
Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2025) Vẹn nguyên ký ức Điện Biên
71 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ký ức về một thời “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về những trận đánh khốc liệt giành giật từng tấc đất, đoạn hào trên các cứ điểm và những cảm xúc hân hoan khi quân ta toàn thắng vẫn hằn sâu trong trái tim của những người lính năm xưa.
Ở tuổi 95, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ của 71 năm về trước, nét mặt CCB Trần Xuân Thoại (khu 8A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) lại trở nên phấn chấn, đôi mắt sáng ngời tinh anh.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, năm 1947 khi tròn 17 tuổi, ông Trần Xuân Thoại xung phong vào bộ đội thuộc LLVT Liên khu 4. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Thoại cùng đơn vị tham gia đánh địch tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Cuối năm 1953, để bổ sung lực lượng cho quân đội ta đánh địch tại Điện Biên Phủ, Liên khu 4 đã tăng cường 1 đại đội cho Đại đoàn 304. Ông Trần Xuân Thoại hành quân từ Nghệ An, Thanh Hóa lên Phú Thọ. Tại đây đơn vị được chia thành 4 trung đội, ông Thoại ở Trung đội 4, Đại đội 8, Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.

Đầu năm 1954, đơn vị của ông Thoại hành quân từ Phú Thọ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau hơn 2 tháng hành quân xuyên rừng, đến cuối tháng 2/1954 thì đến địa điểm tập kết. CCB Trần Xuân Thoại nhớ lại: Trung đoàn 57 của tôi có nhiệm vụ đánh vào cứ điểm Hồng Cúm được Pháp đặt tên là Isabelle. Đây là một cụm cứ điểm mạnh nằm ở phía Nam gồm 3 đồn đóng liền nhau là đồn A ở bờ Bắc sông Nậm Rốm, đồn B và C ở bờ Nam, cạnh đấy có một sân bay chạy dài theo đường 41.
Mục đích của Pháp khi lập ra cụm cứ điểm này là giúp cho Mường Thanh không bị trơ trọi, để 2 cụm cứ điểm có thể che chở, yểm hộ cho nhau bằng pháo binh, xe tăng và cả bộ binh. Mục tiêu của Trung đoàn 57 là vây đánh cụm cứ điểm Hồng Cúm không chỉ kiềm chế, cô lập, ngăn không cho Pháp viện trợ tới Hồng Cúm, mà còn phải từng bước thọc sâu, phá rào, mở cửa tấn công cứ điểm, tiến vào trung tâm phân khu Hồng Cúm. Quân ta đánh theo cách vây lấn, hình thành cánh cung tiến sát vào các đồn ở Hồng Cúm.

Trong ký ức của CCB Trần Xuân Thoại không thể quên được ngày 25/3/1954, sau 2 ngày quân ta tiến công. Đơn vị cối 82mm đã bắn hết đạn, ông Thoại cùng 2 người về kho cách đó khoảng 1km để lấy đạn; khi trở lại trận địa, khẩu đội đã bị địch phản pháo, 3 người đồng đội của ông đã hy sinh, khẩu cối bị địch bắn hỏng.
Sau khi khẩu cối bị địch bắn hỏng, ông Trần Xuân Thoại được bổ sung cho đơn vị bộ binh thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, tiếp tục đào hào vây lấn đánh địch. Tối 6/5/1954, quân ta dự đoán, địch có thể phá vòng vây theo đường 41 chạy sang thượng Lào. Đơn vị của ông Thoại được lệnh di chuyển lên đào công sự chốt chặn. Ngày 7/5 khi trung tâm tập đoàn cứ điểm ở Mường Thanh thất thủ, toàn bộ binh lính Pháp cứ điểm Hồng Cúm cũng giơ cờ trắng đầu hàng; chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Nhớ lại những cảm xúc của 71 năm về trước, CCB Phạm Xuân Dục (90 tuổi) ở khu 7A, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, tự hào khi được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. CCB Phạm Xuân Dục kể: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ tôi thuộc biên chế ở Đại đội 455, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, là liên lạc bổ sung cho đơn vị đánh đồi A1. Trận chiến diễn ra ác liệt, quân ta thương vong rất lớn, nhất là đợt tấn công từ đầu tháng 4/1954. Chúng tôi giành nhau với địch từng mét giao thông hào; người trước ngã xuống, người sau tiến lên.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, CCB Trần Xuân Thoại được đi học ở Trung Quốc, sau đó phục vụ trong lực lượng Hải quân đóng tại Quảng Ninh và nghỉ hưu năm 1987. Còn CCB Trần Xuân Dục ở trong quân đội tham gia tái thiết miền Bắc XHCN. Năm 1961 ông về Quảng Ninh, rời quân ngũ về công tác tại Công ty Than Hòn Gai; Xí nghiệp Xây lắp mỏ; Thị ủy Hòn Gai; giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Hà Lầm, năm 1991 nghỉ chế độ.
Theo số liệu của Hội CCB tỉnh, hiện nay ở Quảng Ninh có khoảng 130 CCB đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Giờ đây, các CCB đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng tinh thần, hào khí Điện Biên năm xưa vẫn vẹn nguyên, trở thành nguồn động lực để họ vượt qua những gánh nặng của tuổi tác, bệnh tật, cũng như năm tháng mưu sinh.
Ý kiến ()