Những người giữ "hồn" di sản
Những người - tôi nói đến ở đây là những người trực tiếp hay gián tiếp đã và đang tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Họ xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Quảng Ninh được biết tới không chỉ có nhiều cảnh quan đẹp, thậm chí ngoại hạng toàn cầu như Vịnh Hạ Long mà còn là nơi lưu giữ được kho di sản văn hoá vô giá với hơn 600 di tích các loại. Trong đó, có nhiều di tích được xếp hạng là trọng điểm, đặc biệt của Quốc gia như Khu di tích – danh thắng Yên Tử, Khu di tích lưu niệm chiến thắng Bạch Đằng, Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần, đền Cửa Ông… Di sản văn hoá phi vật thể có các lễ hội Tiên Công, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội truyền thống Vân Đồn, lễ hội cùng rất nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, diễn xướng, trò chơi dân gian của các dân tộc.
Đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá có vai trò quan trọng của những người làm công tác bảo tồn, trông coi, quản lý các di tích; những nghệ nhân miệt mài truyền dạy các điệu hát, nốt nhạc cho các thế hệ trẻ, nhằm lưu truyền các tinh hoa văn hoá của cha ông. Không khó để điểm tên những con người ấy.
Tại Quảng Yên, người dân nói riêng và những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn tỉnh nói chung không ai không biết đến ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Quảng Yên. Cả đời ông Sơn gắn bó với công tác quản lý các di sản văn hoá, nghiên cứu, sưu tầm để rồi xuất bản mấy tập sách về những di tích, văn bia, câu đối, phong tục, lễ hội, diễn xướng dân gian của vùng đất Quảng Yên xưa và nay. Nhiều người vui gọi ông là “nhà Quảng Yên học”. Trên mạng xã hội Facebook, ông Sơn đã và đang đều đặn giới thiệu những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương.
Cùng lĩnh vực cả đời gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá, kể cả sau khi nghỉ hưu có thể kể đến các ông, bà từng công tác tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh như: Đỗ Đăng Đường, Nguyễn Thị Thuỷ, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Ngọc Căn.v.v.
Tại Đầm Hà, cụ Đặng Thị Tự từ lâu đã nổi tiếng là người duy nhất còn nhớ được những làn điệu hát nhà tơ, hát cửa đình – một hình thức diễn xướng dân gian cổ xưa ở Đầm Hà. Xuân này, cụ Tự tròn 100 tuổi nhưng những năm qua, người Nghệ nhân Nhân dân này vẫn miệt mài truyền dạy các làn điệu diễn xướng cho lớp trẻ.
Tương tự cụ Đặng Thị Tự, rải rác tại địa phương trong tỉnh có nhiều nghệ nhân, người cao tuổi đã và đang dốc hết tâm sức để truyền lại cho các thế hệ trẻ những tinh hoa văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Có thể kể như: Nông Thị Xin, Hà Thị Phương, Lương Thiêm Phú, Hoàng Thị Viên (Bình Liêu), Trần Văn Sẹc, Lỷ A Sáng (Tiên Yên), Dư Thị Ngọc, Từ Thị Mói, Tô Văn Quảng (Vân Đồn), Triệu Thanh Xuân, Lục Văn Bình (Ba Chẽ), Đặng Văn Út, Đặng Văn Thương (TP Hạ Long), Ngô Đăng Nhuận (TX Quảng Yên)…
Từ hạt nhân là các nghệ nhân trên, nhiều câu lạc bộ văn nghệ đã ra đời, là nơi sinh hoạt, truyền dạy các diễn xướng dân gian cho lớp trẻ. Không chỉ truyền dạy kỹ năng, họ còn truyền cho những người trẻ tình yêu, niềm đam mê và một nhận thức về giá trị, ý nghĩa của các di sản văn hoá cha ông đã truyền lại.
Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Tiền đề “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam” là ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Sắc lệnh khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.
Ý kiến ()