
Phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc
Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Tỉnh ủy "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững” xác định rõ định hướng phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) được coi là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển toàn diện được tỉnh tập trung thực hiện.
Một trong những điểm nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU là sự thay đổi rõ nét trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò của văn hóa. Nếu như trước đây, bảo tồn văn hóa DTTS thường bị xem là việc mang tính lễ nghi, hình thức, thì hiện nay đã được nhìn nhận là một nội dung trọng tâm trong phát triển con người, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và tạo dựng bản sắc riêng cho từng địa phương. Năm 2024, Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y được khánh thành. Công trình có tổng mức đầu tư 800 triệu đồng, tái hiện 5 không gian văn hóa người Dao Thanh Y, chú thích song ngữ Việt - Anh, bao gồm: Không gian trưng bày trang phục nam - nữ dân tộc; không gian giới thiệu chung lễ cấp sắc; mô hình nhà trình tường; không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y; một số hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y.
Công trình trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công, là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Ông Triệu Văn Loan (xã Thượng Yên Công) chia sẻ: "Nhà văn hóa là nơi bà con gặp gỡ nhau mỗi dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng. Chúng tôi rất mừng khi nơi đây đã trở thành địa điểm đón khách du lịch, nơi giới thiệu những bản sắc văn hóa của dân tộc mình tới bạn bè khắp mọi miền và quốc tế".

Triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU, tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù cho vùng đồng bào DTTS, trong đó có chương trình hỗ trợ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, như tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, âm nhạc dân tộc… Cụ thể, các lớp dạy tiếng dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu được tổ chức ở nhiều xã: Đồng Văn (huyện Bình Liêu), Đại Dực (huyện Tiên Yên), Quảng Sơn (huyện Hải Hà)..., tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nguồn cội, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và giữ gìn sự đa dạng văn hóa. Trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, các địa phương trong tỉnh căn cứ đặc thù văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn xây dựng các câu lạc bộ dân ca, dân vũ ở từng thôn, bản, tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa dân tộc cấp huyện, cấp tỉnh định kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử - văn hóa của các DTTS như đình, đền, chùa, miếu,… được đầu tư trùng tu, tôn tạo, trở thành điểm đến tâm linh, văn hóa hấp dẫn. Một số công trình tiêu biểu như: Khu văn hóa Lục Ngạn (huyện Tiên Yên), bản người Dao Thanh Y (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), tuyến du lịch văn hóa tâm linh dọc sông Tiên Yên… đang từng bước khẳng định vai trò của văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đặc biệt, trong phát triển du lịch, tỉnh lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc vào sản phẩm du lịch địa phương. Du khách đến huyện Bình Liêu không chỉ chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, như sống lưng khủng long, thác Khe Vằn, rừng sở hoa trắng…, mà còn được đắm mình trong không gian văn hóa đậm chất Dao với chợ phiên, lễ hội kiêng gió, nghi lễ cưới hỏi, cấp sắc… Tại huyện Tiên Yên, các hoạt động du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa dân tộc Tày, Sán Dìu cũng đang phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm.
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) cũng đóng vai trò đắc lực trong việc phát huy giá trị văn hóa bản địa. Nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa dân tộc, như: Miến dong, rượu men lá, lá tắm người Dao… đã trở thành hàng hóa có thương hiệu, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, giữ gìn tri thức dân gian quý báu.
Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, mà còn là quyền lợi, niềm tự hào và nghĩa vụ của mỗi người dân. Khi mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều ý thức được giá trị văn hóa của mình, thì bản sắc văn hoá sẽ trở thành nguồn lực mềm vô giá, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước như mục tiêu Nghị quyết số 17-NQ/TU đã đề ra.
Ý kiến ()