước được thực hiện thành công. Chính vì thế, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền, tăng cường niềm tin của nhân dân.

Tỉnh triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, tổ chức tốt việc học tập các chuyên đề học và làm theo Bác với 95% cán bộ, đảng viên và 80% đoàn viên, hội viên tham gia. Tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chú trọng khâu phòng ngừa. Trong đó, ban hành các quy định chặt chẽ như: Quy định 04-QĐ/TU, ngày 06/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, ''tự diễn biến'', ''tự chuyển hóa'' đối với cán bộ, đảng viên; Quy định 06-QĐ/TU, ngày 08/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan đến tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Cùng với đó, các cấp ủy trong toàn tỉnh đều triển khai, thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu; nâng cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình, chấn chỉnh tác phong, tinh thần thái độ, phục vụ Nhân dân; quan tâm xây dựng, phát hiện, biểu dương điển hình, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy gắn với trách nhiệm của cấp ủy viên các cấp. Nhờ tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên; siết chặt khâu đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên, đề tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhờ đó chất lượng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh luôn đạt 45,2% - 52,3%; chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở đạt vững mạnh 45,6% - 63%; số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 77,8% - 80%, trong đó số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt từ 11,4% - 15,7%.

 

Cùng với đó, để xây dựng niềm tin cho nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống chính trị đã tạo chuyển biến tích cực; đổi mới hoàn thiện phương pháp, quy trình; phát huy hiệu quả mô hình cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra cấp huyện, gắn kiểm tra, kỷ luật đảng với công tác thanh tra, kỷ luật hành chính. Tập trung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm ở những lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực (liên quan đến quản lý tài nguyên than, khoáng sản, đất đai, ngân sách, đầu tư công, đầu tư tư, biên chế, cấp phép...). Chủ động nắm tình hình, nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, quyết liệt trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; bước đầu chú trọng kiểm tra “cách cấp”... Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra với kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

 

Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các cấp ủy Đảng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, hoàn thiện quy chế, quy định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm giải trình. Tỉnh cũng tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm cơ chế “xin - cho”, duyệt cấp; tăng tính công khai, minh bạch trong phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng thanh tra, kiểm toán, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng và phát huy vai trò của Nhân dân, báo chí, các đoàn thể trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; coi trọng việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về sai phạm, tham nhũng; công khai thông tin chỉ đạo, xử lý, qua đó cảnh báo, răn đe.

Bằng những thành tựu đáng tự hào trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chính quyền. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Mục tiêu này đã và đang đượcngười dân tin tưởng, ủng hộ, nhanh chóng được triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Bài 2: Phân định rõ, giải quyết phù hợp mối quan hệ "cầm quyền" và "lãnh đạo"

Bài: Bảo Bình

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu