2030 Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương: Hiện thực hóa khát vọng thế kỷ
longform
2030 Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương: Hiện thực hóa khát vọng thế kỷ
10 năm trước cả nước nhìn về Đà Nẵng và phải công nhận với đánh giá của du khách quốc tế, đó là thành phố đáng sống bậc nhất Việt Nam thì hôm nay vùng đất tiền đồn phía Đông Bắc của Việt Nam đã vượt lên chấm một dấu son đỏ trong bản đồ điểm đến của các du khách, các thương nhân, nhà đầu tư, các chính khách, các tỷ phú của thế giới. Có thể Quảng Ninh chưa được bình chọn là thành phố đáng sống nhất như Đà Nẵng nhưng chắc chắn rằng, slogan “đến Quảng Ninh hàng tuần” đã trở nên rất quen thuộc với du khách, mảnh đất sinh lời hiệu quả với nhà đầu tư. Bởi những giá trị riêng có của Quảng Ninh nhờ sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, chứa đựng những giá trị tinh thần cốt lõi của vùng đất Việt trên đỉnh thiêng Yên Tử, tỉnh duy nhất có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với thị trường rộng lớn giàu tiềm năng nhất thế giới. Sức hấp dẫn riêng của Quảng Ninh với du khách, nhà đầu tư không chỉ là dạo chơi trên kỳ quan vịnh Hạ Long huyền ảo 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, hay ở những thành phố có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, có các khu giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế mà còn là địa bàn rất tiềm năng để đầu tư sinh lời trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghệ cao. Một tỉnh có hệ thống tổ chức bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, sẵn sàng cùng đi, cùng đến, cùng hiệu quả với nhà đầu tư.
Dù rằng ở miền Đông Bắc cách xa thủ đô Hà Nội về khoảng cách địa lý nhưng đường đến với Quảng Ninh hôm nay là cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn kết nối các điểm đến trong nước, thế giới, là Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long- cảng khách du lịch chuyên biệt đầu tiên và duy nhất trong cả nước có khả năng đón cùng lúc nhiều tàu du lịch biển sang trọng quốc tế.
Một hình ảnh Quảng Ninh hoàn toàn mới về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ, xã hội đồng bộ, hiện đại được nhân dân, nhà đầu tư tin tưởng, ghi nhận và tìm đến. Với tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 160.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sungroup, FLC, CEO, BIM Group, Tuần Châu Group, TH, Amata (Thái Lan), Texhong (Hồng Kông), Yazzaki (Nhật Bản)… đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số vốn đầu tư trong nước, trực tiếp nước ngoài cao của cả nước. Những động lực phát triển mới trên bức tranh kinh tế của Quảng Ninh ngày càng nổi bật hơn, thế mạnh về du lịch, dịch vụ được khơi thông hoàn toàn để phát triển.
Đặc biệt trong “cuộc chiến” với “giặc” Covid-19 càng thấy rằng Quảng Ninh thực sự là nơi cần đến và nơi đáng sống. Dù là địa bàn du lịch, địa phương trọng điểm của trọng điểm trong phòng chống dịch bệnh do cận kề với nơi bùng phát tâm dịch của thế giới nhưng Quảng Ninh vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, du khách. Trong cơn bão dịch nhưng hoạt động sản xuất ở vùng Mỏ vẫn diễn ra sôi động, các doanh nghiệp, nhà đầu tư không chỉ yên tâm về môi trường an toàn dịch bệnh mà còn được đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Ngay sau khi đất nước trở lại trạng thái hoạt động bình thường thì sức sống sôi động của vùng Mỏ được thổi bùng bằng hàng loạt các công trình du lịch, dịch vụ, hạ tầng giao thông trọng điểm được khởi công và khánh thành. Đó là, một tuyến đường ven biển bên di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được hoàn thành với nền đường rộng 6 làn xe, vỉa hè hai bên rộng 5m, đường di dạo công viên ven biển rộng 25m – một công trình độc đáo có một không hai bên cạnh kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Đi kèm với đó là các công trình thiết chế văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế đã được đầu tư đưa vào sử dụng là Cung quy hoạch, là Bảo tàng, là Thư viện không chỉ ấn tượng độc đáo về kiến trúc, mà còn có giá trị hưởng thụ rất cao. Một “tiểu Nhật Bản” bên bờ vịnh Bái Tử Long, với hạ tầng dịch vụ đẳng cấp quốc tế phục vụ nghỉ dưỡng của du khách. Một lâm viên Đồng Sơn-Kỳ Thượng đã được tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng thành Safari đầu tiên ở miền Bắc; là một Sonasea Vân Đồn Harbor City - tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các khách sạn quốc tế, phố thương mại, bến du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế... đã hoàn thành giai đoạn 1, đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện giai đoạn 2 Singapore shoptel và khách sạn 5 sao công suất 1.000 phòng với 3 thương hiệu Pullman, Novotel, IBis do Tập đoàn Accor quản lý... Đó là, cầu Cửa Lục 1, nối vùng đất phía Nam và phía Bắc vịnh Cửa Lục được khởi công xây dựng tháng 4/2020, là tuyến hành giao thông phía Tây của tỉnh được nghiên cứu đầu tư, là Dự án công viên rừng – Safari Hạ Long…. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua “thử lửa” của đợt dịch bệnh Covid-19 khẳng định giá trị “vàng 10” Quảng Ninh.
