
Tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch
Nhằm đảm bảo ANTT trên địa bàn, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiêm chỉ đạo tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Qua đó, công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc diện nhạy cảm được siết chặt, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh và tuân thủ pháp luật.
Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hạ Long, nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như massage, hỗ trợ tài chính, cơ sở lưu trú… đã nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là những điều kiện liên quan đến ANTT và PCCC.
Một trong những ví dụ điển hình là cơ sở dịch vụ xoa bóp Đào Nhĩ Thành Đô Hạ Long (phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Đây là cơ sở kinh kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ về ANTT. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đánh giá cơ sở tuân thủ tương đối đầy đủ quy định pháp luật, có giấy phép hợp lệ, môi trường hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần cải thiện như: Quy trình xoa bóp chưa được niêm yết đầy đủ, cách bố trí tủ đồ và thiết bị trong phòng chưa hợp lý, bình chữa cháy chưa đầy đủ, chưa đặt ở vị trí dễ quan sát, dễ lấy và dễ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp... Chị Nguyễn Thu Huyền (Quản lý cơ sở) cho biết: "Sau khi được tổ công tác nhắc nhở, cơ sở nghiêm túc khắc phục ngay các thiếu sót. Cơ sở hiện có 10 nhân viên, được đào tạo thường xuyên để nâng cao kỹ năng, cũng như nhận thức pháp luật, đảm bảo phục vụ khách một cách chuyên nghiệp, đúng quy trình, quy định, ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể phát sinh...".
Không chỉ các cơ sở massage, các khách sạn và đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn cũng ngày càng chú trọng đến công tác đảm bảo ANTT, đặc biệt trong bối cảnh lượng khách du lịch đến Hạ Long ngày càng tăng cao.

Tại khách sạn Paddington Halong Bayview (phường Hồng Hà), bà Bùi Minh Trâm (CEO Khách sạn) cho biết: Ngay khi khách check-in, đơn vị cập nhật thông tin lưu trú vào hệ thống. Ngoài hệ thống camera giám sát, nhân viên khách sạn được đào tạo bài bản để phát hiện các hành vi đáng ngờ, có thể từ chối khách ngay khi thấy họ có các biểu hiện lạ liên quan đến các tệ nạn xã hội, như sử dụng chất cấm, hoặc các hành vi không lành mạnh. Đơn vị siết chặt việc kiểm soát khách ở lại qua đêm và có cơ chế phản ứng nhanh khi phát hiện mùi, vật lạ trong phòng.
Không chỉ các cơ sở lưu trú trên bờ, các du thuyền có hải trình 3 ngày, 2 đêm hoặc 2 ngày, 1 đêm trên Vịnh Hạ Long cũng là các cơ sở lưu trú đặc thù trên biển. Công ty TNHH Du thuyền Bhaya đã thực hiện nghiêm việc khai báo thông tin khách. Theo chị Trần Linh Trang, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận điều hành và kinh doanh, khai báo thông tin khách ngay từ khi đặt tour theo các hành trình 2-3 ngày. Trước khi khách lên tàu, tại quầy check in, Công ty kiểm tra đầy đủ giấy tờ tùy thân để khớp với thông tin khách đặt cũng như nhận dạng, đối với khách Việt sử dụng căn cước, còn khách quốc tế phải có hộ chiếu và visa hợp lệ, có dấu xác nhận của cơ quan chức năng.
Sau khi triển khai mô hình Công an địa phương hai cấp, không còn Công an cấp huyện, phần lớn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi về đơn vị quản lý ANTT. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng cập nhật thông tin, làm lại thủ tục phù hợp với cấp quản lý mới. Lực lượng công an cũng hướng dẫn để các doanh nghiệp hoàn thiện lại hồ sơ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Trung tá Trần Minh Hiển, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) cho biết: Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở được lồng ghép với hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là các quy định mới. Bên cạnh các đợt kiểm tra định kỳ, đơn vị tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm như không khai báo lưu trú, sử dụng con dấu trái phép, tàng trữ vũ khí hoặc không đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định.
4 tháng đầu năm 2025, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã xử phạt hành chính 31 cá nhân, tổ chức. Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm: Tàng trữ vũ khí trái phép, không thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận mẫu con dấu, không lưu trữ thông tin khách lưu trú, không lập sổ theo dõi hoạt động kinh doanh đúng quy định.
Việc tăng cường kiểm tra, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT không chỉ nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở trong việc thực thi pháp luật. Qua đó, giữ gìn ANTT trên địa bàn, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, lành mạnh.
Ý kiến ()