
Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất
Trong bối cảnh đòi hỏi cao về hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường và thúc đẩy đầu tư, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy hoạch chiến lược, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Tỉnh xác định rõ yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm sự minh bạch, nhất quán giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu phát triển thực tế. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Tính đến giữa tháng 3/2025, tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung trên địa bàn tỉnh đã đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 60%, quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng đã triển khai hoàn chỉnh tại 100% đơn vị hành chính cấp xã. Quảng Ninh đã hoàn thành 100% kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cho toàn bộ 13 đơn vị hành chính cấp huyện, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định pháp luật. Việc này không chỉ thể hiện năng lực điều hành tốt, mà còn mở ra hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thu hút đầu tư, giao đất, cho thuê đất theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Đặc biệt, công tác giao đất, cho thuê đất tại các khu công nghiệp (KCN) diễn ra chuyển biến rõ rệt. Đến nay, tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng tại các KCN là 2.717ha; trong đó, UBND tỉnh đã quyết định giao, cho thuê 1.941,57ha và cho thuê lại thứ cấp 1.114,78ha với tỉ lệ lấp đầy bình quân đạt 76,28%.
Bên cạnh đó, công tác quản lý không gian biển cũng được chú trọng. Đến ngày 15/3/2025, hơn 9.593 ha diện tích biển đã được giao cho các tổ chức, hộ gia đình; trong đó, 9.304,16 ha giao cho 1.241 tổ chức, cá nhân và 288,9 ha giao thụ hưởng cho 470 hộ dân tạo nền tảng để phát triển kinh tế biển bền vững. Hiện đã có 92 tổ chức, doanh nghiệp và hợp tác xã đề xuất triển khai các dự án đầu tư nuôi trồng biển, mở ra triển vọng phát triển một ngành hàng xuất khẩu mới mang bản sắc biển Quảng Ninh.

Song song đó, tỉnh cũng tích cực triển khai xây dựng bảng giá đất lần đầu theo Luật Đất đai năm 2024. Đây là một nhiệm vụ mang tính bước ngoặt, không chỉ ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, mà còn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước. Tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Quy định các yếu tố xác định giá đất cụ thể, đảm bảo khách quan, minh bạch, sát thực tế và phù hợp với từng khu vực.
Một trong những điểm nghẽn lớn trong công tác quản lý đất đai nhiều năm qua là tiến độ giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu san lấp. Quý I năm nay, Quảng Ninh đã có những bước tiến quyết liệt để tháo gỡ. Quyết định số 06/2025/QĐ-UBND ban hành ngày 22/01/2025 về bộ đơn giá bồi thường tài sản gắn liền với đất giúp thống nhất, đồng bộ việc định giá đền bù, từ đó đẩy nhanh công tác GPMB. Cùng với đó, 14 khu vực khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng hàng chục triệu mét khối đã được công bố công khai, cấp phép điều tiết linh hoạt. Những giải pháp này đã nhanh chóng được vận dụng tại nhiều dự án lớn của tỉnh, giảm áp lực chậm tiến độ, đặc biệt tại các tuyến hạ tầng chiến lược như đường ven sông nối từ Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều, đường kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh…

Song hành cùng những nỗ lực đó, công tác kiểm kê tài sản công và giám sát tài nguyên khoáng sản cũng được tỉnh quan tâm đặc biệt. Việc rà soát tổng thể các trụ sở, công trình, dự án không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả được triển khai khẩn trương, qua đó đề xuất giải pháp thu hồi, tái sử dụng, đảm bảo không để thất thoát nguồn lực công.
Tiêu biểu trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên trên địa bàn phải kể đến các địa phương, như: Thành phố Cẩm Phả đã tích cực rà soát các khu vực đất công sử dụng kém hiệu quả, đẩy nhanh kiểm kê đất đai và đẩy mạnh giải phóng mặt bằng cho 8 dự án trọng điểm. Huyện Tiên Yên linh hoạt điều phối nguồn đất dư thừa, cấp phép khai thác khoáng sản một cách hợp lý, phục vụ đầu tư công. Trong khi đó, huyện Hải Hà chủ động hoàn tất kiểm kê đất đai, chuẩn bị cho đấu giá đất và giao khu vực nuôi biển, đặc biệt giám sát chặt chẽ các dự án thủy sản công nghệ cao trên địa bàn xã Cái Chiên…
Có thể khẳng định rằng, Quảng Ninh đã và đang xây dựng được một mô hình quản lý đất đai, tài nguyên minh bạch, chủ động và linh hoạt; đảm bảo mỗi tấc đất đều được tính toán, quy hoạch hợp lý; mỗi dòng tài nguyên đều được giám sát, khai thác bền vững; mỗi quyết định giao đất, định giá đều gắn với lợi ích lâu dài của cộng đồng và doanh nghiệp và người dân.
Ý kiến ()