Vị trí địa kinh tế, chính trị là giá trị vô giá cho Quảng Ninh những điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nổi trội so với các địa phương trong khu vực Đông Bắc. Như một Việt Nam thu nhỏ, các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, con người, khát vọng phát triển, khát vọng mở đường nơi có rừng vàng, biển bạc, có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, cánh cửa mở giữa ASEAN và Trung Quốc đã tạo thế và lực cho Quảng Ninh. Trên cơ sở nhận diện được những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức, tỉnh đã xác định triết lý phát triển là, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên cơ sở đó đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; bảo đảm phát triển bền vững dựa vào lợi thế về dịch vụ, du lịch, văn hóa, công nghiệp giải trí và công nghiệp sáng tạo.
Nhìn lại quá trình đổi mới 35 năm qua và chiến lược phát triển đất nước 10 năm thấy rằng, Quảng Ninh từ một tỉnh phụ thuộc vào sự trợ giúp từ ngân sách Trung ương đã vươn lên trở thành một trong số những tỉnh có số thu ngân sách nhà nước cao nhất, có đóng góp về cho ngân sách quốc gia. Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tập trung huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, quyết liệt đi đầu, vận dụng sáng tạo thực hiện thành công thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công tư PPP theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Với cách làm này, 1 đồng ngân sách thu hút được 9 đồng đầu tư ngoài ngân sách. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Trong đó, một loạt các dự án động lực sau khi hoàn thành đã phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ cho Quảng Ninh mà còn cho cả vùng.
Nếu như trước đây, giao thông đường bộ Quảng Ninh chủ yếu dựa vào tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 18A vốn đã quá tải, thì đến nay, bức tranh đã hoàn toàn đổi khác. Sau tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tiếp tục được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Với tuyến cao tốc này, các trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất phía Bắc từ thủ đô Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn đến vùng đất biên giới Móng Cái sẽ được kết nối đồng bộ bằng hệ thống cao tốc. Giảm thời gian di chuyển từ 6h trước đây xuống chỉ còn 3h. Mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư cho cả khu vực, đặc biệt là với KKT cửa khẩu Móng Cái. Phát huy vai trò của cửa ngõ giao thương giữa ASEAN với Trung Quốc cũng như với thị trường Đông Bắc Á. Điểm nối cuối cùng trên tuyến giao thương đặc biệt quan trọng này đã được khai thông với việc đầu tư xây dựng và thông quan cầu Bắc Luân 2 từ ngày 19/3/2019.
Cùng với hệ thống đường cao tốc, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu hút được các dự án hạ tầng giao thông đường không, đường thủy tầm cỡ quốc tế do tư nhân đầu tư. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cảng tàu khách du lịch chuyên biệt duy nhất, hiện đại nhất cả nước, có khả năng đón những con tàu du lịch lớn nhất thế giới hiện nay. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, - sân bay mới hàng đầu thế giới 2019. Quảng Ninh đã tiến gần hơn với thế giới, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong chuỗi giao thương khu vực và thế giới. Bằng nguồn lực của mình, năm 2020, Quảng Ninh sẽ khởi công tuyến đường tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều... rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hạ Long đến Đông Triều từ 1,5h trước đây xuống còn 30 phút.
