
Tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013: Trách nhiệm công dân
Việc lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được triển khai rộng rãi, với sự tham gia tích cực của người dân trên khắp cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là dịp để mỗi công dân thể hiện quyền làm chủ và trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước.
Ngày 5/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 452 đại biểu tán thành, chiếm 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội. Từ ngày 6/5/2025, việc lấy ý kiến nhân dân về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã được triển khai trên toàn quốc.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bàn đến hai nhóm nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại chương 9 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Mặc dù số lượng điều khoản sửa đổi, bổ sung không lớn (8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp 2013) nhưng đều là những nội dung có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và sự vận hành của hệ thống chính trị. Vì vậy, việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thủy (khu 4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Lần sửa đổi này tôi quan tâm tới việc thực sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ xã, tới tỉnh, chỉ còn 2 cấp. Mong rằng qua những ý kiến đóng góp của người dân, Quốc hội sẽ chọn lọc, quyết sách những nội dung tinh túy nhất để vận hành đất nước phát triển ổn định.

Hiện nay, các hình thức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp bao gồm: Góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an; góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội và Chính phủ; gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến. Hiện nay, Bộ Công an đã thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích để lấy ý kiến nhân dân trên ứng dụng VNeID từ ngày 6/5 đến hết ngày 29/5/2025; Văn phòng Chính phủ đã xây dựng chuyên mục "Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013" trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia góp ý…
Anh Phạm Minh Quốc, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hồng Gai (TP Hạ Long) chia sẻ: Việc tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được thực hiện trên các hệ thống điện tử là cách làm rất hợp lý. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết người dân dễ dàng tiếp cận, bày tỏ quan điểm và góp ý. Là người trẻ, tôi càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình để nghiên cứu, đóng góp vào nội dung sửa đổi Hiến pháp.
Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc trong tiến trình phát triển đất nước. Hiến pháp không chỉ là đạo luật gốc, nền tảng cho hệ thống pháp luật quốc gia mà còn là bản cam kết chính trị giữa Nhà nước và nhân dân. Do đó, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân là điều tất yếu, thể hiện bản chất dân chủ, vì dân của Nhà nước ta. Hiện nay, tại các địa phương trong toàn tỉnh, đội ngũ CBCCVC-LĐ, nông dân, người cao tuổi, thanh niên… đang tích cực tham gia một cách tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề lớn của đất nước.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Đức Chính, TP Đông Triều) cho biết: "Tôi rất đồng tình với việc bổ sung, làm rõ hơn các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp. Quyền được thông tin, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được quy định cụ thể, để người dân yên tâm sống và làm việc".
Chị Trần Thị Hoa (công nhân tại KCN Việt Hưng, TP Hạ Long) bày tỏ: Tôi đã tham gia góp ý nên chú trọng đến các chính sách bảo vệ người lao động trong Hiến pháp, nhất là về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quyền được làm việc trong môi trường an toàn…
Việc người dân tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 thể hiện tinh thần làm chủ và trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước. Thông qua các hình thức góp ý đa dạng và thuận tiện, mỗi công dân có cơ hội đóng góp ý kiến, phản ánh nguyện vọng và kỳ vọng của mình vào quá trình hoàn thiện Hiến pháp – nền tảng pháp lý tối cao của đất nước.
Ý kiến ()