
“Chủ động phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập mùa mưa bão"
Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ, đập trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường về nội dung này.
![]() - Ông đánh giá tổng quan về vai trò, hiện trạng của hệ thống đê điều, hồ, đập trên địa bàn tỉnh trong phòng chống thiên tai? + Hiện nay, hệ thống đê toàn tỉnh có khoảng 397km (33km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V), hệ thống đê có nhiệm vụ bảo vệ khoảng 43.600ha diện tích và khoảng 250.000 người. Trong khoảng 30 năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án nâng cấp, tu bổ… đã làm thay đổi cơ bản về khả năng chống chịu của hệ thống đê trước thiên tai. Nếu như giai đoạn năm 2000 trở về trước, hệ thống đê điều của Quảng Ninh chỉ có khả năng chịu được gió cấp 7 kết hợp triều cường tần suất 10% thì hiện nay hệ thống đê có khả năng chịu được gió bão cấp 9-10 kết hợp thủy triều tần suất 10%, đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc. Tuy nhiên, là địa phương có đặc điểm địa hình trải dài trực diện với biển, thường xuyên phải đối mặt với hình thái bão biển và trước thực tế thiên tai ngày càng bất thường và gia tăng về cường độ, điển hình như cơn bão số 3 (ngày 7/9/2024), thì hệ thống đê của tỉnh vẫn phải cần được tiếp tục đầu tư nâng cấp. |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 176 hồ chứa các loại (loại lớn 22 hồ, loại vừa và nhỏ 154 hồ) với tổng dung tích thiết kế khoảng 360 triệu m3, có nhiệm vụ bảo đảm tưới cho 33.100ha diện tích nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp khoảng 36 triệu m3, nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha. Hệ thống hồ, đập được bố trí rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Các năm gần đây, nhu cầu sử dụng nước của tỉnh ta từ 450-500 triệu m3/năm và nhu cầu này sẽ tăng lên trong thời gian tới, dự kiến đến năm 2030 sử dụng khoảng 650 triệu m3/năm và xu hướng nước phục vụ nông nghiệp giảm dần và nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ khác tăng và hầu hết nguồn nước đều được khai thác từ các hồ chứa. Vì vậy, hệ thống hồ đập có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện các công trình lớn và vừa đều giao cho các Công ty TNHH 1 thành viên Thủy lợi quản lý, vận hành, các hồ nhỏ còn lại giao cho UBND cấp huyện quản lý.
Về công trình kè khu vực biên giới, qua rà soát, chiều dài các tuyến kè bảo vệ trên toàn tuyến biên giới khoảng 88km. Trong các năm qua, ngoài việc hoàn thành việc cắm mốc phân định biên giới trên đất liền, tỉnh đã xây dựng 18 công trình bảo vệ bờ sông, suối khu vực biên giới với tổng chiều dài 22,3km. Vừa qua, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh chủ trì lập chủ trương đầu tư xây dựng khoảng 65,7km kè bảo vệ bờ sông, suối trên địa bàn các địa phương trên. Dự kiến, hoàn thành chủ trương trong năm 2025 và tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

- Thời tiết thường có những diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập trước mùa mưa bão sắp tới, tỉnh có giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
+ Ngay sau khi mùa mưa bão năm 2024 kết thúc, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ đảm bảo an toàn công trình sẵn sàng bước vào mùa bão năm 2025 với các nhóm giải pháp đồng bộ. Sở phối hợp với các địa phương có đê tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê năm 2025 trên địa bàn. Theo đó, thực hiện tu bổ 8 công trình đê điều cấp IV. Hiện Sở đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đưa vào khai thác, vận hành trong tháng 6/2025.
Trước thực tế thiên tai xảy ra khốc liệt như bão số 3 năm 2024 và thực trạng đê điều hiện nay của tỉnh, Sở đã đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép lập Đề án nâng cao an toàn hệ thống đê điều của tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2025-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu của đề án là đề xuất giải pháp nâng cấp các tuyến đê của tỉnh lên mức đủ khả năng chống chịu được thiên tai có cường độ tương tự như bão số 3 kết hợp thủy triều cao.
Sở đề xuất UBND tỉnh và chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, năm 2025 ưu tiên nghiên cứu giải pháp kín hóa hệ thống dẫn nước của công trình hồ Yên Lập đảm bảo chất lượng nước phục vụ Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, TP Uông Bí và Tây TP Hạ Long; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công trình hồ chứa C22 trên đảo Cô Tô để bổ sung nguồn nước phục vụ nhân dân và khách du lịch.
Sở đã chỉ đạo các Công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi, các địa phương tổ chức rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa các công trình sẵn sàng đón lũ năm 2025. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá lại các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn; căn cứ vào diễn biến, các tình huống thiên tai đã xảy ra để xác định từng vùng trọng điểm và xây dựng phương án bảo vệ của từng vùng; rà soát, đánh giá lại số lượng, chất lượng các loại vật tư, phương tiện PCTT&TKCN hiện có để có phương án bổ sung phù hợp, kịp thời.
Ngoài ra Sở tổ chức xây dựng, phê duyệt Phương án bảo vệ vùng trọng điểm đê Hà Nam, TX Quảng Yên, có kịch bản tình huống thiên tai và các giải pháp xử lý. Công tác tuần tra, canh gác, chủ động phát hiện và xử lý các sự cố công trình, các hành vi vi phạm đặc biệt coi trọng. Tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ công trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai, công tác bảo vệ công trình phòng chống thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phát huy hiệu quả cao nhất tính chủ động phòng chống thiên tai trong cộng đồng…
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()