Tỉnh cũng đã thống nhất với TP Hải Phòng xây dựng cầu Rừng, cầu Lại Xuân để kết nối giữa hai địa phương. Sử dụng vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cầu Triều, cầu Văn Đức nối Quảng Ninh với Hải Dương. Trong đó, cầu Văn Đức đã được khánh thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 6. Các hạng mục cuối cùng của cầu Triều cũng đang được hối hả thi công để hoàn thành công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc.
Sáng tạo, bài bản và quyết liệt, Quảng Ninh đã gỡ được nút thắt về hạ tầng giao thông trong suốt quá trình phát triển từ khi thành lập tỉnh đến nay với sự kết nối giữa các địa phương trong tỉnh bằng hệ thống đường cao tốc, đường tốc độ cao đồng bộ nhất cả nước; kết nối khu vực phía tây của tỉnh với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Qua đó sẽ khơi thức được các tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên du lịch ở khu vực này, tận dụng được các hạ tầng logistic cảng biển của TP Hải Phòng trong tổng thể liên kết vùng để phát triển, xác lập và khẳng định vị thế mới, giá trị mới trong tương quan quốc gia và quốc tế.
Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,2%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 10,9%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; giai đoạn 2016 - 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 163.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 72%. Quy mô nền kinh tế năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 6.135 USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011, cao gấp đôi bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, năm 2019, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 45,88% công nghiệp chiếm 48,1%, nông nghiệp chiếm 6,02%. Đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền được nâng lên rõ rệt từ 73,3% năm 2016 lên 96,1% năm 2019.
Các cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế được sửa đổi và ban hành nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Với tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm ước đạt gần 9000 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,9% năm 2011 xuống còn 0,52% năm 2019. Điều kiện phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn nhất của tỉnh đã được cải thiện căn bản. 3 địa phương cấp huyện là Cô Tô, Cẩm Phả, Uông Bí không còn hộ nghèo. Đến nay, Quảng Ninh không còn xã, thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Năm 2019, tỉnh có 81/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó xã Việt Dân - thị xã Đông Triều đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, năng lực hệ thống y tế dự phòng Quảng Ninh được xếp vào nhóm đầu cả nước. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân năm 2019 đạt 14,7 (cả nước là 9 bác sỹ). Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho 97% dân số trên địa bàn. Tỉnh cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế, trong đó có nhiều mô hình chuyên sâu.
Là một trung tâm động lực của khu vực phía Bắc, một trụ cột của quốc gia, đến nay Quảng Ninh là tỉnh duy nhất cả nước có 4 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí). Trong đó, TP Hạ Long sau khi nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Chương trình phát triển đô thị đến nay Quảng Ninh có 1 đô thị loại I (thành phố Hạ Long); 3 đô thị loại II (thành phố Móng Cái, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí); 3 đô thị loại IV (thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thị trấn Cái Rồng); 6 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ, thị trấn Tiên Yên, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô). Trong đó, Hạ Long là đô thị trung tâm vùng (trung tâm hạt nhân của tỉnh, là đầu mối giao thông quốc tế, quốc gia và khu vực, trung tâm du lịch dịch vụ, văn hóa, giải trí), đô thị Vân Đồn (trung tâm vui chơi giải trí nghỉ dưỡng phức hợp quy mô lớn, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, đầu mối du lịch quốc tế) và thành phố Móng Cái (phát triển thành cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực, phát triển đô thị xanh gắn với xây dựng KCN - cảng biển).
Với một Quảng Ninh giàu đẹp, có nền tảng hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tốt như hiện nay thì không có gì cản trở việc hoàn thiện các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.
Với một Quảng Ninh giàu đẹp, có nền tảng hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tốt như hiện nay thì không có gì cản trở việc đáp ứng các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.
