“Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ.” Đó chính là câu chuyện 10 năm trước của Quảng Ninh. Hạ tầng giao thông - một trong ba “điểm nghẽn” tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, tăng trưởng của tỉnh. Không đường cao tốc, không cảng hàng không, không cảng tàu biển quốc tế… là trở ngại tâm lý lớn nhất mà các ông chủ đầu tư tầm cỡ quốc tế khi đến Quảng Ninh tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư kinh doanh.
Câu hỏi “tỉnh ông có sân bay không?” của một nhà đầu tư Mỹ khi được mời gọi đầu tư vào Quảng Ninh với đồng chí lãnh đạo cao nhất tỉnh thời điểm năm 2011 là day dứt lớn nhất và cũng là động lực thôi thúc quyết tâm của cả hệ thống chính trị là phải tháo gỡ bằng được “điểm nghẽn” này trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI.
“Năm 2008 tôi thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18A đoạn Mông Dương – Móng Cái, tiếp đó là đoạn Hạ Long – Cẩm Phả, cùng với đó chỉ đạo thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long – Uông Bí – Đông Triều. Thời điểm đó đối với Quảng Ninh việc triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông này là một kỳ tích. Bởi do đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới địa bàn trải dài hạ tầng giao thông vô cùng phức tạp. Xuyên suốt dọc tỉnh nối từ thủ đô Hà Nội về cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ có 1 con đường độc đạo là Quốc lộ 18A, mà đường thì nhỏ hẹp, xuống cấp, quá nhiều các khúc cua gấp, tình trạng xe container bị đổ, lật hầu như ngày nào cũng xảy ra, có những vụ gây tắc đường tới vài ngày mới giải tỏa được.” – ông Đỗ Thông nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
“Anh em làm giao thông thời kỳ đó như ngồi trên đống lửa, khi từ Hà Nội các tuyến đường cao tốc được đầu tư đến Lào Cai, rồi xuống Hải Dương, Hải Phòng. Chỉ còn 25km nữa là chúng ta bắt vào tuyến giao thông huyết mạch hiện đại đó. Lúc đó tỉnh đã tính toán, 25km này nếu được đầu tư thì sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm cự ly và rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh đi Hà Nội từ 180km còn 130km, thời gian còn 1,5 giờ so với trước đây 3,5 giờ; từ Quảng Ninh đi cảng Hải Phòng, từ 75km xuống còn 25km, điều quan trọng hơn cả là từ đây sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư cởi một nút thắt, điểm nghẽn lớn, tạo đà tăng trưởng mới của tỉnh.” – Ông Nguyễn Minh Bạch, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh cho biết.
“Mỗi một thời điểm yêu cầu về hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, nếu như trước năm 2010 chúng ta thấy mở rộng, nâng cấp được quốc lộ 18A đã là tốt lắm rồi thì sang thập niên mới các tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng biển quốc tế mới đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, mới gỡ được các điểm nghẽn để có những đột phá trong tăng trưởng” – ông Đỗ Thông đánh giá.
Để thực hiện được quan điểm phát triển “dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, thì việc tháo gỡ “điểm nghẽn” tăng trưởng về hạ tầng giao thông từ hình thức đầu tư công – tư (PPP) là một giải pháp thực sự sáng tạo của Quảng Ninh. Năm 2013, Chính phủ đồng ý cho Quảng Ninh sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện hình thức PPP để làm tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng. Tiếp sau đó, năm 2016 đồng ý cho tỉnh làm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, năm 2018 làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái cũng theo hình thức PPP.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư chưa đầy đủ và đồng bộ, với mục tiêu đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân và thí điểm đầu tư theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dẵn đầu tư tư”, với các hình thức: Lãnh đạo công - quản trị tư: Nhà nước định hướng, ban hành cơ chế chính sách; hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, giám sát...; các nhiệm vụ đầu tư phát triển, quản lý, điều hành do tư nhân đảm nhiệm. Đầu tư công - quản lý tư: Các công trình, cơ sở vật chất do Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng, sau đó lựa chọn hoặc chỉ định giao lại cho tư nhân có đủ năng lực để quản lý khai thác kinh doanh theo mục đích sử dụng của công trình; chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng... do nhà đầu tư chi trả. Đầu tư tư - sử dụng công: Nhà đầu tư thuê đất, bỏ vốn đầu tư các công trình theo quy hoạch và yêu cầu sử dụng của nhà nước. Sau khi hoàn thành, nhà nước có thể thuê lại một phần hoặc toàn bộ công trình để sử dụng hoặc phục vụ vào mục đích công ích.
Thực tiễn đã thấy rõ, sau 2 năm đưa vào sử dụng, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn đã thông suốt hoàn toàn hành trình lưu thông hàng hóa từ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái; lưu thông hoàn toàn con đường du lịch quốc tế, trong nước từ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn đến vịnh Hạ Long. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ là sân bay hiện đại cấp quốc tế mà là sân bay của “nghĩa đồng bào” khi đón hàng trăm chuyến bay giải cứu hàng nghìn người Việt ở khắp nơi trên thế giới về đất nước do đại dịch Covid-19. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long một điểm đến của hành trình di sản vịnh Hạ Long, điểm đến của những thương hiệu tỷ phú thế giới với các siêu du thuyền hạng sang dừng đỗ, nghỉ ngơi hàng tuần…
Với cách làm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” Quảng Ninh không chỉ có được hệ thống đường cao tốc, có được cảng hàng không quốc tế, cảng tàu biển quốc tế mà đã hoàn thiện được hệ thống hạ tầng giao thông tổng thể, liên vùng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh trong giai đoạn 10 năm qua và bước đột phá mới trong giai đoạn tới. Và điều quan trọng hơn cả không chỉ là tỉnh gỡ được một điểm nghẽn tăng trưởng mà vị thế, hình ảnh của Quảng Ninh được nâng ở trong nước, quốc tế.
Bài: Ngọc Lan
Trình bày: Hùng Sơn
Ý kiến ()