
Chăm lo bữa ăn bán trú cho trẻ em dân tộc thiểu số
Chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thể lực, trí lực cho thế hệ trẻ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030, trong đó nổi bật là Dự án 7 về cải thiện dinh dưỡng.
Tại huyện Ba Chẽ, một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao của tỉnh, công tác tổ chức bán trú cho học sinh đã được đặc biệt quan tâm. Điển hình như tại Trường Tiểu học và THCS Nam Sơn (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) - ngôi trường vùng cao với trên 90% học sinh là người DTTS, nhiều em có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Với đặc thù địa bàn rộng, thôn bản cách xa trường chính, có điểm cách hơn 20km, việc tổ chức bán trú không chỉ giúp các em thuận lợi trong học tập mà còn đảm bảo đời sống, dinh dưỡng cho học sinh.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, học sinh bán trú của trường được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định. Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt bán trú cũng được đầu tư khang trang: phòng ở khép kín, nhà ăn, bếp nấu sạch đẹp, có nhân viên cấp dưỡng đảm nhiệm chăm sóc bữa ăn hằng ngày cho các em.
Không dừng lại ở đó, nhà trường còn tích cực thực hiện xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ thực phẩm, giúp cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh. Những bữa cơm đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần thiết thực nâng cao thể lực, sức khỏe cho học sinh dân tộc thiểu số - mục tiêu cốt lõi của Dự án 7.
Để giáo dục kỹ năng sống và cải thiện dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường còn tổ chức mô hình trồng rau xanh, cây ăn quả, nuôi gia cầm ngay trong khuôn viên trường. Các em được trực tiếp tham gia lao động, từ đó không chỉ bổ sung nguồn thực phẩm cho bữa ăn mà còn rèn luyện tính tự lập, ý thức bảo vệ môi trường, hiểu được giá trị lao động chân chính.

Những nỗ lực trong tổ chức bán trú tại Trường Tiểu học và THCS Nam Sơn đã mang lại kết quả tích cực. Tỷ lệ học sinh bán trú ngày càng tăng, tại điểm trường chính, bậc tiểu học đạt trên 90%, bậc THCS đạt trên 75%, thôn xa như Làng Mới đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối. Điều này không chỉ giúp duy trì sĩ số mà còn giảm thiểu tình trạng bỏ học, tạo môi trường học tập ổn định, thân thiện cho học sinh vùng cao.
Trên quy mô toàn tỉnh, thực hiện Dự án 7, Quảng Ninh đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công tác dinh dưỡng học đường. Với Nghị quyết số 22 ngày 31/10/2023 của HĐND tỉnh, học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn 720 nghìn đồng/tháng, giúp giảm gánh nặng chi phí cho các gia đình đông con. Tỉnh cũng dành hơn 31,3 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ tiền ăn, kinh phí tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại các địa bàn khó khăn, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.
Đặc biệt, thực hiện Đề án "Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025", tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% và thể thấp còi xuống dưới 17%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tại vùng khó khăn không ngừng nâng cao chất lượng bữa ăn, đa dạng hóa khẩu phần, tăng cường giáo dục dinh dưỡng, vận động xã hội hóa nguồn lực nhằm cải thiện bữa ăn bán trú cho học sinh. Hoạt động truyền thông dinh dưỡng, kết nối các nhà hảo tâm, vận động phụ huynh cho trẻ đi học chuyên cần cũng được triển khai đồng bộ.
Việc quan tâm, chăm lo bữa ăn bán trú không chỉ bảo đảm sức khỏe thể chất cho trẻ em DTTS mà còn là giải pháp quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới.
Ý kiến ()