Kết quả phát triển vượt trội trong 10 năm qua chứng minh Quảng Ninh đã hoàn toàn đúng trên con đường lựa chọn triết lý phát triển mới, định hướng không gian phát triển rõ ràng, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư về chiến lược phát triển bền vững. Từ định hướng không gian “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai điểm đột phá”, đã cho Quảng Ninh một diện mạo mới hoàn toàn, một cách làm độc đáo, khác biệt, đem lại những bài học giá trị thực tiễn vô cùng quý giá. Trong đó tâm phát triển, trung tâm chính trị-hành chính-kinh tế-văn hóa của tỉnh là TP Hạ Long từ rất sớm đã bắt tay vào thực hiện xây dựng thành phố thông minh như: ứng dụng CNTT vào quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch; quản lý đô thị; xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh; xây dựng hệ thống thu thuế thông minh.
Đến nay tại Hạ Long, hệ thống chiếu sáng thông minh đã được đưa vào vận hành với trên 4.300 bộ đèn led ở 145 tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Toàn thành phố được đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ. Các ứng dụng về công nghệ số, kios thông tin, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến cũng được phổ biến triển khai ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ... qua đó tạo thuận lợi cho người dân, du khách, doanh nghiệp. Thành phố cũng đang triển khai đầu tư Khu công viên công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu nhằm phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, hình thành nền hệ sinh thái nội dung số của tỉnh.
Nền tảng khai thác tiện ích của CNTT đã và đang được triển khai đồng bộ tại các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố, với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công thành phố theo nguyên tắc “Tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt tại chỗ". Một số thủ tục đã và đang được thực hiện qua môi trường mạng nhằm tiết giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các ứng dụng về công nghệ số, kios thông tin, thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến cũng được triển khai ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ..., qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động thu thuế.
Về cơ sở hạ tầng, các tuyến đường trục chính của thành phố như Nguyễn Văn Cừ, Lê Thánh Tông, Trần Quốc Nghiễn… được mở rộng, bổ sung cây xanh, tiểu cảnh biến thành phố công nghiệp khai thác than thành thành phố du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Những tập đoàn có tiềm lực mạnh như Vingroup, Sun Group, FLC, BIM Group… đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại làm cho Hạ Long quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn. Với các quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Ha Long Bay Resort, quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long, Tổ hợp vui chơi giải trí hàng đầu khu vực Sun World Halong Complex gồm nhiều hạng mục như Cáp treo Nữ hoàng, tổ hợp vui chơi giải trí trên đồi Ba Đèo, công viên chủ đề Dragon Theme Park, công viên nước Typhoon Water Park, chuỗi đô thị đẳng cấp, hiện đại từ cửa ngõ vào đến khu trung tâm du lịch Bãi Cháy…. Giao thông kết nối Hạ Long với các trung tâm kinh tế trong nước, quốc tế và trong tỉnh đã được đồng bộ bằng các tuyến đường cao tốc nối cao tốc, hệ thống cảng biển, cảng tàu khách quốc tế hiện đại, cảng hàng không…
Nhận diện những giá trị riêng có mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hạ Long và những thách thức, tiềm năng, cơ hội trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 837 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Quảng Ninh đã thực hiện việc nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. 843,54 km2 diện tích tự nhiên, 51.003 người của huyện Hoành Bồ và 275,58km2 diện tích tự nhiên, 249.264 người của TP Hạ Long nhập vào với nhau tạo ra một TP Hạ Long mới có diện tích tự nhiên 1.119,12 km2, quy mô dân số 300.267 người. Những con số không chỉ đảm bảo tiêu chí diện tích, dân số của đô thị, mà khẳng định vị thế của đô thị xứng tầm là hạt nhân vùng Đông Bắc.
TP Hạ Long mới đã có không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một đơn vị hành chính, có sức mạnh liên kết vùng và liên vùng, có cơ hội thực hiện quản lý theo mô hình hệ thống - mô hình quản lý tiên tiến nhất hiện nay. Khát vọng này Quảng Ninh thực hiện không chỉ cho nhân dân Quảng Ninh mà tạo tác động kích thích, lôi kéo các địa phương trong khu vực Đông Bắc cùng phát triển, góp phần trong xây dựng vị thế, chiến lược quốc gia trong thế đối trọng phát triển với quốc tế. Khởi động cho diện mạo Hạ Long mới tỉnh Quảng Ninh đã khởi công dự án cầu Cửa Lục 1 và tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án cầu Cửa Lục 3, nối liền thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ cũ, khai thác tiềm năng đất đai rộng lớn của vùng ven vịnh Cửa Lục.
