Nông dân Đầm Hà thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Thời gian qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song kiên định với mục tiêu “Hội vững mạnh, nông dân giàu”, Hội Nông dân huyện Đầm Hà đã tích cực đồng hành hỗ trợ vốn, chuyển giao KHKT, tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Hội Nông dân huyện Đầm Hà hiện có 5.780 hội viên. Thời gian qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được phát động và triển khai sâu rộng đến 9/9 cơ sở hội, thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn để phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH giúp 1.239 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 103 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện giúp 297 hộ nông dân được vay vốn với tổng dư nợ trên 54 tỷ đồng. Triển khai có hiệu quả các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của trung ương, tỉnh, huyện với số tiền trên 5,5 tỷ đồng với 12 dự án và 71 hộ vay vốn.
Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp Hội, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn lao động, đất đai của từng gia đình, địa phương để phát triển kinh tế. Qua phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Phạm Văn Thành (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên), chia sẻ: Gia đình có 13ha đất nông nghiệp. Trước đây do thiếu vốn để đầu tư nên nguồn lực đất đai chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, dẫn đến thu nhập rất bấp bênh. Những năm gần đây, nhờ được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi phát triển kinh tế trang trại VAC, mang lại lợi nhuận ổn định hơn 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương.
Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội đã triển khai thử nghiệm 14 mô hình phát triển kinh tế mới tại 9/9 cơ sở hội gắn với các Đề án phát triển nông nghiệp của huyện. Tiêu biểu như các mô hình trồng chanh leo, mô hình trồng na, cam, bưởi; mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao DT108, lúa kim cương; mô hình trồng gừng trên nương; nuôi cá song chấm; nuôi lợn thương phẩm… Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện cũng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cơ quan, đơn vị tổ chức 8 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả; kỹ thuật nuôi lợn theo quy trình VietGAP cho 455 lượt hội viên nông dân; tổ chức 3 đoàn đi học tập mô hình tại các địa phương trong tỉnh; 5 lớp tập huấn dạy nghề cho lao động nông thôn với 129 hội viên. Ngoài ra, phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ điều hành, quản lý, cài đặt phần mềm, kỹ năng bán hàng, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Hướng dẫn, hỗ trợ hội viên cài đặt nền tảng số App Nông dân Việt Nam tại các thôn, bản, khu phố. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân.
Anh Hà Văn Tiêu, Giám đốc HTX Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan, cho biết: Với lợi thế địa phương ven biển, nguồn nguyên liệu cá, mực của Đầm Hà rất tươi ngon, nên tôi quyết tâm khởi nghiệp theo hướng này. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhưng tôi luôn được sự đồng hành từ các đoàn thể, tạo điều kiện tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao KHCN nên càng có thêm động lực để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, sản phẩm chả mực và chả cá - mực của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, với sản lượng hàng chục tấn/tháng và thị trường tiêu thụ đa dạng, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử. HTX mang lại việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương. Mới đây, tôi cũng vinh dự là một trong 36 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Định Của, tự hào đóng góp một phần sức mình vào xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Năm 2024, qua bình xét toàn huyện có 2.879/3.787 hộ đăng ký đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, vượt 155% kế hoạch tỉnh giao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các hộ còn tham gia giúp đỡ 3 hội viên thoát nghèo, 28 hộ hội viên thoát cận nghèo. Đến nay, Hội không còn hội viên nghèo, còn 18 hội viên cận nghèo. Qua đó, đóng góp tích cực vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người của huyện tính đến hết năm 2024 ước đạt 4.350 USD.
Bà Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Trong năm 2025, Hội Nông dân huyện tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm của Hội: “Nâng cao chất lượng hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10 (1930-2025). Các cấp hội phấn đấu tuyên truyền, vận động trồng 10ha cây ăn quả; xây dựng 1 mô hình “Gia đình nông dân văn hóa” gắn với phát triển các sản phẩm phục vụ cho du lịch cộng đồng vùng đồng bào DTTS tại xã Quảng An; tặng 100 sổ BHXH, thẻ BHYT cho hội viên nông dân khó khăn. Xây dựng và thực hiện ít nhất 10 mô hình điểm về phát triển kinh tế tập thể, tập trung vào nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Tích cực triển khai các mô hình liên kết HTX, tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững. Tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, giai đoạn 2020-2025…
Ý kiến ()