Khẳng định rõ định hướng phát triển của đô thị hạt nhân Hạ Long là mô hình đa cực, trong đó, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Một thành phố cấp vùng, với chức năng dịch vụ - du lịch - thương mại - công nghiệp - cảng biển, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ. Từ sự thành công của Hạ Long, những thành phố thông minh tiếp theo của tỉnh cũng dần được hình thành như Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái… Đây chính là những tiền đề quan trọng, cốt lõi để Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh vào năm 2030.
Các đơn vị tư vấn quốc tế khi tham gia lập 7 quy hoạch chiến lược phát triển trong thời kỳ mới của tỉnh Quảng Ninh đều đã khái quát, hai tuyến phía Đông và phía Tây của tỉnh với những thế mạnh đặc thù riêng sẽ góp phần tạo nên thế phát triển đa chiều của tỉnh Quảng Ninh, trong đó phía Đông là lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu cả trên bộ, trên biển sẽ là cánh cửa mở ra thị trường Trung Quốc rộng lớn của khu vực ASEAN. Còn tuyến phía Tây với những giá trị riêng có từ quần thể di sản nhà Trần ở Yên Tử (Uông Bí), Ngọa Vân (Đông Triều) tạo ra những giá trị phát triển đặc biệt, độc đáo cho hành lang du lịch tâm linh Bắc Nam.
Đặc biệt trong tuyến hành lang phía Tây của tỉnh với Khu kinh tế Quảng Yên đang được tập trung đầu tư phát triển chắc chắn sẽ tạo cực tăng trưởng mới không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh. Bởi KKT ven biển này sẽ khai thác tối đa lợi thế phát triển liên kết vùng, khai thác hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Hải Phòng-Quảng Ninh, cùng khai thác lợi thế phát triển của cảng biển tại khu vực cửa sông Bạch Đằng giữa KCN Đình Vũ (Hải Phòng) và KCN Đầm Nhà Mạc (Quảng Ninh), khai thác được lợi thế về phát triển kinh tế biển của đất nước, lợi thế về thương mại logistic. Điều này hoàn toàn trùng khớp với định hướng phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai điểm đột phá” của tỉnh.
Đi theo định hướng phát triển này, trong gần 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn, Móng Cái. Trong đó, đối với 2 địa phương Đông Triều, Uông Bí đã kêu gọi được các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ khai thác lợi thế phát triển du lịch tâm linh trên tuyến Ngọa Vân-Yên Tử. Đồng thời chuẩn bị triển khai thực hiện tốc độ cao 10 làn xe ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua Quảng Yên - Uông Bí đến Đông Triều kết nối giao thông hiện đại trên tuyến hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh. Phối hợp với tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng để thực hiện các cầu nối giữa các tỉnh như cầu Lại Xuân, cầu Triều, cầu Rừng, cầu Văn Đức.
Riêng đối với KKT Quảng Yên được hình thành trên cơ sở 2 khu: Khu phức hợp đô thị, công nghiệp, công nghệ cao tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên AMATA và Khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc. Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 5/6/2020 đã đồng ý về nguyên tắc việc thành lập KKT Quảng Yên. Đây là KKT giữ vai trò hạt nhân mới của tuyến phía Tây, một trong những động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ninh. Quảng Yên sẽ trở thành đô thị thông minh theo mô hình phát triển kinh tế công nghiệp sạch, công nghệ cao kết hợp với phát triển dịch vụ, đặc biệt là khai thác hiệu quả hạ tầng động lực của cả tỉnh.
Đối với 2 điểm đột phá là KKT Vân Đồn và KKTCK Móng Cái đã có sự chuyển động mạnh mẽ và định hướng đi rõ ràng, thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Trong đó, KKT Vân Đồn từ năm 2012 đến hết năm 2019, đã huy động, thu hút được gần 57.600 tỷ đồng (tương đương 2,62 tỷ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực. Với sức hấp dẫn đặc biệt về địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khác biệt...tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Vân Đồn đã có 54 dự án ngoài vốn ngân sách còn hiệu lực (vốn đăng ký đầu tư 14,39 triệu USD và 23.726,6 tỷ đồng).
Hiện nay, chiến lược xây dựng Vân Đồn là Khu kinh tế đặc biệt đã được các nhà đầu tư tầm cỡ thế giới đón nhận bằng các dự án đầu tư hàng tỷ USD đang triển khai thần tốc. Nhiều nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam đã có mặt và triển khai các dự án lớn tại Vân Đồn như: Tập đoàn Sungroup đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long- Vân Đồn; khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn I; khu dịch vụ phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại KKT Vân Đồn...tổng vốn đăng ký của các dự án khoảng 72.000 tỷ đồng; Tập đoàn CEO đầu tư dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; SONASEA DRAGON Bay; CTCP Đầu tư xây dựng Hải Đăng đầu tư quần thể dự án sân Golf, khách sạn 5 sao, khu nghĩ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên, Khu đô thị Ao Tiên...
Từ Vân Đồn khi tuyến cao tốc nối ra Móng Cái hoàn thành thì sự liên hoàn trong nhịp phát triển kinh tế giữa 2 điểm đột phá này sẽ được khai thác hiệu quả. KKTCK Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn 2040; UBND tỉnh phê duyệt 7/14 quy hoạch các phân khu chức năng. Năm 2018, TP Móng Cái được Chính phủ công nhận thành phố đô thị loại II. Năm 2020, khai trương vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Móng Cái. Vì vậy đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch Khu vực hai bên đường dẫn cầu Bắc Luân II và phần mở rộng với diện tích quy hoạch 1.360ha; Tập đoàn FLC đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch khu đô thị mới Ninh Dương với quy mô nghiên cứu 480ha; Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trà Cổ 1, Trà Cổ 2 (quy mô 200ha); Dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái FAM - tổng diện tích khoảng 537,6ha... Tập đoàn T&T đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp, thương mại - dịch vụ, du lịch tại phường Hải Hòa với quy mô khoảng 225ha. Móng Cái hiện đứng thứ 3 toàn tỉnh Quảng Ninh về thu hút FDI với 22 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 650 triệu USD.
Mở cánh cửa phát triển Đông – Tây, tạo thế và lực để Quảng Ninh thực sự là trụ cột tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, một trung tâm phát triển, động lực đóng góp cho phát triển đất nước.
Thực hiện chiến lược phát triển đất nước 2011, Quảng Ninh chủ động nhận diện rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhận thức rõ hơn những mâu thuẫn, thách thức để xác định mục tiêu và định hướng phát triển đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước. Thực hiện mục tiêu này, để có chỉ dẫn trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư chiến lược cho sự phát triển bền vững, từ năm 2011 tỉnh Quảng Ninh tập trung triển khai lập 7 quy hoạch quan trọng cấp tỉnh gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển khoa học công nghệ; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch bảo vệ môi trường. Các quy hoạch này được thực hiện dưới sự tư vấn của các Tập đoàn, đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey (Mỹ), Nikken Seikei (Nhật Bản), BCG (Mỹ), Nippon Koie (Nhật Bản)... 7 quy hoạch chiến lược này đã được các đơn vị tư vấn quốc tế kết hợp với đội ngũ chuyên gia các sở, ngành, địa phương của tỉnh xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa thực tế với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và được triển khai thực hiện. Tỉnh đã thực hiện công bố công khai, mô hình hóa để giới thiệu các quy hoạch tại Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 56,6%, quy hoạch chi tiết xây dựng các địa phương đạt 56,9%, quy hoạch nông thôn mới đạt 100%.
Kết quả phát triển của tỉnh Quảng Ninh sau gần 10 năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước 2011 cho thấy 7 quy hoạch chiến lược trở thành chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phân bố không gian phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai điểm đột phá”, làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Hệ thống đô thị của tỉnh được tập trung phát triển, nâng cấp theo quy hoạch, trong đó TP Hạ Long được công nhận là đô thị loại I; TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí là đô thị loại II; TX Đông Triều, TX Quảng Yên là đô thị loại III; thị trấn Cái Rồng, thị trấn Tiên Yên mở rộng là đô thị loại IV. Đến nay, toàn tỉnh có 13 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Trong đó, TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đặc biệt, TP Hạ Long sau khi nhập toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoành Bồ vào thành TP Hạ Long mới đã được mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt vốn có của hai địa phương, phát huy mọi nguồn lực, làm hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; hoàn thành cầu Bắc Luân 2 và đường dẫn, cảng cạn ICD km3+4... đã tạo thuận lợi thu hút phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, logistics gắn với cửa khẩu biên giới.
TP Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đồng bộ, bền vững, điển hình về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. TP Uông Bí và TX Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, động lực trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh.
KKT Vân Đồn thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch chung xây dựng. Nhờ đó huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của khu kinh tế như sân bay, đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch…, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp, từng bước xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh.
Các khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn từng bước được đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng cùng với khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành đầu mối giao thương hàng hóa đa chức năng khu vực biên giới, góp phần tăng thu ngân sách, tăng thu nhập cho cư dân biên giới, vùng khó khăn.
Tỉnh đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên với các cơ chế, chính sách tương đương khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, cùng với việc đang triển khai tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều đã đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn của Quảng Yên, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây của tỉnh. Đến nay, đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Amata, Vingroup, Foxconn, TCL... quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics, phát triển đô thị theo hướng hiện đại, công nghệ cao.
Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, với vị trí, vai trò của tỉnh Quảng Ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và những tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh đã thực sự là những chỉ dẫn đầu tư quan trọng, có tính đột phá và đủ sức kiến tạo cho phát triển, tương xứng với tiềm năng, xây dựng nền tảng cho những bước đi thích hợp trong chiến lược phát triển của tỉnh là trụ cột trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Chỉ đạo về phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với trọng tâm là “tam giác phát triển” gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đón bắt có hội phát triển trong bối cảnh tình hình mới, Quảng Ninh nhận rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế cần có chiến lược khắc phục phù hợp. Đó là, sự đóng góp vào thành quả chung của đất nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh mà tỉnh đang sở hữu. Du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng còn chậm so với tiềm năng, lợi thế. Thương mại biên giới phát triển chưa bền vững. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa có nhiều đột phá. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh….
Những hạn chế này đặt ra cho Quảng Ninh nhiệm vụ phải tiếp tục có những đột phá mới vượt qua những giới hạn để có bứt phá trong thập niên tiếp theo sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển đất nước 2011 và 35 năm đổi mới. Trong đó quy hoạch tiếp tục đi trước để có quy hoạch tốt, có dự án tốt. Được sự đồng ý của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất mời đơn vị tư vấn tham gia triển khai lập quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo hướng tích hợp được giá trị của các quy hoạch giai đoạn trước còn phù hợp, nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
Đó là, quy hoạch thể hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển. Nhất là tư duy phát triển bền vững về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của Quảng Ninh, là từ “nâu” sang “xanh”. Kiên định quan điểm phát triển không gian của tỉnh theo hướng “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây... phù hợp với chiến lược, quy hoạch. Song cùng với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, đồng bộ về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, quy hoạch phát triển đô thị gắn với đầu tư hạ tầng giao thông kết nối lên các xã vùng cao, giao thông nội đô thị, quy hoạch cấp thoát nước, chiếu sáng. Trong đó, Khu kinh tế Vân Đồn xây dựng trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại. Đồng thời thực hiện lộ trình tái lập thị xã Tiên Yên trước năm 2027. Xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà trở thành đô thị hiện đại gắn với xây dựng khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.
Xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế thương mại biên giới tại các cửa khẩu như Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Gắn kết phát triển đô thị với phát triển nông thôn, giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho dân cư đô thị, mở rộng các loại hình nhà ở, có chính sách phù hợp để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Hoàn thành xây dựng Đề án thành phố thông minh tại thành phố Hạ Long, thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn và một số khu đô thị mới.
Mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ nhiều năm trước. Đặc biệt trong 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh Quảng Ninh do đơn vị tư vấn quốc tế lập đều đã xây dựng các điều kiện để đảm bảo thực hiện mục tiêu này. 10 năm qua nhìn lại kết quả thực hiện những đổi mới, đột phá tạo ra giá trị khác biệt và nền tảng bền vững cho sự phát triển, Quảng Ninh đang chạy giai đoạn nước rút về đích thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2030.
Ý kiến ()